Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Những năm qua, hoạt động khuyến công (KC) tỉnh Tây Ninh không chỉ tạo đà cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp- đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, mà còn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
|
Doanh nghiệp tư nhân tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu được kinh phí KC hỗ trợ 100 triệu đồng đầu tư 2 thiết bị tách mủ mì SEPARATOR.
Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TV PTCN) Tây Ninh, chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, thông qua nguồn vốn KC quốc gia và địa phương, đơn vị đã thực hiện 2 đề án KC quốc gia gồm: hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong dây chuyền sản xuất ngói màu tại huyện Châu Thành với tổng kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp tại Tân Hội 1, huyện Tân Châu với tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện 8 đề án KC địa phương với tổng kinh phí 485,344 triệu đồng, cụ thể như: Đề án tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Nam; Đề án duy trì website KC Tây Ninh; Duy trì xuất bản bản tin KC; Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu;
Đề án tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác KC; Khảo sát học tập kinh nghiệm về công tác KC, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng tại các tỉnh miền Tây; Hội thảo giới thiệu kỹ thuật quản lý và giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; Hướng dẫn, thực hiện chương trình, kế hoạch và kiểm tra giám sát việc thực hiện các đề án KC. Từ đó, đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nắm bắt được công nghệ mới, vượt qua thời kỳ khó khăn, ổn định sản xuất.
Dự kiến đến ngày 15.12.2014, Trung tâm sẽ phối hợp cùng công ty TNHH XD&TM DV Tây Ninh, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành triển khai thực hiện “mô hình triển lãm kỹ thuật ngói màu”. Theo đó, đơn vị sẽ hỗ trợ doanh nghiệp 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí KC để đầu tư dây chuyền sản xuất.
Lãnh đạo trung tâm KC&TVPTCN cho biết, dù nguồn kinh phí KC hằng năm hỗ trợ các cơ sở sản xuất chưa nhiều, nhưng đây là nguồn lực để động viên, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực, tăng cường cạnh tranh cho sản phẩm.
Cùng với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm còn tích cực trong công tác tư vấn phát triển công nghiệp. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tư vấn thẩm tra 11 công trình, trong đó có: tư vấn giám sát công trình nâng cấp, mở rộng đường Bình Dương (đường Điện Biên Phủ) với hạng mục chiếu sáng và di dời tụ điện; tư vấn giới thiệu kỹ thuật quản lý và giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; tư vấn lập báo cáo kiểm toán năng lượng cho Công ty TNHH Cao su Thời Ích và Công ty TNHH dệt Phước Thịnh…
Thực tế cho thấy, hoạt động KC trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển. Hoạt động KC đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đổi mới máy móc trang thiết bị, nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các xã nông thôn cũng dần hình thành được các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Năm 2015 Trung tâm đã khảo sát, xây dựng và trình Cục Công nghiệp địa phương 13 đề án KC quốc gia với tổng kinh phí 3,850 tỷ đồng, và 6 đề án khuyến công địa phương với kinh phí là 2,925 tỷ đồng trình Sở Công Thương thẩm định.
Ngoài ra, Trung tâm sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, liên kết giữa các cơ quan, ban ngành với các cơ sở công nghiệp nông thôn; phối hợp khuyến công viên cấp huyện khảo sát, nắm bắt kịp thời nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn để có giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất thích hợp.
MỸ KHANH