Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện cọp và tục thờ thần Hổ (tt)
Thứ năm: 09:56 ngày 21/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thành thực mà nói, ở đa số các đình làng Tây Ninh ngày nay, hình tượng cọp trên ban thờ cọp cũng chỉ là những bức vẽ khá sơ sài, chưa toát lên vẻ dũng mãnh của chúa sơn lâm như trên thực tế. Tuy vậy, ở một số đình, sự biểu đạt về cọp có những nét đặc sắc nhất định.

tiếp theo và hết

Phù điêu cọp ở đình Cẩm An.

Theo những ghi chép của ông Huỳnh Minh trong sách Tây Ninh xưa, đến đầu thế kỷ 20 cọp vẫn còn lộng hành trên đất Tây Ninh. Ngay ở khu vực nay là thành phố, vẫn còn chuyện cọp về rình bắt heo, bò ở xóm Nhà thờ vào năm 1914. Đến năm 1927, dù có rất đông người về khai phá đất rừng làm cơ sở hạ tầng Toà thánh Tây Ninh, nhưng vẫn xảy ra chuyện cọp vồ bắt ngựa kéo xe…

Đặc biệt là tới tận các năm 1947- 1948 còn có hiện tượng “cọp loạn rừng”. Nghĩa là khi “rừng động” thì cọp từ đấy tràn về các vùng dân cư sinh sống. Ngay tại xã Ninh Thạnh, ở ấp Chánh (trung tâm xã) mà: “cọp đã ăn ba mạng và mỗi đêm thường về bắt heo mang vô rừng ăn dần…”. Tại khu chùa Long Sơn, nay thuộc khu phố 1, phường 1 cũng có chuyện cọp mẹ đưa cọp con về nằm ngay trước cửa chùa. Vậy nên, chùa này xưa cũng có một ban thờ cọp với tượng cọp bằng gỗ hẳn hoi nhưng nay đã không còn nữa.

Ở vùng bị địch tạm chiếm đã thế, thì ở vùng căn cứ kháng chiến, quân dân cách mạng còn khổ sở vì cọp đến đâu. Trong ký ức của ông Lê Hoàng Triệu, tức Năm Ựng, một cán bộ huyện Châu Thành, cọp xuất hiện ở khắp nơi, từ phía Tây thị xã cho tới các khu rừng Bắc Tây Ninh. Cọp vồ người lớn và bắt cả trẻ em ở xã Thái Bình. “…

Trên lộ 22 từ Trại Bí đến cầu Cần Đăng, đêm trăng bộ đội hành quân gặp 7 con cọp ngồi trên lộ”. Cọp cướp cả heo quân ta nuôi ở căn cứ. Thậm chí, xã Thái Bình có cả khẩu hiệu “diệt cọp là diệt lính Com măng đô”. Ở xã Định Thành, đầu nguồn sông Sài Gòn, người dân phải bố trí quanh nhà, ken dày hai, ba lớp cọc tre vạt nhọn ngăn chúng. Bộ đội Tiểu đoàn 304 từng bao vây, tiêu diệt một con cọp dữ lớn, nặng tới 8 người khiêng.v.v... (trích trong sách Ba thế hệ xanh, một chặng đường).

Từ cuối thập niên 40 thế kỷ trước về sau là hai cuộc kháng chiến của quân dân ta đánh Pháp rồi chống Mỹ. Bom đạn đầy trời, rừng bị chất độc da cam tàn phá nên đã không còn cọp trên đất Tây Ninh, kể cả những cánh rừng nguyên sinh đã được phục hồi trên Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Thế nhưng, hình tượng cọp (hổ) vẫn còn tồn lưu, được thờ phụng ở các ngôi đình, miếu của tín ngưỡng dân gian.

Tây Ninh ngày nay còn tới vài chục ngôi đình, đa số trong đó có bàn thờ cọp. Bàn thờ “ông” thường được đặt trước tấm tường bình phong, phía sau là ban thờ Thần nông, đặt ở chính giữa trước sân đình. Ban thờ cọp thường chỉ là một bệ thấp, để đặt các loại đèn nhang, bình bông cùng các phẩm vật cúng mỗi khi đình vào lễ kỳ yên hoặc cầu bông. Và, nhất thiết trên mặt tấm bình phong ấy phải vẽ hoặc tạo hình “ông” cọp.

Tuy vậy, cũng có một số ít ngôi đình đã thay thế hình tượng cọp bằng hình của long mã, một linh vật của đạo Cao Đài. Đấy là các ngôi đình Hiệp Ninh và Thái Bình ở TP. Tây Ninh. Đình Thạnh Đức huyện Gò Dầu vừa có ban thờ cọp ở vị trí truyền thống- mặt ngoài tấm bình phong, nhưng mặt trong nơi có bệ thờ Thần nông thì lại có phù điêu hình long mã.

Riêng đình Thái Bình, dù đã có long mã nhưng dân làng xưa vẫn không bỏ hình tượng cọp. Bức phù điêu ghép mảnh gốm sứ tạo hình cọp đã được gắn ngay dưới bệ thờ Thần nông. Đây có thể là một tác phẩm nghệ thuật cổ tuyệt tác của đình Thái Bình còn giữ được. Dù chỉ là tường xây với vữa vôi đơn giản, nhưng các đường nét phù điêu và kỹ thuật ghép mảnh gốm sứ thì thật tuyệt vời.

