Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện những người lính cứu nạn, cứu hộ
Thứ sáu: 06:56 ngày 17/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cứu nạn, cứu hộ là công việc bất kể thời gian vì mọi sự cố diễn ra không ai dự đoán trước được. Có vất vả luyện tập ở thao trường, mới có thể xử lý nhanh những tình huống nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân.

Lực lượng cứu nạn cứu hộ Công an Tây Ninh đang giải cứu nạn nhân bị đất vùi lấp ở công ty Cổ phần Khoai mỉ Tây Ninh thuộc xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh.

Tháng 8, trời thường mưa dầm dề, chỉ cần nắng ráo một chút, cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ  (PCCC&CNCH) Công an tỉnh lại luyện tập các kỹ năng và huấn luyện sử dụng các thiết bị máy móc kỹ thuật.

Với nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ (CNCH), cụ thể là cứu người bị nạn trong các sự cố, tai nạn cháy, nổ, tai sập, đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc...vv… Các chiến sĩ PCCC&CNCH luôn là “mũi tiên phong” mỗi khi xảy ra sự cố trên địa bàn tỉnh. Và lần nào cũng vậy, các anh vẫn luôn chiến đấu với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm đến cùng, vì sự an toàn của người dân.

Hằng năm, Tổ Cứu nạn, cứu hộ (CNCH) thuộc Ðội Chữa cháy trung tâm, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh thực hiện hàng chục vụ tìm kiếm thi thể nạn nhân dưới nước, tang vật vụ án hung thủ ném xuống nước và cứu nạn do tai nạn, sự cố trong lao động. Riêng trong 7 tháng đầu năm, đội đã thực hiện  37 vụ cứu hộ cứu nạn, trong đó tìm kiếm người bị đuối nước 13 vụ; cứu nạn 24 vụ...

Như bao chiến sĩ trẻ khác, lần đầu tiên tiếp cận với thi thể dưới nước, Trung sĩ Trần Công Nhựt không tránh khỏi lo lắng nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhựt chia sẻ: “Tôi mới vào tổ được 1 năm 4 tháng nhưng cũng đã cùng với tổ cứu nạn, cứu hộ hàng chục vụ. Ban đầu, tôi cùng đồng đội lặn tìm xác đuối nước, không dám đụng đến nạn nhân. Ðến khi trực tiếp làm vài ba vụ, mới mạnh dạn đưa thi thể nạn nhân lên bờ”.

Nhớ nhất lần cứu hộ trong hồ Dầu Tiếng. Lần đó, 3 người đàn ông ngồi nhậu trên bờ hồ, sau đó xuống hồ tắm và bị đuối nước. Hai người kia được người dân cứu, còn 1 người không cứu kịp. Khi nhận được tin báo là khoảng hơn 23 giờ, Nhựt cùng đồng đội tức tốc lên đường. Mặt hồ rộng và phải lặn vào đêm tối nên khả năng tìm được nạn nhân là rất thấp, nhưng Nhựt và đồng đội vẫn cố gắng hết mình.

Màn đêm mờ mịt, các chiến sĩ vẫn triển khai đội hình lặn tìm theo hướng dẫn của người dân. 4 tiếng đồng hồ trôi qua, ai cũng thấm mệt, tưởng chừng như vô vọng. Trời vừa hừng sáng, các chiến sĩ lại lao xuống nước, may sao tìm được thi thể của người bị nạn đưa lên bờ, giao lại cho người nhà.

“Cứ mỗi lần nhìn ánh mắt đau buồn của thân nhân của người bị nạn, có một điều gì đó thôi thúc em, phải cố gắng, nỗ lực hết mình”- Nhựt bộc bạch thêm.

Cứu nạn, cứu hộ là công việc đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có sức khoẻ bền bỉ, kỹ năng xử lý, phán đoán tình huống khẩn cấp để đưa ra hướng giải quyết nhanh chóng, dứt khoát, hiệu quả nhất.

Trong các trường hợp đuối nước, để tìm kiếm được thi thể nạn nhân, các anh phải xác định dòng chảy, phân tích các tình huống và đưa ra phương án tìm kiếm khả thi. Thực tế đã chứng minh, nếu thực hiện sai, không những không cứu nạn thành công mà còn nguy hiểm đến tính mạng của chính người tham gia cứu nạn.

Cứu nạn, cứu hộ là công việc bất kể thời gian vì mọi sự cố diễn ra không ai dự đoán trước được. Có vất vả luyện tập ở thao trường, mới có thể xử lý nhanh những tình huống nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân.

Lúc 0 giờ 45 phút ngày 10.4.2016, một vụ tai nạn xảy ra tại ngã tư Thanh Ðiền, huyện Châu Thành. Xe tải biển số 60C- 218.75 lưu thông từ hướng Bến Cầu về thành phố Tây Ninh, đến ngã tư Thanh Ðiền tông thẳng vào phần hông sau của xe tải biển số 71C-030.31, lưu thông từ Thanh Ðiền về Cầu Nổi.

Cú tông làm xe 60C: 218-75 bẹp dúm phần cabin và lật giữa ngã tư, một người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương và 1 người bị kẹt trong cabin. Người dân đã đưa người bị thương đi cấp cứu và tìm cách cứu nạn nhân mắc kẹt nhưng không được.

 Nhận được tin báo, lực lượng CNCH nhanh chóng đến hiện trường cắt bình ắc quy xe để tránh sự cố cháy, sử dụng kìm cộng lực, thiết bị kích thủy lực đẩy các cấu kiện trong cabin xe để có thể đưa nạn nhân mắc kẹt ra ngoài, tiếc là sau đó nạn nhân không qua khỏi vì chấn thương quá nặng.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Hoà- Phó đội trưởng Ðội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh cho biết, cực nhất là dịp diễn ra Hội xuân núi Bà. Bên cạnh những du khách đến tham quan, viếng chùa, nhiều thanh - thiếu niên đam mê “phượt”, leo lên đỉnh núi, chinh phục độ cao 986m này. Nhưng không phải ai cũng biết đường, nên không ít trường hợp đi lạc, phải cầu cứu lực lượng cứu hộ.

Mới hồi tết này, ở khu vực gần đỉnh núi Bà Ðen, trời mưa và sương xuống nhiều, làm một phụ nữ trợt chân té, đầu va vào đá chấn thương. Nhận tin báo, Ðội tức tốc có mặt và phối hợp cùng các lực lượng chức năng của Khu du lịch đưa nạn nhân xuống chân núi an toàn để đến bệnh viện chữa trị.

Theo Thiếu tá Hoà, trước đây việc cứu nạn các đoàn đi phượt trên đỉnh núi gặp nhiều khó khăn, lực lượng phải nhờ sự hỗ trợ của những người dân làm rẫy, bắt ốc trên núi. Thời gian gần đây, các anh sử dụng điện thoại hướng dẫn người bị nạn kết nối internet gửi toạ độ, vị trí rồi hướng dẫn họ đến vị trí dễ tìm thấy chờ lực lượng giải cứu. Nhờ áp dụng phương pháp này nên việc cứu nạn nhanh hơn và cũng phần nào đỡ vất vả hơn trước.

Khó khăn là vậy, song cán bộ chiến sĩ Ðội chữa cháy và CHCN vẫn gắn bó hết mình với công việc. Là người lính làm nhiệm vụ chữa cháy và CNCH, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân luôn là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu.

T.N

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục