Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020):

Chuyện kể của người chỉ huy vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn 

Cập nhật ngày: 25/04/2020 - 00:09

BTN - Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn một chiến công, một mô hình chiến tranh nhân dân độc đáo, quân và dân huyện Châu Thành góp phần làm sáng tỏ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng trong giai đoạn đầu đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của quân xâm lược Mỹ (1965-1966).

Ông Sáu Lệ kể chuyện trận đánh Gò Nổi năm xưa.

Được sự giới thiệu của ông Lê Bá Quế - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Châu Thành, cùng với ông Nguyễn Văn Phong - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Vinh, chúng tôi đến thăm ông Đinh Công Xã, tên thường gọi là Sáu Lệ, sinh năm 1931, ngụ tổ 4, ấp Phước Lợi, xã Phước Vinh - một cán bộ trong Ban Chỉ huy vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn năm xưa.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Tam Long, huyện Bến Cầu, năm 1948, chàng trai Đinh Công Xã tham gia kháng chiến khi 17 tuổi và được phân công làm Tổ trưởng Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Tam Long (gồm xã Long Giang, Long Chữ, Long Khánh).

Từ năm 1949 đến 1951, ông Xã là Trung đội trưởng Dân quân tự vệ xã, từ 1951 đến 1955 là Chính trị viên ấp đội kiêm Ban cán sự Nông hội xã. Đến năm 1959 - 1960, ông được cử làm Bí thư Chi bộ Cơ sở xã Long Vĩnh, năm 1960-1961 là Bí thư Chi bộ, Chính trị viên xã đội xã Trí Bình, 1961-1965 là Huyện uỷ viên, Trưởng Ban Tuyên huấn Châu Thành, 1965-1975 là Huyện uỷ viên, Phó Bí thư Huyện uỷ, kiêm trưởng Ban Tuyên huấn Châu Thành.

Từ năm 1975-1976, ông Đinh Công Xã là Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, năm 1976-1977 là Tổ trưởng nghiên cứu, Phó Văn phòng Tỉnh uỷ, năm 1980-1984 là Phó Ban Tài chính quản trị Tỉnh uỷ, và từ 1984-1988 là Giám đốc Nông trường Cao su Huyện uỷ Châu Thành. Ông Đinh Công Xã về hưu năm 1989.

 Hơn 54 năm đã trôi qua, nhưng hồi ức về những ngày tháng chiến đấu vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của ông. Câu chuyện kể của ông rất sôi nổi, như mới vừa hôm qua. Ông Đinh Công Xã không giấu được niềm tự hào lớn nhất của cuộc đời mình: ông là thành viên trong Ban Chỉ huy vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn, được cấp trên phân công làm Chỉ huy trưởng Cụm 3 trong trận Bắc Rù và Gò Nổi, xã Ninh Điền ngày 24.6.1966, vào thời điểm Mỹ đổ quân vào đây.

Trảng Lớn thuộc xã Thái Bình B. Năm 1965, quân Mỹ đã hoàn thành việc thiết lập căn cứ quân sự ở Trảng Lớn có sức chứa 5.000 quân Mỹ-nguỵ, chư hầu với hàng chục máy bay, hàng trăm khẩu pháo, hàng trăm xe tăng, với kho tàng dụng cụ phục vụ chiến tranh. Chúng thiết lập 5 vòng rào, có cả điện tử. Trong căn cứ có sân bay, nhà máy phát điện.

Người dân trong khu vực bị chúng cướp hết ruộng, rẫy, vườn tược và đuổi đi để xây dựng căn cứ với ý đồ làm trung tâm chỉ huy khống chế hành lang biên giới, làm bàn đạp sẵn sàng mở rộng chiến tranh sang Campuchia; và đặc biệt là khống chế căn cứ địa cách mạng của ta.

Ngoài các cuộc hành quân đánh phá vùng căn cứ, Mỹ, nguỵ liên tục xua quân càn quét các xã Thanh Điền, Thái Bình, Trí Bình. Đi đôi với kế hoạch gom dân bình định, bọn Phi Luật Tân ngày ngày ủi phá địa hình làm đường cắt ngang, xẻ dọc vùng căn cứ của ta.

Trước ngày Mỹ đổ quân, tháng 7.1965, ông Nguyễn Thanh Dương lúc ấy là Tham mưu phó tác chiến của Tỉnh đội đến làm việc với Ban cán sự, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Thành. Ông Dương dự đoán tình hình, dự báo khả năng hành động của Mỹ, xác định trách nhiệm của Đảng bộ, quân và dân huyện Châu Thành trong việc chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng đương đầu.

Tháng 2.1966, ông Vũ Văn Tới- Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ- Tỉnh đội trưởng đã triển khai cho Huyện uỷ nghị quyết đánh Mỹ của Tỉnh uỷ và phổ biến kế hoạch thiết lập vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn.

Ngay sau đó, Ban Thường vụ Huyện uỷ Châu Thành đã triệu tập cuộc họp Ban Chấp hành huyện Đảng bộ để bàn, thống nhất và quyết nghị 2 vấn đề lớn là quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và công bố quyết định thành lập Ban Chỉ huy vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn.

Tại hội nghị này, ông Lê Văn Thành (Thành Bảy), Huyện đội trưởng thay mặt Thường vụ Huyện uỷ công bố quyết định thành lập Ban Chỉ huy vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn gồm: ông Năm Liêm- Bí thư Huyện uỷ - Chính trị viên, ông Lê Văn Thành (Thành Bảy), Huyện đội trưởng- Chỉ huy trưởng. Chỉ huy phó gồm các ông Năm Hoàng, Sáu Lệ- Thường vụ Huyện uỷ, Mười Dài, Bảy Trung, Năm Nghĩa- Huyện uỷ viên. Cụm 1: các xã Thanh Điền, Thái Bình A, do ông Mười Dài làm Chỉ huy trưởng. Cụm 2 gồm các xã Trí Bình, Hảo Đước do ông Sáu Trần- Huyện uỷ viên làm Chỉ huy trưởng. Cụm 3 gồm các xã Ninh Điền, Hoà Hội (bao gồm Bến Sỏi, Cây Da, Phước Tân) do ông Sáu Lệ- Thường vụ Huyện uỷ làm Chỉ huy trưởng. Cụm 4 gồm các xã Thái Bình B, Phước Vinh do ông Hoàng Sa- Thường vụ Huyện uỷ làm Chỉ huy trưởng.

Chỗ dựa chủ yếu của lực lượng vành đai là nhân dân chí cốt cách mạng, là lòng dân trong các vùng bị địch gom vào các “ấp chiến lược”. Lực lượng ta bám trụ vùng ven, vùng tranh chấp, áp sát địch hình thành thế trận xen kẽ, “cài răng lược”. Địch quyết đẩy ta ra xa, ta quyết tâm bám trụ, tạo nên một hình thái chiến trường sôi động, ác liệt, nóng bỏng.

Sau khi củng cố trận địa, từ tháng 10.1965 đến tháng 3.1966, địch bắt đầu nống ra thực hiện âm mưu “tìm diệt” hỗ trợ cho bình định. Trận đánh Mỹ đầu tiên tại đồng Trảng Trai ngày 23.3.1966. Vì là lần đầu tiên đụng độ với lính viễn chinh Mỹ, Ban Chỉ huy Cụm 1 động viên anh em quyết tâm đánh thắng trận đầu. Quân ta bố trí lực lượng gồm B12, một tiểu đội trinh sát của trên một trung đội du kích xã Thanh Điền với hơn 30 tay súng.

Chỉ huy trận đánh là ông Bảy Trung. Sau gần 30 phút chiến đấu, lính viễn chinh Mỹ hoàn toàn bất ngờ; kết thúc trận đánh, ta loại khỏi vòng chiến đấu 50 tên địch, thu 7 súng và nhanh chóng rời khỏi trận địa trước khi Mỹ cho máy bay đến huỷ diệt.

Trận đánh Mỹ lần thứ 2 trên mảnh đất vành đai là trận Bàu Rào - Bàu Đưng cụm 1, Thanh Điền. Ta chỉ có 20 cán bộ, chiến sĩ của Trung đội 3, Đại đội 40 và 2 trung đội du kích của xã Thanh Điền và Thái Bình A gồm 40 tay súng cùng với cán bộ chỉ huy cụm 1. Ta được trang bị 1 cối 60, 2 trung liên, một ít AK, CKC, súng phóng lựu, còn lại hầu hết súng trường bá đỏ.

Trận đánh kéo dài từ 11 giờ đến 13 giờ, địch tổ chức 6 đợt xung phong nhưng không tiếp cận được công sự ta. Kết quả trận đánh: Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 196 lần đầu xuất quân bị ta đánh tiêu hao nặng

Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn còn nổi lên trận Bắc Rù và Gò Nổi, xã Ninh Điền. Ngày 24.6.1966, Mỹ đổ xuống đây một tiểu đoàn, lực lượng tại chỗ của ta là Cụm 3, Ban Chỉ huy có ông Sáu Lệ, Năm Bên. Sau nhiều giờ dùng phi pháo dọn bãi, trực thăng phóng hàng chục quả rocket, lần này chúng dùng máy bay F105 thả bom, hàng ngàn trái nổ dữ dội. Trận địa ngổn ngang, cây cối gãy đổ, bao trùm trong yên lặng đến ngạt thở, không khí chết chóc bao trùm, lúc ấy bộ binh Mỹ mới xông vào.

Rút kinh nghiệm các trận đánh trước, chiến sĩ ta kiên nhẫn chờ quân Mỹ đến thật gần khoảng hơn chục mét, chỉ huy mới lệnh nổ súng. Lính Mỹ và quân ta sát nhau, nhiều tên bị thương la khóc đều rừng, trực thăng lồng lộn trên bầu trời nhưng không dám bắn vì sợ bắn nhầm đồng bọn, bị súng trường quân ta bắn trúng làm bị thương 2 chiếc phải bay về Trảng Lớn.

Mỹ lùi ra xa trận địa ném trái màu phân tuyến. Lúc này các vị chỉ huy cụm 3 nêu ý kiến bám trụ hay rút lui. Ông Sáu Lệ ra lệnh bám trụ để đánh địch. Lệnh truyền đi, các chiến sĩ ta tiếp tục bám trận địa, củng cố công sự. Biết địch rải trái màu nguỵ trang để lấy thương binh và xác lính, ông Sáu Lệ ra lệnh cho đơn vị nhanh chóng rút ra bìa trảng, 20 phút sau pháo địch bắt đầu huỷ diệt, ta rút lui kịp thời. Từ 14 giờ cùng ngày, quân Mỹ còn tiếp tục 2 đợt tấn công nữa nhưng đều bị ta đánh bật trở lại.

Nhận xét trận đánh, những cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu đã nói: so với các trận đánh trước, trận Gò Nổi dữ dội, ác liệt hơn, ta diệt Mỹ cũng nhiều, hàng chục tên loại khỏi vòng chiến đấu. Ý nghĩa của trận đánh Gò Nổi là sau đó Mỹ co lại, hành động dè dặt hơn, âm mưu đẩy lực lượng của ta ra xa không đạt được. Ta có điều kiện siết chặt hơn vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn bằng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp của huyện Châu Thành.

Câu chuyện kể về những trận chiến, về cuộc đời mình của người lính năm xưa Sáu Lệ khiến chúng tôi quên mất thời gian đã tới trưa muộn. Câu chuyện khiến chúng tôi khâm phục, và dấy lên trong lòng niềm tự hào khôn tả, thôi thúc chúng tôi phải sống tốt hơn để xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của cha ông.

HÀ QUANG

“…Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn một chiến công, một mô hình chiến tranh nhân dân độc đáo, quân và dân huyện Châu Thành góp phần làm sáng tỏ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng trong giai đoạn đầu đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của quân xâm lược Mỹ (1965-1966)”.

(Trích Lịch sử lực lượng võ trang nhân dân huyện Châu Thành giai đoạn 1954-1975).