Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện thời sự
Chuyện 40 năm và nửa tháng…
Thứ hai: 11:51 ngày 10/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hổm rày tôi theo dõi chuyện ì xèo trên mạng xã hội về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Ban đầu là mấy cái bài viết, cờ-lip trên Phây-búc, sau đó tới cái vi-deo của ông giáo sư tác giả viết sách, rồi tới các quan chức đầu ngành Giáo dục lên tiếng.

Và mới đây thì thấy báo tỉnh nhà có bài phỏng vấn ông giáo sư chủ trì công trình nghiên cứu công nghệ giáo dục… Nhưng mà, nói thiệt tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm. Nghe nói cái công trình công nghệ ấy đã đưa ra thực nghiệm từ 40 năm trước, tới bây giờ chuẩn bị vào năm học mới này lại “bùng” lên ì xèo là sao hả ông? Ông có nắm rõ thì làm ơn “cắt nghĩa” cho tôi biết với!

- Đúng như ông đã “nghe nói”, công trình công nghệ giáo dục của ông giáo sư tiến sĩ chủ trì ấy được đưa ra thực nghiệm tại Trường thực nghiệm Giảng Võ ở Hà Nội từ năm 1978, vài năm sau thì được mở rộng ở một số tỉnh.

Trong đó ở tỉnh mình ban đầu thì có Trường thực nghiệm Giáo dục phổ thông dạy theo chương trình công nghệ giáo dục cấp I và cấp II, sau đó có thêm một số trường cấp I cũng được dạy chương trình thực nghiệm. Tất nhiên là các lớp học sinh từ những năm đầu ấy bây giờ đều đã trên dưới 40 tuổi rồi.

Từ đó đến nay, ở đâu không biết, chứ ở tỉnh mình ông có nghe phụ huynh nào thắc mắc hay than phiền chuyện con em họ học chương trình thực nghiệm hay không? Vậy mà gần đây, khởi đầu từ thông tin năm học mới này học sinh lớp 1 ở một thành phố miền Tây Nam bộ sẽ học theo sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục, cùng với cái cờ-líp một cô giáo dạy đánh vần 3 âm tiết “c, k, q” đều đọc là “cờ” đưa lên Phây-búc hôm 25.8, thế là trên mạng xã hội nhao nhao lên đủ mọi kiểu bàn tán, dè bỉu cách đánh vần theo sách công nghệ giáo dục.

Cái kiểu “a dua ném đá” ấy làm cho dư luận xôn xao đến mức các bậc phụ huynh học sinh có con em mới vào lớp 1 đâm ra hoang mang lo sợ. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mới phải lên tiếng chính thức về vấn đề ấy đó ông ạ.

- Vậy à, nghe ông nói tôi mới hiểu ngọn ngành nó là vậy. Thật ra, ba mươi mấy năm về trước, hai đứa nhỏ nhà tôi học tại trường tiểu học ở xã mình cũng được học theo sách công nghệ giáo dục.

Lúc đó thấy tụi nhỏ mang sách về nhà nhìn vào mấy cái hình vuông, hình tam giác mà lại đọc vanh vách câu thơ “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen…”, tôi… hổng biết đâu mà rờ, thành thử đâu có kèm cặp gì tụi nó được. Nhưng tôi nghĩ, mình cho con đi học thì phải tin tưởng nhà trường, tin tưởng thầy cô, cũng như có đau ốm phải vô bệnh viện thì phải tin tưởng thầy thuốc vậy.

Nghề nào có chuyên môn nấy, ai làm nghề cũng có lương tâm nghề nghiệp, chứ chẳng lẽ Nhà nước, xã hội lại đưa những kẻ bất lương ra làm việc, nhất là việc dạy dỗ, săn sóc tinh thần, thể chất người dân hay sao?! Nghĩ vậy mà tôi không hoang mang gì cả, rồi khi lớn lên tụi nhỏ nhà tôi đều tốt nghiệp đại học đàng hoàng, có việc làm ổn định. Tôi ít hiểu biết, chỉ nói nôm na vậy, ông thấy có phải không?!

-Ông có lòng tin như vậy là tốt. Theo Bàn Dân nghĩ, việc gì cũng vậy, trước hết mình phải tìm hiểu cho thấu đáo, phân biệt đúng sai rõ ràng cái đã, đừng vội vàng thấy đám đông hùa nhau làm rùm mà bắt chước theo thì nguy lắm đa!

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục