Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện đá, chuyện người
Chủ nhật: 08:37 ngày 07/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhà thơ Bình Nguyên tên thật Nguyễn Ðăng Hào, sinh năm 1959 tại Ninh Bình, từng đoại giải A cuộc thi thơ lục bát báo Văn Nghệ năm 2002 - 2003.

Thơ lục bát của Bình Nguyên nhuần nhị, mượt mà và gần với những bài ca dao giản dị. Thơ giàu chất liên tưởng bởi những ví von sâu sắc, đầy ý nghĩa. “Với cao nguyên đá” là một bài thơ như vậy.

Nhà thơ mượn hình ảnh cao nguyên đá để ca ngợi vẻ đẹp của cộng đồng bà con dân tộc thiểu số ở đấy. Ðó là hình ảnh: “Bao nhiêu đá trẻ đá già/ Không cao được đội nhau mà cao lên/ Kề lớp dưới với lớp trên/ Nối sau với trước mà nên rộng dài”.

Sự cấu tạo của đá, có khác gì con người trẻ, già cùng nương tựa, dựa vào nhau mà sống, và họ khẳng định mình bởi ý chí và nghị lực “đội nhau mà cao lên”, lớp dưới, lớp trên để tạo nên sự rộng dài của thôn, bản và cả một vùng núi non như ngày nay. Ðó là những ẩn dụ: “Ðá không cửa đóng then cài/ Cứ lên với đá dẫu ngoài chân mây/ Sinh ra đã biết gọi bầy/ Ðã thành chòm xóm đan dày bên nhau”, phải chăng là những căn nhà từ đá mà ra- cửa luôn rộng mở, cùng mọi người đoàn kết “gọi bầy” để tụ hội cùng nhau thành “chòm xóm đan dày”.

Những câu thơ mang nặng nỗi niềm đồng bào, đồng tộc cùng chung vai, đấu cật làm nên non nước: “Qua nghìn vật vã cơn đau/ Mới thành núi mới thành câu chuyện tình/ Ðá xanh như hiến dâng mình/ Mầu xanh ôm lấy bóng hình nước non”.

Những nhắc nhở “vật vã cơn đau”- tức qua nhiều lần mất mát bởi chiến tranh ly tán, mới nên những “chuyện tình” gắn kết, hiến dâng mà thành hình hài của giang sơn, gấm vóc. Trở thành những huyền thoại bất hủ: “Bao nhiêu đá mẹ bồng con/ Bấy nhiêu dáng núi chon von vọng lời/ Mỗi lần nước mắt đá rơi/Lại thành nguồn sống xanh tươi trập trùng”, là những “dáng mẹ bồng con” trông ngóng chồng về, để “dáng núi chon von”, khắc vào lòng bao con người cả miền ngược lẫn miền xuôi. Nước mắt đá chính là nước mắt người, rơi xuống để có ngày “thành nguồn sống xanh tươi” của đất nước hữu tình.

Bài thơ kết lại bằng hai câu thơ như những lời nhắn gửi: “Một mai ai với ta cùng/ Gửi thân đá bọc giữa vùng cao nguyên”. Ðó là sự trở về nơi vùng đất mà mình đã sinh ra, dù chỉ là đá thì đó vẫn là vòng tay ấm áp, bao dung của bản làng, của dân tộc, đồng bào. Hình ảnh cao nguyên đá không còn khô cằn, khắc nghiệt mà trở nên thân thương và lung linh trong mắt của mọi người.

CHÍNH VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục