Đọc báo in
Tải ứng dụng
Chuyện kể của ông Ba Hoàng
2009-09-16 05:45:00

Ông Lê Minh Hoàng, một cán bộ hưu trí hiện đang đảm nhận công tác Bí thư chi bộ khu phố 4, phường 4, đồng thời đang sinh hoạt Hội Cựu chiến binh ở Thị xã.

Tại buổi liên hoan biểu dương những điển hình trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Thị xã Tây Ninh, chúng tôi nhận thấy nổi bật trong những điển hình cá nhân tham gia cuộc giao lưu với đại biểu tham dự liên hoan, có ông Lê Minh Hoàng, một cán bộ hưu trí hiện đang đảm nhận công tác Bí thư chi bộ khu phố 4, phường 4, đồng thời đang sinh hoạt Hội Cựu chiến binh ở Thị xã. Sau khi bế mạc liên hoan, chúng tôi đã gặp gỡ và được ông Lê Minh Hoàng (Ba Hoàng) dành cho cuộc trao đổi sau đây:

-Thưa ông, nếu chúng tôi nhớ không lầm thì một trong những chuyện kể của ông tại cuộc giao lưu của liên hoan, là chuyện ông đấu tranh đòi lại một mảnh đất công bị chiếm dụng tại phường 4, đã nhiều lần được báo chí trong, ngoài tỉnh đăng tải?

-Đúng vậy. Do các báo nhận thấy rõ sự việc tôi đã làm hoàn toàn vì muốn bảo vệ lợi ích chung của xã hội nên báo chí đã lên tiếng ủng hộ, góp phần đem lại kết quả là Nhà nước đã thu hồi mảnh đất bị chiếm dụng.

-Ông có thể kể tóm tắt lại cho bạn đọc Báo Tây Ninh hiểu thêm?

Ông Ba Hoàng (x) phát biểu giao lưu tại Liên hoan biểu dương những điển hình trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Thị xã Tây Ninh.

-Sự việc này xảy ra đã khá lâu. Do ngày mới giải phóng 30.4.1975 tôi được cấp trên phân công làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã Hiệp Ninh (nay đã chia ra thành phường Hiệp Ninh, phường 4 của Thị xã và xã Hiệp Tân của huyện Hoà Thành) nên tôi nắm rất rõ. Số là từ trước giải phóng, có một bà già không chồng con tên là Lưu Thị Quỳ, từ Hóc Môn, Sài Gòn lên Tây Ninh mua một mảnh đất rộng khoảng 1,6 ha, nay toạ lạc tại KP4, phường 4. Sau giải phóng bà Quỳ tự nguyện hiến cho huyện Hoà Thành khoảng 3.800m2 để làm nơi sản xuất bê-tông phục vụ xây dựng công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng. Sau đó bà Quỳ giao số đất còn lại của mình cho một người tên là Nguyễn Lam Canh. Trong giấy uỷ quyền giao đất bà Quỳ có ghi rõ là loại trừ phần diện tích đất đã hiến cho Nhà nước. Vậy mà sau đó (khi bà Quỳ đã qua đời), Nguyễn Lam Canh móc nối với cán bộ địa chính xã để làm “giấy đỏ” hết diện tích đất, kể cả phần đất công mà bà Quỳ đã hiến. Khi tôi phát hiện sự việc (lúc này tôi là Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Hoà Thành) tôi đã nhiều năm, nhiều lần kiến nghị thu hồi số đất công bị chiếm dụng nhưng chưa được chấp nhận, vì ông Canh cố tình giấu mất giấy uỷ quyền. Vì vậy tôi phải bỏ công sức lục tìm cho bằng được tờ giấy uỷ quyền của bà Quỳ trong hồ sơ lưu trữ của huyện để làm bằng chứng. Kết quả mảnh đất công hơn 3.800m2 ở phường 4 đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi. Còn anh cán bộ địa chính kia thì đã bị cách chức, buộc thôi việc.

-Theo chúng tôi biết, thì ông còn kiên trì đấu tranh để làm nhiều việc khác nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích nhân dân ở Hoà Thành, Thị xã?

-Đó là việc đền bù giải toả ở một số công trình giao thông giáp ranh hoặc nối dài giữa Thị xã và huyện Hoà Thành, đi qua địa bàn phường 4 và xã Hiệp Tân như đường Ngô Tùng Châu (nay là Lạc Long Quân), Nguyễn Thái Học (nay là Võ Thị Sáu), đường 30.4 nối dài. Là người cư ngụ và công tác lâu dài tại địa phương nên tôi nắm rất rõ nguồn gốc từng căn hộ, thửa đất dọc theo các tuyến đường đó. Cho nên khi được cơ cấu vào Hội đồng đền bù một số công trình tôi đã nhiều lần góp ý kiến vào những trường hợp đúng, sai cụ thể, nhưng lúc đó lại ít ai chú ý, sửa sai. Chẳng hạn như là một số trường hợp của các hộ cư ngụ ở khu vực thường gọi là “khu thương phế binh” đường Nguyễn Thái Học, “khu huyên đội” đường Lạc Long Quân, “khu vườn hoa cửa số 7 ngoại ô”… Khi tiến hành đền bù giải toả có ý kiến cho rằng đó là “đất công”, đền bù là sai. Nhưng tôi biết rõ các nơi đó không phải là đất công và các hộ được đền bù đều đã cư ngụ ổn định trước ngày 8.1.1988, tức là theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ thì đền bù là đúng. Vậy mà các hộ ở đó vẫn bị đòi lại tiền đã nhận đền bù (cụ thể là có 26 hộ cư ngụ dọc đường Nguyễn Thái Học và Võ Thị Sáu bị đòi thu hồi trên 219 triệu đồng). Đến nay thì đã có kết luận của chính quyền tỉnh, huyện, việc đền bù các nơi đó là không sai. Tức là các hộ đã nhận tiền đền bù không bị thu hồi. Nhưng lại còn một số hộ chưa nhận đền bù phải được tiếp tục đền bù. Ngược lại, có một số hộ đã mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/NĐ-CP đã nhận được tiền đền bù sai. Bởi vì khi họ mua nhà thì đất đã được trừ lộ giới, vậy mà khi giải toả lộ giới họ vẫn được đền bù phần đất nằm trong lộ giới. Nay thì họ sẽ phải trả lại cho Nhà nước phần tiền đó, cụ thể là sẽ phải thu hồi 40,5 triệu đồng có 8 hộ ở Hoà Thành đã nhận đền bù.

-Xin hỏi thêm một câu: vì sao ông lại cất công đi khiếu nại, đấu tranh làm rõ đúng sai trong các câu chuyện trên?

-Tôi làm việc đó là vì tôi nghĩ rằng, là người đã tham gia hoạt động cách mạng gần trọn cuộc đời, là đảng viên có 43 năm tuổi Đảng, tôi được Đảng giáo dục, rèn luyện, được học tập tấm gương suốt đời vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì vậy tôi luôn tâm niệm phải làm theo lời Bác Hồ dạy: việc gì có lợi cho nước, cho dân thì khó khăn cách mấy cũng phải làm cho bằng được.

-Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này.

NGUYỄN TẤN HÙNG

Từ khóa:
Tin liên quan