Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyển đổi số: Chìa khoá xây dựng chính quyền thông minh “của dân - vì dân”
Chủ nhật: 23:51 ngày 18/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chuyển đổi số là xu thế tất yếu khách quan, cần phải tranh thủ cơ hội, nắm bắt thành tựu khoa học công nghệ để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số. Ðó chính là chìa khoá để thành công trong việc xây dựng chính quyền thông minh “của dân - vì dân”.

Ðại diện VNPT giới thiệu về hệ thống Trung tâm IOC Tây Ninh.

Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QÐ-TTg, phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, có thể khẳng định, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số là chủ trương quan trọng, đúng đắn của Ðảng và Nhà nước ta, phù hợp xu thế phát triển.

Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo VNPT Tây Ninh, sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ tiên tiến đang tạo ra những đột phá mới, giúp mọi mặt sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống xã hội có sự chuyển biến tích cực. Với quan điểm chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, Tập đoàn VNPT đã đồng hành với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thành công các giải pháp lõi tiên tiến, hiện đại phục vụ chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Ðiển hình như dự án Trục liên thông văn bản quốc gia - nền tảng cốt lõi xây dựng thành công chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Ðến nay, đã có 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Ðảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Ngoài ra, dự án cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư - một trong 6 CSDL quốc gia trọng điểm, là nhiệm vụ trọng yếu đang được Bộ Công an chỉ đạo gấp rút hoàn thành. Chính phủ và Bộ Công an đã lựa chọn Tập đoàn VNPT, Công ty cổ phần Tư vấn - Ðầu tư và phát triển Bưu điện Hà Nội (HADIC), Công ty TNHH công nghệ thông tin và truyền thông Gtel (GTEL ICT) tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai.

Trong lộ trình xây dựng quốc gia số, chính phủ điện tử và chính quyền số, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) được xem là “bộ não số”, đóng một vai trò vô cùng quan trọng, phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến thời điểm này, Tập đoàn VNPT đã triển khai và đưa vào khai thác, vận hành khoảng 20 Trung tâm IOC trên cả nước và trở thành đơn vị tiên phong xây dựng IOC.

Lãnh đạo VNPT Tây Ninh cho biết, thực hiện thoả thuận hợp tác giữa Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Tây Ninh, đơn vị đã tham gia giới thiệu các giải pháp công nghệ thông tin mới phục vụ công tác cho các sở, ngành và UBND tỉnh.

Ðiển hình trong đó là Trung tâm giám sát, điều hành (GSÐH) đô thị thông minh, được khai trương vào đầu tháng 7.2020. Trung tâm IOC Tây Ninh bước đầu triển khai giám sát các lĩnh vực gồm: hệ thống thông tin báo cáo kinh tế xã hội; hệ thống giám sát dịch vụ hành chính công; tra cứu thông tin đất đai; giám sát lĩnh vực y tế, giáo dục, thông tin mạng xã hội, môi trường; hệ thống giám sát an toàn thông tin; hệ thống camera an ninh và giao thông.

Bên cạnh đó, đơn vị còn giới thiệu các giải pháp mới và mang tính ứng dụng cao như hệ thống quản lý đất đai VNPT-Ilis; phần mềm quản lý cán bộ, công chức - viên chức; lắp đặt thí điểm bộ thiết bị quan trắc môi trường tự động, đặc biệt là giải pháp hệ thống camera an ninh và giao thông. Những giải pháp chính quyền điện tử này giúp nâng cao hiệu suất công việc, tiết kiệm chi phí và là hệ thống đặc biệt quan trọng, nền tảng cốt lõi để xây dựng thành công chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Ðể giúp người dân có thể phản ánh mọi vấn đề bất cập của đô thị một cách kịp thời, Trung tâm giám sát, điều hành kinh tế - xã hội (KT-XH) tập trung tỉnh có “Dịch vụ phản ánh hiện trường”, giúp chính quyền đô thị tiếp nhận, giải quyết các bất cập nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; đồng thời cho phép người dân theo dõi kết quả xử lý phản ánh một cách công khai và minh bạch.

Ông Nguyễn Hoàng Tấn- Giám đốc Trung tâm giám sát, điều hành KT-XH tập trung tỉnh cho biết, hệ thống 1022 Tây Ninh có 2 nhóm tính năng chính: người dân gửi phản ánh những vấn đề bất cập của đô thị để các ngành kịp thời xử lý, cùng với đó, chính quyền thực hiện cảnh báo hoặc thông báo các thông tin đến người dân như tình hình dịch Covid-19, thông tin tuyên truyền, thông tin chuyên ngành…

Người dân có thể gửi phản ánh qua các kênh như: website https://1022.tayninh.gov.vn/; ứng dụng Mobile - 1022 Tây Ninh; cổng 1022 Tây Ninh trên Zalo; trang 1022 Tây Ninh trên Facebook; gọi vào tổng đài 1022. Ông Tấn cho biết thêm, tính đến ngày 8.10, hệ thống đã tiếp nhận 620 phản ánh, trong đó, đã xử lý 588 phản ánh và đang xử lý 32 phản ánh còn lại.

Chuyên mục Phản ánh của người dân về dịch bệnh nhận được số lượt phản ánh nhiều nhất. Hầu hết các đơn vị đã phối hợp xử lý và thực hiện tốt việc thông tin kết quả xử lý bằng văn bản hoặc hình ảnh minh chứng. Kết quả xử lý cũng được công khai rộng rãi và người dân có thể tương tác với kết quả.

Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành ở Tây Ninh được áp dụng ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là việc xây dựng chính quyền điện tử đã mang lại một số kết quả tích cực như: Cung cấp 1.945 dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng Trung tâm GSÐH đô thị thông minh, cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh cho người dân, đặc biệt, là “Dịch vụ phản ánh hiện trường” giúp người dân có thể phản ánh mọi vấn đề bất cập của đô thị một cách kịp thời thông qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Tỉnh cũng xây dựng Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng của tỉnh, kết nối với Trung tâm GSÐH an toàn an ninh mạng quốc gia, giúp bảo đảm an toàn thông tin cho hạ tầng và các hệ thống thông tin xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cải cách hành chính có nhiều điểm mới: ứng dụng mạng xã hội Zalo trong việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp, qua đó, có thể tra cứu tình trạng giải quyết TTHC, tiếp nhận phản ánh của người dân về giải quyết TTHC... Ðây là một trong những hình thức đột phá mới trong khâu giải quyết TTHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chính quyền khi thực hiện TTHC ngày càng tăng.

Theo Sở TT&TT, bên cạnh những kết quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, đa phần các ứng dụng chỉ ở mức cơ bản, chưa thực sự là trên nền tảng điện tử, nền tảng số, chưa tạo được đột phá về mô hình, quy trình, sản phẩm dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp trên cổng dịch vụ công trực tuyến còn ít.

Một số chỉ số còn thấp như: CCHC, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và sự hài lòng về sự phục vụ hành chính; chưa có nhiều đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử. Một số ngành, lĩnh vực chưa quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chuyển đổi số là xu thế tất yếu khách quan, cần phải tranh thủ cơ hội, nắm bắt thành tựu khoa học công nghệ để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số. Ðó chính là chìa khoá để thành công trong việc xây dựng chính quyền thông minh “của dân - vì dân”.

Chương trình chuyển đổi số của tỉnh hướng đến mục tiêu: “Phấn đấu vào nhóm các tỉnh, thành thực hiện chuyển đổi số tốt. Phát triển bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số có khả năng cạnh tranh trong khu vực. Thực hiện tăng trưởng xanh”.

Trong nhiệm kỳ tới, Chính quyền số hướng tới việc thực hiện tốt các nhiệm vụ như: triển khai các ứng dụng, kênh xã hội nhằm gia tăng tương tác giữa chính quyền và người dân; hoàn thiện hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua ứng dụng công nghệ số để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, quy định; cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp để phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh, chính xác; số hoá và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền; phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số.

Trúc Ly

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chỉ rõ: “Nhận thức đóng vai trò quyết định; Người dân là trung tâm; Thể chế và công nghệ là động lực; Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công”.

Tin cùng chuyên mục