Nhân vật chính là ông Cọp ở đây dáng hình dũng mãnh và uyển chuyển với những đường lượn cong ở lưng và đuôi. Gương mặt cọp đầy biểu cảm với răng nhe, mũi lớn như phập phồng, tai vểnh, hai mắt đen tròn xoe như đang chiếu ra một ánh nhìn mê hoặc. Cái cây phía sau có dạng hình tùng, lấp lánh lá màu xanh dương và trắng. Thân cọp ngả màu vàng xám- là màu men da lươn những mảnh gốm của lọ, vò, chậu kiểng thời xưa.

Thành thực mà nói, ở đa số các đình làng Tây Ninh ngày nay, hình tượng cọp trên ban thờ cọp cũng chỉ là những bức vẽ khá sơ sài, chưa toát lên vẻ dũng mãnh của chúa sơn lâm như trên thực tế. Tuy vậy, ở một số đình, sự biểu đạt về cọp có những nét đặc sắc nhất định. Ngoài đình Thái Bình, cọp ở đình Thạnh Đức cũng là một tác phẩm thành công.

Đặc sắc hơn nữa là tấm phù điêu chạm khắc hình cọp và long mã của đình là nguyên một tấm đá khối. Cọp ở đây lại có vẻ hiền lành như một chú mèo con, dù cũng đang cong tít cái đuôi như sắp nhảy vồ mồi. Thân cọp điểm xuyết những xoáy tròn, lưng cong đầy nội lực. Toàn những đường nét được cách điệu mạnh mẽ. Vậy nên có cảm giác dễ chịu như khi ta ngắm một bức tranh dân gian truyền thống của những làng tranh xưa như Hàng Trống, Đông Hồ... Trong khi đó, cọp trên bức bình phong đình Cẩm An, xã Cẩm Giang còn có vẻ hiền lành hơn nữa khi “ông” đang nằm nghỉ thanh thản dưới bóng cây cổ thụ…

Vào một ngày cúng đình, các ban thờ “ông cọp” rất đầy đủ những vật phẩm dâng cúng: nhang, đèn, bình cắm hoa tươi. Rồi trái cây, món mặn, món chay, bún bánh, rượu, trà… Về tục lệ thờ thần Hổ, nhà nghiên cứu dân gian Nam bộ Trương Ngọc Tường, trong sách đình Nam bộ, xưa và nay (NXB Đồng Nai, 1998) cho rằng: Thần Hổ là một trong các thần linh dân dã được tích hợp vào đình Nam bộ.

Nguyên do là: “Đất Nam bộ vốn là rừng rậm có nhiều thú dữ, trong đó có chúa sơn lâm thường hay gây hại cho mọi người. Do đó, tín ngưỡng thờ phượng thần Hổ nhằm mục đích tạo niềm tin cho người đi khai hoang” (trang 126). Cũng theo sách này, có hai loại thần Hổ. Một được gọi là Sơn quân, tức vị thần Hổ kiêm nhiệm chức Hương cả của làng. Vậy nên còn gọi là miếu thờ Cả cọp: “Miếu này thường ở gần đình, có nơi thờ cốt tượng, có nơi thờ chiếc sọ cọp đã chết rũ từ xưa”.

Tại Tây Ninh, còn chưa hoặc ít thấy loại hình này. Vì trên thực tế, chức vụ Hương cả nhiều làng vẫn do con người nắm giữ (như trường hợp Đại hương cả Đặng Văn Trước của làng Gia Lộc). Nơi duy nhất có loại hình thờ gần giống với mô hình đã kể chính là ở đình Thái Ninh. Tuy vậy, miếu thờ ông Hổ ở đây được ghi là miếu Sơn Thần. Quanh miếu, dưới gốc cây sộp đại cổ thụ là cốt tượng nhiều “ông” Hổ với các tư thế khác nhau, rất oai nghiêm hùng dũng.

Loại bàn thờ thần Hổ thường thấy hơn chính là loại nằm giáp ban thờ Thần nông đình làng đã mô tả ở phần đầu. Tại các vùng đô thị hoá cao như TP. Hồ Chí Minh, do: “đất đai chất hẹp, nên đã phá bỏ đàn xã tắc, chỉ còn “bia thần Hổ”. Hình tượng thờ vẫn là “thần Hổ” nhưng “ông” đã chuyển sang: “phù hộ cho thương nghiệp, không còn mang tính chất nông nghiệp hay thần phù hộ người đi khai hoang nữa…” (Sđd, trang 127).

Tây Ninh đến nay vẫn còn một loại miếu thờ thần Hổ còn chưa biết xếp vào loại hình nào. Đấy là ngôi Hà Gia miếu ở xã Long Khánh, Bến Cầu. Miếu từ xưa còn lại ở giữa một vùng thưa vắng dân cư, cũng không gần đình, chùa nào cả. Ngôi miếu nhỏ đơn sơ này có cả các ban thờ trong miếu, lẫn bức bình phong vẽ hổ bên ngoài. Đặc biệt hơn là trước miếu cũng có cốt tượng 4 “ông Hổ” đang chầu. Còn chưa rõ miếu Hà Gia thờ thần Hổ, hay một vị nhân thần nào trong quá khứ.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục