Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyến thăm Na Uy của Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: Xung lực mới cho quan hệ song phương
Thứ tư: 08:46 ngày 22/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Quan hệ Việt Nam và Na Uy đang có nhiều tiến triển tích cực, hoạt động hợp tác được tăng cường cả về chất và lượng. Hai bên phối hợp thúc đẩy tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp trên nhiều kênh và lĩnh vực.

Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, quan hệ Việt Nam – Na Uy tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp trên nhiều kênh và lĩnh vực, phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế. Nhân chuyến thăm chính thức lần đầu tiên tới Na Uy của Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Na Uy Jonas Gahr Støre, phóng viên TTXVN tại châu Âu đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Na Uy Đinh Nho Hưng.

Phóng viên: Thưa Đại sứ, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của quan hệ song phương Việt Nam - Na Uy, nhất là sau khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021)?

Đại sứ Đinh Nho Hưng: Quan hệ Việt Nam và Na Uy đang có nhiều tiến triển tích cực, hoạt động hợp tác được tăng cường cả về chất và lượng. Hai bên phối hợp thúc đẩy tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp trên nhiều kênh và lĩnh vực.
Việt Nam và Na Uy cùng với Nhóm các đối tác quốc tế đã thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Các kế hoạch phải tạm hoãn lại trong 2 năm trước do dịch Covid-19 nay đã được tổ chức, trong đó có cuộc Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao tại Hà Nội tháng 3-2023. Đàm phán một số hiệp định được nối lại và sẽ sớm kết thúc. Chính sách miễn thị thực đối với công dân Na Uy nhập cảnh vào Việt Nam được mở rộng, với thời hạn tạm trú nâng từ 15 ngày lên 45 ngày. 

Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Đinh Nho Hưng. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy

Trong nhiều năm qua, Na Uy luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam, tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) trước đây và Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc (LHQ) hiện nay. Hỗ trợ phát triển chính thức của Na Uy dành cho Việt Nam qua các giai đoạn là khoảng 320 triệu USD, đem lại hiệu quả thiết thực về phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Doanh nghiệp Na Uy đầu tư và kinh doanh có hiệu quả ở Việt Nam. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, để lại những ấn tượng rất tốt đẹp đối với du khách.

Có hai điểm mới hiện nay mà tôi rất tâm đắc: Thứ nhất, các doanh nghiệp hai nước ngày càng quan tâm tìm kiếm các cơ hội hợp tác, mở rộng đầu tư, kinh doanh. Thứ hai, hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, trong đó có năng lượng tái tạo, kinh tế biển, đang gia tăng và mở ra các cơ hội tăng cường hợp tác mới, sâu rộng hơn. Đó là những lĩnh vực đang và sẽ có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả hai nước và phù hợp với những xu thế lớn của thế giới trong 1-2 thập niên tới.

Những tín hiệu rất đáng phấn khởi trong quan hệ sắp tới giữa hai nước, theo tôi, dựa trên 3 cơ sở: Về phía ta, trong bối cảnh thế giới biến động, khó khăn, bất ổn, Việt Nam luôn là điểm sáng về tăng trưởng, ổn định, đóng góp một cách chủ động, tích cực vào các nỗ lực chung ở khu vực và thế giới, vì hòa bình và phát triển. Đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Về phía bạn, Na Uy đang có lợi thế rất tốt, đi đầu trong các ngành công nghiệp xanh với thế mạnh về giải pháp công nghệ, tài chính và kinh nghiệm, đồng thời cũng là nước đóng góp quan trọng vào việc hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các SDG và hành động vì khí hậu của LHQ. Về khách quan, thế giới đứng trước nhiều thách thức lớn, diễn biến với tốc độ nhanh hơn dự báo trước đây, đòi hỏi các quốc gia lớn nhỏ phải tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa.

Phóng viên: Với những thành quả to lớn đã đạt được trong quan hệ song phương Việt Nam – Na Uy, Đại sứ nhận định như thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm chính thức Na Uy của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân?

 Đại sứ Đinh Nho Hưng: Điểm nhấn nổi bật nhất trong quan hệ hai nước hiện nay sẽ là chuyến thăm chính thức đến Na Uy của Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân theo lời mời của Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Phó Chủ tịch nước Việt Nam đến Na Uy. Chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương và đa phương giữa hai nước, gia tăng hiệu quả hợp tác và hiện thực hóa các tiềm năng, triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; thực hiện phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Chuyến thăm của Phó chủ tịch nước đến Na Uy cũng sẽ góp phần vào việc triển khai các chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển quan trọng của đất nước đã được thông qua trong các năm qua, thúc đẩy triển khai các chương trình, mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững SDG và các cam kết trong khuôn khổ Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP). Các hoạt động và trao đổi của đoàn tại Na Uy cũng nhằm tăng cường, mở rộng các cơ hội hợp tác về thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học-công nghệ, văn hóa..., góp phần vào nỗ lực huy động các nguồn lực và thực hiện khát vọng phát triển đất nước.      

Phóng viên: Thưa Đại sứ, dự kiến trong chuyến thăm này, hai bên sẽ tập trung thảo luận những nội dung gì?

Đại sứ Đinh Nho Hưng: Nội dung trao đổi trong các hoạt động tại Na Uy của Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ đề cập nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng. Trong đó, sẽ dành thời lượng cho các thảo luận nhằm tăng cường và nắm bắt các cơ hội hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực có nhiều “hàm lượng” về phát triển bền vững, phát triển xanh. Cụ thể liên quan đến các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế biển, nông nghiệp xanh, công nghệ nuôi trồng thủy sản bền vững, xử lý rác thải nhựa…

Một nội dung được cả hai bên coi trọng sẽ là về việc hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế, thực hiện các quy hoạch, đề án phát triển trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Phương hướng sẽ nhằm phát triển năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, các loại năng lượng mới; các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu phát triển, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng. Đây cũng là một trong những nội dung ưu tiên hợp tác quốc tế của Na Uy, với các công cụ quan trọng, như Quỹ Đầu tư Na Uy và Quỹ Đầu tư khí hậu. Mục đích là nhằm huy động các nguồn vốn công, tư để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các dự án phù hợp với các SDG và ứng phó với biến đổi khí hậu của LHQ.

Hai bên cũng sẽ trao đổi cùng với các nước liên quan thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), gồm 4 nước trong đó có Na Uy, với quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả khối là 1.200 tỷ USD.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Nguồn TTXVN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục