Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dự thảo Đề án:
Chuyển giao trung tâm giáo dục thường xuyên cho huyện
Thứ năm: 08:01 ngày 06/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nay mai, khi Trung tâm GDTX được chuyển giao về huyện, UBND cấp huyện là nơi trả lương và quản lý con người. Như vậy, Trung tâm sẽ chịu sự quản lý của ít nhất… 3 cơ quan: Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB &XH và UBND huyện, thành phố.

Giờ học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Châu Thành. Ảnh minh họa

Sở Giáo dục – Đào tạo (Sở GD-ĐT) vừa công bố dự thảo (lần thứ 3) đề án tổ chức lại Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Hiện nay, dự thảo đề án đã được gửi cho các cơ quan, đơn vị liên quan để lấy ý kiến. Thời hạn cuối để Sở nhận ý kiến đóng góp là 10.4- trước khi trình đề án lên cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu mọi việc thuận lợi, tháng 7 tới, Sở GD-ĐT sẽ bàn giao Trung tâm Giáo dục thường xuyên về cho UBND huyện, thành phố trực thuộc tỉnh quản lý.

Lý do để chuyển giao

Một trong những căn cứ để chuyển giao Trung tâm Giáo dục thường xuyên (Trung tâm GDTX) về cho UBND huyện là Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV (Thông tư 39) ngày 19.10.2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Giáo dục- Đào tạo và Bộ Nội vụ về hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện.

Giải thích về sự chuyển giao và tổ chức lại Trung tâm GDTX tại Tây Ninh, lãnh đạo Sở GD–ĐT cho biết, những năm gần đây, trình độ người lao động, số lượng học viên GDTX của các địa phương trong tỉnh đã từng bước được nâng lên.

Lâu nay, tại các Trung tâm GDTX huyện, thành phố, công tác GDTX (dạy bổ túc văn hoá, dạy nghề học sinh phổ thông) và hướng nghiệp do ngành Giáo dục quản lý, còn mảng công tác dạy nghề thuộc sự quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Riêng các cơ sở dạy nghề và Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh cũng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) quản lý.

Qua khảo sát thực tế tại các huyện, thành phố và các trung tâm, Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh và Trường trung cấp Tân Bách Khoa, có thể nhận ra nhiều điều bất cập, hạn chế.

Cụ thể, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải, không tận dụng được cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ yêu cầu đào tạo. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý và giáo viên chưa được bố trí hợp lý- có nơi thừa, nơi thiếu, phân tán nguồn lực.

Hầu hết các Trung tâm GDTX có đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo đảm đủ yêu cầu giáo dục- đào tạo và hướng nghiệp nhưng thiếu nguồn nhân lực cho dạy nghề lao động (hiện chỉ đáp ứng đủ cho dạy nghề học sinh phổ thông).

Mặt bằng một số Trung tâm GDTX cơ bản không đáp ứng được yêu cầu phát triển, có nơi mặt bằng quá nhỏ như Trung tâm GDTX thành phố Tây Ninh- gây không ít khó khăn, trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo quy định.

Một số Trung tâm chưa có quỹ đất xây dựng mới (Trung tâm GDTX Hoà Thành), Trung tâm GDTX thành phố Tây Ninh thì chưa bố trí vốn xây dựng, còn Trung tâm GDTX Bến Cầu lại chưa hoàn chỉnh các hạng mục. Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của trung tâm GDTX là giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có kiến thức, trình độ kỹ thuật tham gia sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương; chức năng liên kết đào tạo đồng thời với hướng nghiệp, dạy nghề. Như vậy, với 3 chức năng, hiện tại các trung tâm GDTX chỉ mới thực hiện tốt chức năng GDTX, các chức năng còn lại thực hiện chưa hiệu quả.

Từ thực tế trên, việc tổ chức lại Trung tâm GDTX thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trung tâm) là cần thiết. Điều này vừa tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, vừa đẩy mạnh lĩnh vực GDTX.

Các mục tiêu cơ bản cần đạt được sau khi tổ chức lại là tiếp tục giữ vững sự ổn định và phát triển quy mô đào tạo nghề cho người lao động phù hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành nghề lao động của huyện, thành phố; đa dạng hoá ngành nghề đào tạo, từng bước củng cố, nâng dần chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực; tinh gọn đầu mối quản lý tổ chức bộ máy, thống nhất cơ chế quản lý Trung tâm; đầu tư ngân sách hợp lý để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên và nhân viên đáp ứng nhu cầu hoạt động, phát triển của trung tâm sau khi tổ chức lại theo quy định.

Về nguyên tắc, việc tổ chức lại và bàn giao cho UBND huyện, thành phố, Trung tâm cần phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp và tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện.

Yêu cầu của việc chuyển giao là giữ nguyên trạng về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức, lao động hợp đồng, tài chính, tài sản và các hồ sơ, tài liệu có liên quan.

Các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động, tài chính, tài sản của Trung tâm trước thời điểm tổ chức lại do UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm.

Cả 3 cùng quản

Theo kế hoạch đề án, sau khi chuyển đổi, bàn giao, Trung tâm mới có tên gọi đầy đủ là “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên” (kèm tên huyện). Đây là đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do UBND tỉnh ra quyết định thành lập và UBND cấp huyện trực tiếp quản lý. Nếu không có gì thay đổi, việc tổ chức lại Trung tâm GDTX được thực hiện đồng loạt bắt đầu từ tháng 7 tới.

Thật ra ở Tây Ninh, việc chuyển giao Trung tâm GDTX từ trực thuộc Sở GD–ĐT về cho UBND huyện, thành phố không có nhiều ý nghĩa. Thông tư 39 yêu cầu sáp nhập 3 trung tâm thành một nhưng quy định này không thể áp dụng một cách đại trà ở một số tỉnh, thành phố- trong đó có Tây Ninh.

Bởi Tây Ninh không có trung tâm dạy nghề và trung tâm hướng nghiệp tổng hợp như một số địa phương khác, mà chỉ có Trung tâm GDTX thực hiện cả 3 chức năng. Trong một bài viết hồi tháng 6.2016, báo Tây Ninh có dẫn ý kiến của một số cán bộ quản lý Trung tâm GDTX: việc thực hiện Thông tư 39 ở Tây Ninh đơn giản, dễ dàng hơn so với các tỉnh, thành khác.

Toàn bộ 9 Trung tâm GDTX cấp huyện sẽ được chuyển giao cho UBND huyện và thành phố quản lý. Về mặt này, theo một số ý kiến, khó tránh khỏi những bất cập. Trước hết, xét về con người, từ trước đến nay, cán bộ, giáo viên công tác tại Trung tâm GDTX đều thuộc quyền điều động bổ nhiệm, sắp xếp của Sở GD-ĐT, điều này tạo ra sự thống nhất trong quản lý.

Nhưng khi Trung tâm trực thuộc UBND huyện, việc điều động, bổ nhiệm con người nói chung phải có sự tham gia của Sở Nội vụ. Loại hình Trung tâm GDTX lâu nay vẫn tồn tại một điều bất hợp lý: Sở GD-ĐT quản lý về chuyên môn (giáo dục - đào tạo) và con người, trong khi Sở LĐ-TB&XH lại quản lý mảng dạy nghề. Sự nhập nhằng ấy đã từng được nhiều người đề cập trong những năm qua.

Nay mai, khi Trung tâm được chuyển giao về huyện, UBND cấp huyện là nơi trả lương và quản lý con người. Như vậy, Trung tâm sẽ chịu sự quản lý của ít nhất… 3 cơ quan: Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB &XH và UBND huyện, thành phố. Mà cả “3 cơ quan chủ quản” này không phải lúc nào cũng tìm được tiếng nói chung về mọi vấn đề.

VIỆT ĐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục