BAOTAYNINH.VN trên Google News

Câu chuyện cuối tuần

Chuyện ngoài đường

Cập nhật ngày: 12/10/2018 - 11:44

BTN - Khoảng 5 giờ chiều một ngày đầu tháng 10, tôi đi bộ thể dục trên đường Hồ Văn Lâm, khu phố 2, phường 2, thành phố Tây Ninh thì bắt gặp một vụ ném rác bừa bãi giữa thanh thiên bạch nhật.

Người ném rác là một thanh niên ăn mặc ra dáng một học sinh cuối cấp 3, chạy trên một chiếc mô tô kiểu dáng thể thao từ hướng đường Yết Kiêu (khu phố 1, phường 2) vào. Qua cầu Lò Heo rồi ngoặt trái một đoạn chừng hơn 10m, cậu ta phanh kít xe lại và quẳng xuống lề cỏ một bọc rác to tướng nghe cái “bịch”.

Thấy gai con mắt, tôi buột miệng: “Cháu thanh niên đẹp trai ơi, đàng chợ có mấy cái bô rác lớn, sao cháu không chịu cực chạy xe đến đó mà bỏ rác, lại đi ném bừa bãi ở đây? Cháu không thấy bảng cấm sao? Rồi đây Ðoàn Thanh niên và Dân quân phường họ lại phải dọn dẹp để làm cho thành phố mình xanh sạch đẹp, mỗi lần dọn là cực nhọc lắm cháu ơi!”. Không nói không rằng, chàng tuổi trẻ vốn dòng… ở sạch ngồi trên yên quay xe một cách điệu nghệ, rồ ga qua cầu, rồi theo đường Yết Kiêu phóng thẳng!

2. Trên đường Phạm Văn Chiêu, khu phố 2, phường 2 có một “bến” xe tải tự phát, có hôm xe đậu kín hai bên đường, dài từ đầu đường đối diện chợ Tây Ninh tới ngã ba - đúng ra là ngã tư - hẻm 6 Phạm Văn Chiêu. Xe đậu ở đây để xuống hàng hoá cho bốc vác đẩy vào các sạp bán lẻ chợ Tây Ninh. Xe xuống hàng hoá là kèm theo xuống rác, gồm rơm, lá chuối, giấy… chèn các kiện hàng cho khỏi xóc, hoặc là bao bì nhựa, túi nylon, dây buộc, thùng giấy carton… sau khi mở kiện, một số tài xế vứt đại xuống đường, gặp gió, lốc cuốn bay tứ tung hoặc gặp mưa thì nằm… chèm nhẹp đó.

Có một chị U60 ở gần khu vực này đang ngồi ăn bún riêu, thấy xe đậu như nanh sấu hai bên đường, lại còn xả rác bừa bãi nên bức xúc lên tiếng: “Mấy chú đã học luật giao thông mà sao đậu xe mất trật tự vậy? Che khuất tầm nhìn của người đi đường, rủi xảy ra tai nạn cho họ thì ai chịu trách nhiệm đây? Lại xả rác vô tội vạ nữa, dân tụi tui ở đây đâu phải làm “mọi” mà dọn dẹp hoài cho mấy người!”.

Một tài xế trẻ, tuổi áng chừng ba mươi, đốp chát lại ngay: “Bà rảnh quá hén! Chuyện ngoài đường chớ có phải chuyện trong nhà bà đâu mà ý kiến này nọ? Tụi tui đậu xe, xuống hàng ở đây là có sự đồng ý của người có trách nhiệm đàng hoàng, họ thu lệ phí bến bãi tụi tui hằng ngày bà không thấy sao?”.

Ôi! “Chuyện ngoài đường” của thời kinh tế thị trường chưa được quản lý, định hướng tốt nên còn bộn bề phức tạp, và nhiều khi bát nháo! May là những kẻ ném rác kia còn… hiền, nếu không, tôi và bà chị nọ chắc phải “ôm đầu máu” vì cái miệng hay “háo” chuyện ngoài đường.

THIÊN HẠ