Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiệu trưởng và kế toán nhận lại tiền quyết toán khống để lập quỹ riêng ngoài sổ sách kế toán số tiền trên 127,5 triệu đồng. Việc lập quỹ và sử dụng quỹ có dấu hiệu của tội lập quỹ trái phép theo Ðiều 166 Bộ luật Hình sự.
Ðồ dùng dạy học của nhà trường đã xuống cấp (ảnh chụp tháng 11.2017).
Trước đây, Báo Tây Ninh có bài phản ánh về trường hợp kế toán Phan Thị Kiều Oanh tố cáo bà Trang Thị Xuân Mai- Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Anh Xuân (ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh) có nhiều sai phạm trong quản lý, nhất là việc lập chứng từ khống chiếm đoạt tiền Nhà nước.
Sau khi báo phản ánh, ngành chức năng đã vào cuộc. Ngày 12.12.2017, Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh đã ra quyết định thanh tra công tác quản lý tài chính và công tác cán bộ tại Trường tiểu học Lê Anh Xuân. Mới đây, ngày 23.4.2018, UBND thành phố Tây Ninh đã công bố kết luận thanh tra tại Trường tiểu học Lê Anh Xuân.
HÀNG LOẠT SAI PHẠM VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
Về công tác quản lý tài chính, kết luận thanh tra do Chủ tịch UBND Thành phố Phạm Trung Chánh ký xác định: Bà Trang Thị Xuân Mai và bà Phan Thị Kiều Oanh liên hệ với nhiều cửa hàng mua bán hàng hoá với nhà trường.
Bà Oanh là người trực tiếp đi mua hàng, giả mạo chữ ký của thủ quỹ (trên giấy đề nghị thanh toán), lập 44 chứng từ, chênh lệch cao hơn thực tế, đồng thời quyết toán vượt chế độ, quyết toán không bảo đảm nguyên tắc tài chính. Những hành vi trên vi phạm pháp luật trong việc lập chứng từ khống tại Khoản 3 Ðiều 14 Luật Kế toán.
Kết luận thanh tra cho biết, sau khi chuyển số tiền quyết toán vào tài khoản các cửa hàng, bà Oanh trực tiếp gặp chủ cửa hàng nhận lại số tiền chênh lệch, đưa cho bà Mai cất giữ, tạo lập một nguồn quỹ riêng ngoài sổ sách kế toán. Hành vi này được Thanh tra kết luận có dấu hiệu phạm tội lập quỹ trái phép, được quy định tại Bộ luật Hình sự.
Quá trình thanh tra, hiệu trưởng và kế toán cho biết “không thừa nhận sử dụng cho mục đích cá nhân”. Tuy nhiên, do không lưu trữ tài liệu hay sổ sách ghi chép cụ thể việc thu chi nên giữa khai nhận và đối chiếu tài liệu chênh lệch trên 75 triệu đồng.
UBND Thành phố xác định hành vi của bà Mai, bà Oanh còn có dấu hiệu vi phạm tội tham ô tài sản, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, tội giả mạo trong công tác (giả mạo chữ ký thủ quỹ) được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố còn xác định, việc hạch toán khoản chi mua sắm tài sản nhưng lại hạch toán mua công cụ dụng cụ không đúng quy định của Bộ Tài chính với số tiền 11,5 triệu đồng. Nội dung này, trách nhiệm thuộc về bà Oanh.
Về nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước, đối với Quỹ Khuyến học, là nguồn thu vận động, nhưng nhà trường đưa ra mức thu 200.000 đồng/học sinh (2017-2018) là không đúng quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Sở Giáo dục và Ðào tạo, Hội Khuyến học.
Thanh tra cho biết, hằng tháng, kế toán và thủ quỹ không tổ chức kiểm tra đối chiếu dẫn đến chênh lệch giữa sổ kế toán và thủ quỹ trên 5 triệu đồng.
Ðể hợp thức hoá việc chi khống chứng từ, bà Oanh tự viết hoá đơn bán lẻ mua văn phòng phẩm. Thanh tra còn xác định, một số nội dung chi trợ cấp khó khăn cho học sinh nghèo, chi mua tập khen thưởng của học sinh cuối học kỳ, chi khen thưởng học sinh các hội thi nhưng trên thực tế… không có.
Việc làm này để rút tiền ngân sách nhập “Quỹ để dành” với số tiền trên 22 triệu đồng, vi phạm Luật Kế toán. Thanh tra kết luận bà Lê Thị Út- Chủ tịch Hội Khuyến học chịu trách nhiệm chính.
Ðối với Quỹ lưu trú, nhà trường không thu, bỏ ngoài sổ sách tiền lưu trú 6 học sinh, kê khống chứng từ chi mua vật dụng bán trú trên 11,6 triệu đồng là sai theo quy định của Luật Kế toán, trách nhiệm chính thuộc về bà Mai.
Thanh tra cũng xác định, đối với Quỹ tiền ăn, bà Mai chịu trách nhiệm chính trong việc lập hồ sơ khống thanh toán tiền ăn hằng tuần không đúng với thực tế, “sử dụng 12.496.000 đồng tiền lưu trú của học sinh để mua thức ăn riêng cho cá nhân bà Mai”.
Về Quỹ đồng phục, nước uống, vệ sinh, tiền ghế, thanh tra xác định việc vận động các quỹ này có tổ chức thu, chi, lập sổ theo dõi nhưng thực hiện chưa đúng quy định của Sở Giáo dục và Ðào tạo với số tiền chi sai trên 17,7 triệu đồng. Nội dung này, bà Mai, bà Oanh chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, Thanh tra còn xác định một số nguồn thu khác không đúng quy định. Cụ thể như thu tiền cây kiểng của học sinh trên 10 triệu đồng, thu tiền từ nguồn bán cây, tole cũ và tiền điện căn-tin trên 26,5 triệu đồng không đúng Nghị định số 52/2009/NÐ-CP về quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước. Số tiền này, nhà trường cho một giáo viên vay 10 triệu đồng, còn lại nhập vào “Quỹ để dành”.
Một số mạnh thường quân đóng góp tiền cho nhà trường, các đơn vị chi hoa hồng bảo hiểm hay tiền hỗ trợ học sinh nghèo nhà trường nhập vào “Quỹ để dành”, nhưng sau đó “chi không có chứng từ” với số tiền trên 39,4 triệu đồng sai quy định, bà Mai là người chịu trách nhiệm chính.
Thanh tra cũng xác định, bà Mai “ứng tiền đi học tập kinh nghiệm nhưng chưa hoàn ứng” và nhận số tiền từ người khác trả tiền vay trên 11 triệu đồng là sai quy định, bà Mai chịu trách nhiệm chính.
Ngoài ra, thủ quỹ trường không giữ tiền mặt tại trường mà mang về nhà, không mở sổ theo dõi thu chi tiền mặt, xuất quỹ chi tạm ứng không có giấy đề nghị tạm ứng được duyệt của thủ trưởng đơn vị, xuất quỹ chi tiền không có ký nhận và không có duyệt chi của thủ trưởng đơn vị, xuất quỹ mà không biết chi cho ai… là vi phạm các quy định về nguyên tắc quản lý tài chính của Luật Kế toán, bà Nguyễn Thị Trưng- Thủ quỹ trường chịu trách nhiệm chính.
Kết luận Thanh tra nêu rõ, việc kế toán đơn vị liên tục nhiều năm cùng hiệu trưởng lập các chứng từ khống quyết toán, rút tiền từ ngân sách và các nguồn quỹ khác là hành vi vi phạm Luật Kế toán, trách nhiệm thuộc bà Oanh.
Việc đơn vị lập sổ “Quỹ để dành” có nguồn thu từ việc thu tiền của các mạnh thường quân, các khoản hoa hồng, các khoản quyết toán khống từ các nguồn quỹ ngoài và chi không kèm chứng từ vi phạm Luật Kế toán, bà Mai, bà Oanh, bà Trưng phải chịu trách nhiệm.
Theo Thanh tra, tổng số tiền quyết toán khống từ ngân sách Nhà nước và thu chi sai các nguồn quỹ trên 284 triệu đồng. Bà Mai, bà Oanh, bà Trưng thừa nhận các hành vi sai trái nêu trên với đoàn thanh tra, nhưng cho biết không có tư lợi số tiền này.
Riêng sai phạm về công tác cán bộ, nhà trường ký hợp đồng lao động với bà Ên Thị Mây Ghiêm tháng 8.2016 với số tiền trên 2,3 triệu đồng nhưng không trả lương là sai quy định.
Các nội dung như: bà Lê Thị Hoan bị cắt danh hiệu “lao động tiên tiến”, việc giải quyết chế độ nghỉ việc cho bà Ðặng Thuỳ Linh, việc hỗ trợ kinh phí tập luyện cho ông Võ Hiền Phương, việc điều động bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Lê Thị Hân và Nguyễn Thị Mến nhằm đáp ứng nhu cầu công tác là đúng quy định.
Tuy nhiên, hiệu trưởng nhà trường đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc phổ biến đầy đủ các thông tin về công tác cán bộ từ Phòng Giáo dục và Ðào tạo Thành phố cho đơn vị.
Có dấu hiệu “dính” nhiều tội danh hình sự
Kết luận thanh tra xác định: Bà Trang Thị Xuân Mai- Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo lập hồ sơ quyết toán khống rút tiền từ ngân sách Nhà nước cũng như việc lập chứng từ chi khống, lập quỹ cho giáo viên, nhân viên vay tiền trái quy định.
Bà Mai cũng chịu trách nhiệm việc chi sai tiền các nguồn quỹ khác ngoài ngân sách, thực hiện thu chi từ “Quỹ để dành” không có chứng từ và tất cả các loại quỹ khác.
Ðối với bà Lê Thị Út- Phó Hiệu trưởng, Kết luận thanh tra xác định, là thành viên Ban Giám hiệu nhưng bà Út thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành các quy định về công tác quản lý tài chính, chịu trách nhiệm về những khoản chi khống chứng từ, những khoản thu chi sai từ nguồn quỹ Khuyến học, Quỹ lưu trú và tiền ăn.
Ðối với bà Phan Thị Kiều Oanh- Kế toán trường, Kết luận thanh tra xác định, là người trực tiếp lập hồ sơ quyết toán khống rút tiền từ ngân sách Nhà nước, trực tiếp đi mua hàng và nhận lại các khoản tiền chênh lệch.
Bà Oanh tự viết hoá đơn bán lẻ, giả mạo chữ ký, lập hồ sơ chi khống chứng từ, chi sai quy định từ các nguồn khác ngoài ngân sách; đồng thời quyết toán không bảo đảm mục lục ngân sách và thực hiện thủ tục tạm ứng, chi trả trái quy định.
Bà Oanh còn thiếu trách nhiệm trong vai trò tham mưu cho hiệu trưởng, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, không tố giác các hành vi sai trái và liên tục vi phạm trong thời gian 3 năm.
Ðối với bà Nguyễn Thị Trưng- Thủ quỹ của trường, bà Trưng quản lý, theo dõi quỹ tiền mặt không bảo đảm quy định, không thực hiện đối chiếu với kế toán dẫn đến tình trạng lệch quỹ; đồng thời tự ý xuất quỹ trái quy định. Ngoài ra, Kết luận thanh tra còn xác định một số tổ chức, cá nhân khác chưa làm đúng nhiệm vụ được phân công dẫn đến các sai phạm trên.
Chủ tịch UBND Thành phố kết luận: Từ tháng 1.2015 đến tháng 12.2017, bà Trang Thị Xuân Mai và bà Phan Thị Kiều Oanh đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lập 44 chứng từ quyết toán trên 165 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhưng chỉ thực chi trên 29 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng và kế toán nhận lại tiền quyết toán khống để lập quỹ riêng ngoài sổ sách kế toán số tiền trên 127,5 triệu đồng. Việc lập quỹ và sử dụng quỹ có dấu hiệu của tội lập quỹ trái phép theo Ðiều 166 Bộ luật Hình sự.
Theo kết luận thanh tra, mặc dù hiệu trưởng và kế toán giải trình mục đích sử dụng số tiền trên, không thừa nhận sử dụng cho mục đích cá nhân, nhưng lại không có lưu trữ tài liệu, ghi chép quá trình thu, chi.
Các khoản chi chênh lệch trên 75,5 triệu đồng so với số tiền quyết toán khống. Do đó, hành vi của bà Mai, bà Oanh có dấu hiệu vi phạm tội tham ô tài sản tại Ðiều 353; tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi tại Ðiều 358; tội giả mạo trong công tác (giả mạo chữ ký thủ quỹ)- Ðiều 359 Bộ luật Hình sự.
Vì vậy, Chủ tịch UBND Thành phố quyết định chuyển hồ sơ vi phạm pháp luật đến Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an Thành phố xử lý theo quy định pháp luật.
Ðược biết, trước đó, ngày 7.2.2018, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Quyết định số 288/QÐ-UBND về việc tạm giữ số tiền sai phạm 332.149.533 đồng. Sau đó, bà Trang Thị Xuân Mai đã nộp đủ số tiền vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Thành phố tại Phòng giao dịch Kho bạc Nhà nước Tây Ninh.
ÐỨC TIẾN - QUỐC SƠN
Kế toán đơn vị phải phản ánh số tiền tồn 63.861.565 đồng vào sổ sách kế toán của đơn vị theo quy định, cụ thể gồm: Quỹ Khuyến học (năm học 2017-2018) 15.600.000 đồng, Quỹ đồng phục (năm học 2017-2018) 21.515.000 đồng, Quỹ hoa hồng BHYT (năm học 2017-2018) 6.531.565 đồng, Quỹ vệ sinh (năm học 2017-2018) 10.140.000 đồng, Quỹ tiền ghế 1.375.000 đồng, Quỹ nước uống 8.700.000 đồng.