Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bài dự thi cuộc thi viết “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Tây Ninh năm 2018:
Chuyện ở xóm “mồ côi”
Thứ hai: 11:51 ngày 03/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Là một trong 82 tổ dân cư tự quản của xã Trường Hoà (huyện Hoà Thành), tổ 18 ấp Trường Xuân thường được nhiều người gọi là “xóm mồ côi”, vì tình cảnh hết sức đặc biệt khó khăn của tổ.

Một cuộc họp dân bàn chuyện làm đường của tổ 18.

Ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp cho biết, khi công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng hoàn thành, kênh TN1 đi ngang qua xã Trường Hoà đã cắt rời một phần đất nhỏ ra khỏi diện tích đất tự nhiên của xã. Trên phần đất nhỏ ấy có 37 hộ dân ấp Trường Xuân sinh sống. Về sau này, xã lập thành tổ 18 nằm riêng biệt chơ vơ giữa đồng như một ốc đảo tiếp giáp với hai xã Chà Là, Cầu Khởi của huyện Dương Minh Châu và Thạnh Ðức của huyện Gò Dầu. Bà con thường nói vui rằng ở tổ này khi gà gáy sáng đã đánh thức người dân cả… ba huyện.

Người dân ở tổ 18 nhiều năm qua phải sống chia cắt vì không thể xây cầu qua kênh do vướng quy định của ngành Thuỷ lợi. Mọi thông tin của xã đến tổ chỉ nhờ vào tổ trưởng đi họp về hướng dẫn, phổ biến lại. Việc đi lại của bà con khó khăn, nan giải. Hằng ngày, người có chuyện ra khỏi tổ hoặc trẻ em đi học đều phải đi theo cặp bờ kênh hơn một cây số đến một trạm cống điều tiết nước mới có đường qua kênh, mà đường cặp bờ kênh thì chỗ lồi chỗ lõm, nắng bụi mưa bùn.

Lúc này, có người nhìn lại con đường độc đạo cặp bờ kênh mà thở dài ngao ngán lẫn lo sợ vì một bên là bờ kênh, một bên là các hố sâu do xe cơ giới đào đắp kênh trước đây để lại. Từ khi có người đi xe máy rơi xuống kênh TN1 chết thì nỗi lo về con đường càng tăng thêm.

Và nỗi trăn trở của bà con đã làm cho tổ trưởng nhiều đêm mất ngủ. Anh tên là Nguyễn Hồng Thanh (sinh năm 1960), được bà con tín nhiệm bầu lên từ ngày thành lập tổ, từng được bà con cử ra ứng cử Hội đồng nhân dân xã. Anh Thanh là người đứng ra vận động bà con góp tiền làm đường.

 Anh đã tổ chức họp tổ nhiều lần để lắng nghe ý kiến của bà con, như ý kiến: người có đất nhiều góp tiền nhiều, người có đất ít góp ít, người ở mặt trước góp tiền khác với người ở mặt sau... Cuối cùng, anh Thanh đã kêu gọi được mọi người hãy vì nghĩa xóm tình làng, vì lợi ích chung của cộng đồng: ai có khả năng bao nhiêu góp bấy nhiêu.

Và rồi, vào một ngày cuối tháng 8 vừa qua, con đường “huyết mạch” của tổ 18 dài 1.200m đã được thi công với dự toán hoàn thành là 56 triệu đồng, quy cách san ủi bằng phẳng và trải đá mặt đường bề ngang 1,5m. Xe cơ giới chạy được vào tổ 18 đã làm nức lòng bà con cả tổ. Từ đây, “xóm mồ côi” đã được thông thương và không còn “mồ coi”.

VĂN TÀI

Tin cùng chuyên mục