Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện tấm huân chương bị thất lạc
Thứ tư: 16:12 ngày 22/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Năm 2004- hàng chục năm sau khi cuộc chiến đã yên, biên giới Tây Nam đã im tiếng súng, người cựu binh ấy bắt đầu cuộc hành trình đi tìm… tấm huân chương mà lẽ ra mình đã có.

Ông Nguyễn Văn Thắng hiện giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Thạnh (Bến Cầu).

Thời chiến tranh biên giới Tây Nam, trong một trận đánh với quân Khmer đỏ, ông Nguyễn Văn Thắng bắt sống được một tù binh. Sau đó, ông Thắng được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Thế mà cho đến nay ông vẫn chưa được nhận phần thưởng xứng đáng với chiến công của mình.

CHIẾN CÔNG XUẤT SẮC

Ông Thắng sinh năm 1957 tại tỉnh Quảng Ninh. Tháng 2.1975, ông gia nhập quân đội. Sau thời gian huấn luyện tại tỉnh Vĩnh Phúc trong lực lượng Bộ binh, ngày 26.4.1975- mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông có mặt tại miền Nam và được biên chế vào Lữ đoàn 22, binh chủng tăng thiết giáp thuộc Quân đoàn 4.

Tháng 7.1977, cùng với nhiều người khác, người lính Nguyễn Văn Thắng được điều lên đóng quân tại xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Một thời gian ngắn sau, đơn vị của ông về đóng quân tại xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Đây là thời điểm ông chính thức tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Ngày 26.10.1977, đơn vị của ông Thắng bắt đầu tham gia trận đánh đầu tiên với quân Khmer đỏ. Sau lần chạm súng với giặc, toàn đơn vị rút quân về một địa danh có tên gọi là Rừng Dầu (thuộc huyện Bến Cầu). Trong hơn 5 năm tại ngũ, trận đánh đáng nhớ nhất của ông Thắng cùng một số anh em trong kíp chiến đấu diễn ra vào ngày 4.11.1977. Trận đánh nổ ra vào lúc 4 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ trưa trên đất Campuchia.

“Lúc 8 giờ sáng, chiếc xe thiết giáp của chúng tôi do anh Nguyễn Đình Cương (quê tỉnh Nghệ An) chỉ huy đã trực tiếp đánh nhau với quân Khmer đỏ tại tỉnh Svay Rieng. Trận đánh diễn ra ác liệt, do tình thế một sống một chết, một mất một còn, lúc đó, anh Cương đã cho chiếc thiết giáp lao lên nghiến chết hai tay súng của đối phương. Ngay lúc đó, phát hiện một lính Khmer đỏ đang ở sát chiếc xe, anh Cương đã ra lệnh cho tôi nhảy khỏi xe bắt sống tại chỗ tay súng này.

Trong tích tắc, tôi đã khống chế được đối thủ. Trên người anh ta còn một khẩu AK và hai quả lựu đạn. Có lẽ do nó quá run sợ nên chưa kịp nhả đạn, nếu không tôi cũng khó giữ được mạng sống của mình. Kíp chiến đấu ngày hôm đó, về sau này có hai người hy sinh. Hiện chỉ còn tôi và anh Cương- người chỉ huy chiếc xe thiết giáp ngày ấy là còn sống” – ông Thắng hồi tưởng.

Ông cho biết thêm, sau trận đánh ấy, cùng với hai người trên hai chiếc xe thiết giáp khác- một tên Nông Văn Liên, một tên Tạ Đình Dân, ông Thắng đã được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba vì thành tích “Một trong những người đầu tiên bắt sống được tù binh, thu vũ khí trên mặt trận biên giới Tây Nam”. Bản thân ông Thắng còn được tặng thưởng một chiếc radio (tài sản có giá trị lúc bấy giờ). Năm 1981, ông rời quân ngũ.

Trong thời gian tham gia chiến đấu tại mặt trận biên giới Tây Nam, ông Thắng cùng một số anh em chiến sĩ đã được nhân dân xã An Thạnh, huyện Bến Cầu che chở. Ông đã cưới vợ và sống tại đây cho đến ngày nay. Năm 2004- hàng chục năm sau khi cuộc chiến đã yên, biên giới Tây Nam đã im tiếng súng, người cựu binh ấy bắt đầu cuộc hành trình đi tìm… tấm huân chương mà lẽ ra mình đã có.

Đến Quân đoàn 4 hỏi, cán bộ phụ trách ở đây cho biết: Quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho ông Nguyễn Văn Thắng là có nhưng bằng khen thì đã thất lạc do đơn vị chiến đấu dài ngày, phải di chuyển nhiều nơi.

Tại Công văn số 27, ký ngày 26.3.2004, Cục Chính trị Quân đoàn 4 trả lời ông Thắng như sau: “Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, đồng chí Nguyễn Văn Thắng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba tại Quyết định số 29/LCT do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký ngày 30.3.1978 vì đã lập thành tích xuất sắc trong trận chiến đấu ngày 4.11.1977. Hiện tại, bằng huân chương nói trên đã bị thất lạc, đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh xét, lập thủ tục đề nghị cấp lại bằng cho đồng chí Nguyễn Văn Thắng”. Thế nhưng, ngày 30.7.2009, Ban Chính sách thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh đã trả lời ông Thắng rằng: vấn đề này không giải quyết được.

Năm 2005, ông Thắng đã được Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba vì “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia”. Theo ông Thắng, đây là một dạng khen thưởng khác, bởi tấm huân chương này dành cho những người đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Còn tấm huân chương mà ông được khen thưởng năm 1978 (nhưng chưa nhận được) là do thành tích xuất sắc trong một trận đánh cụ thể.

Ông Thắng chia sẻ: “Tôi là thương binh, là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã, tôi không đòi hỏi gì nhiều về quyền lợi vật chất, nhưng tôi muốn có được cái huân chương này để bảo đảm sự công bằng, đồng thời qua đó giáo dục con cháu của mình. Nhà tôi cả con trai, con rể đều là quân nhân”.

KHÓ GIẢI QUYẾT ?

Về trường hợp của ông Thắng, cán bộ phụ trách Ban Chính sách và Ban Tuyên huấn của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trả lời rằng: việc Quân đoàn 4 (đơn vị cũ của ông Thắng) đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xét, lập hồ sơ để cấp lại Huân chương Chiến công hạng Ba đối với ông Thắng là… không có cơ sở.

Bởi vì theo nguyên tắc, đơn vị nào đề nghị khen thưởng thì đơn vị đó phải tiến hành lập hồ sơ. Vị này nói thêm: ngày 22.1.2015, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (Tổng cục Chính trị) đã ban hành Hướng dẫn số 124 “về việc tiếp tục giải quyết khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào và tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa”.

Theo đó, chỉ khen thưởng đối với những trường hợp chưa được khen thưởng, đồng thời, về nguyên tắc, việc khen thưởng chỉ thực hiện một lần. Cũng theo Hướng dẫn số 124 (phần dành cho những người làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, Lào), đối tượng được khen thưởng là quân nhân và công nhân viên quốc phòng có biên chế trong các đơn vị quân tình nguyện và đoàn chuyên gia quân sự công tác tại Campuchia, Lào.

Điều kiện để được khen thưởng là hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên. Thời gian để tính khen thưởng từ ngày 7.1.1979 đến tháng 9.1989. Trong Hướng dẫn 124, Tổng cục Chính trị cũng có một số lưu lý trong quá trình xét khen thưởng. Trong đó có quy định: đối với những trường hợp đã được khen thưởng huân chương về thành tích của nhiệm vụ đột xuất (trong một trận đánh, một chiến dịch) nếu có đủ tiêu chuẩn về thời gian quy định như trên (1979 – 1989) thì vẫn được xét khen thưởng thành tích tổng hợp.

Qua những điều vừa trình bày ở trên, có thể thấy trường hợp của ông Nguyễn Văn Thắng có vẻ… nan giải. Tuy nhiên, vẫn còn một cách có thể thực hiện được, đó là ông đề nghị Quân đoàn 4 lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét để cấp lại huân chương cho ông. Việc cấp lại này tất nhiên sẽ có phần nhiêu khê, rắc rối, nhưng thiết nghĩ không phải là không làm được.

VIỆT ĐÔNG – HÀ QUANG

Ông Nguyễn Đình Cương- người chỉ huy chiếc xe thiết giáp tham gia trận đánh xác nhận: ngày 4.11.1977, chính ông đã ra lệnh cho ông Thắng rời khỏi xe bắt sống một tay súng của đối phương và nói thêm: “Việc tặng thưởng cho anh Thắng là xứng đáng”.

 

Tin cùng chuyên mục