Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện kể của chuyên viên quân sự đặc biệt tại Geneva
Thứ năm: 18:14 ngày 18/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khi nói đến Hội nghị Geneva không thể không nhắc tới Đại tá Hà Văn Lâu (1918-2016) - chuyên viên quân sự đặc biệt, trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu trong suốt quá trình đàm phán tại Hội nghị.


Đoàn đại biểu Việt Nam DCCH thăm Liên Xô sau khi dự Hội nghị Geneva. (Ảnh tư liệu)

Tháng 3/1954, khi đang làm Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Hà Văn Lâu nhận được điều động của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng chuẩn bị tham gia đoàn Chính phủ Việt Nam DCCH đi dự hội nghị Geneva về Đông Dương. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới, ông đã gấp rút nghiên cứu, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan và tình hình chiến sự để phục vụ cho nghiên cứu của phái đoàn…

Tháng ngày đáng nhớ ở Geneva
Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam dịp kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva năm 2014, khi ông đã bước sang tuổi 96, Đại tá Hà Văn Lâu cho biết, phái đoàn ta có bộ phận quân sự (gồm Thứ trưởng Tạ Quang Bửu và ông) được giao các nhiệm vụ như nghiên cứu, trình bày với đoàn hoặc Trưởng đoàn, đi họp riêng với đoàn quân sự của Pháp để bàn các vấn đề tập kết, chuyển quân, vĩ tuyến, trao đổi tù binh...

Trong suốt quá trình diễn ra Hội nghị Geneva, ông có cơ hội được sát cánh những người đồng chí đáng kính như Trưởng đoàn, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thứ trưởng Tạ Quang Bửu phụ trách quân sự, Trần Công Tường và Phan Anh là luật sư, ông Nguyễn Thành Lê, báo Nhân Dân làm người phát ngôn...

Mỗi người chuyên trách một số vấn đề của Hội nghị nên họ thường có thời gian làm việc tại hội nghị chung và họp riêng thì tùy yêu cầu của các đoàn. Cùng phụ trách về quân sự nên ông và Thứ trưởng Tạ Quang Bửu có những cuộc tiếp xúc, bàn bạc gần gũi nhất. Khi đàm phán về quân sự, họ cũng nhiều lần có các cuộc gặp riêng với Thiếu tướng Delteil và Đại tá Brébisson của đoàn quân sự Pháp.

Đặc biệt, Thứ trưởng Tạ Quang Bửu từng là thầy dạy học toán cho ông ở Trường tư thục Phúc Xuân, Huế, nên ông coi Thứ trưởng như người anh cả. Ông chia sẻ: “Làm việc với đồng chí cũng rất dễ chịu. Đồng chí bàn bạc kỹ với tôi trước mỗi lần đi họp với đoàn quân sự Pháp. Đồng chí Tạ Quang Bửu và đồng chí Trần Công Tường phụ trách về nội dung bản Hiệp định Geneva. Bản tiếng Việt do tôi chịu trách nhiệm. Do vậy, việc ký kết Hiệp nghị trễ mấy tiếng đồng hồ, do tôi phát hiện trong bản tiếng Việt có sót một vài câu phải bổ sung nên đến 3h45 sáng ngày 21/7 mới ký được”.

Ông Hà Văn Lâu cũng cho biết, đoàn ta lần đầu tiên đi dự Hội nghị quốc tế mà không phải do ta chủ trương nên đoàn chỉ có ít người, mọi việc đi lại, ăn ở đều do Trung Quốc sắp xếp, ngay cả việc liên lạc với trong nước, các điện báo cáo về nước đều nhờ Trung Quốc dịch và chuyển. Là người chịu trách nhiệm liên lạc với đoàn Trung Quốc về việc này, nên có lúc ông sang đưa điện cho Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai vào lúc 12 giờ đêm.

Những kỷ niệm sâu sắc với anh Tô
Trong cuốn “Hồi ức cách mạng trong kỷ niệm” do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành, ông Hà Văn Lâu cho biết ông rất may mắn khi được sống và làm việc cạnh anh Tô (tên gọi thân thương của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng) tại Hội nghị Geneva.

Ngày 7/5/1954, khi ta tiêu diệt hoàn  toàn tập đoàn cứ điểm giặc Pháp ở Điện Biên Phủ, thì 16h30 ngày 8/5/1954, Hội nghị Geneva khai mạc. Vui mừng vì chiến thắng, phái đoàn ta hầu như thức trắng đêm lo chuẩn bị cho cuộc họp ngày mai. Ông kể: “Anh Tô cũng không ngủ, vì Điện Biên Phủ đã được giải phóng thì phải sửa lại bài phát biểu trên tư thế khác. Làm xong mọi việc chuẩn bị, anh Tô đi đi lại lại trước hàng hiên. Như thế là ta sẽ bước vào Hội nghị với thế mạnh nhờ có thắng lợi quân sự khắp các chiến trường ở Việt Nam và Đông Dương, đặc biệt là Điện Biên Phủ”.

Ông Hà Văn Lâu nhớ rõ, sáng hôm sau, trước khi chuẩn bị để chiều đến dự khai mạc Hội nghị, anh Tô tập hợp  toàn đoàn căn dặn đại ý: “Ta đang ở thế thắng, địch vào thế thua. Nhưng ta phải đề phòng cảnh giác vì nó là nước lớn, nó sẽ không chịu nhục. Mặc dầu ta thắng lớn trên chiến trường nhưng trên hội nghị còn gay go phức tạp. Vì vậy ta đến hội nghị với tư thế của người chiến thắng, nhưng phải thật khiêm tốn, không nên tỏ thái độ huênh hoang, tự cao tự đại”.

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại sứ Hà Văn Lâu, tháng 4/1974. (Ảnh tư liệu)

Vị Đại tá chia sẻ, suốt thời gian ở Hội nghị, ông đã học hỏi được ở anh Tô rất nhiều. Đó là thái độ trầm tĩnh, đàng hoàng chững chạc, kiên quyết nhưng sáng tạo và mềm mỏng. Ông kể: “Mặc cho đại biểu của Mỹ, Pháp và bù nhìn hết lời vu khống xuyên tạc, đòi hỏi những điều vô lý quá đáng và dùng nhiều mưu mô xảo quyệt nhằm đạt những gì có lợi cho họ…, nhưng với thái độ chân thành, có lý có tình và lời lẽ đầy thuyết phục, những bài phát biểu của anh Tô tại Hội nghị đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và bạn bè trên thế giới. Những thắng lợi cho dù nhỏ đấu tranh được trong từng buổi họp, về chỗ nghỉ, anh Tô rất vui gọi tôi chỉ đạo phải thông báo cho một số bạn bè quốc tế, kêu gọi họ đồng tình, ủng hộ ta”.

Khi bàn về việc đình chiến, Hội nghị quyết định đại diện của Bộ Tổng tư lệnh hai nước Việt - Pháp phải gặp nhau, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tuyên bố ngay là đại diện của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có sẵn. Báo chí lại có dịp ca ngợi Việt Nam có thiện chí và vạch mặt Pháp vu khống ta kéo dài Hội nghị.

Có một việc làm ông Hà Văn Lâu nhớ mãi, là lúc Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ông đi gặp đại diện Pháp để bàn chuyện giải quyết vấn đề thương binh Pháp ở Điện Biên Phủ. Khi Pháp xin phép cho đưa máy bay đến Điện Biên Phủ nhận thương binh, ông đồng ý ngay. Khi về báo cáo lại, Trưởng đoàn nghiêm mặt nói: “Cũng được thôi. Nhưng thoả thuận làm gì sớm thế?”. Ông hiểu ngay là mình vừa phạm một sai lầm không nhỏ, nhưng vị Trưởng đoàn chỉ nói thế rồi thôi.

Cũng theo ông Hà Văn Lâu, Hiệp định Geneva đã thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, nhưng Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn chưa hài lòng vì cho rằng chưa xứng đáng với thắng lợi của ta ở chiến trường.

Về sau này, ông Phạm Văn Đồng có nhận định rằng: “Hiệp định Geneva năm 1954 chỉ là một cuộc hưu chiến trong chiến tranh 30 năm của dân tộc ta để ta có thời gian chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài cho hoà bình và thống nhất đất nước sau này” [1].

Nguồn Baoquocte.vn

Tin cùng chuyên mục