Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện về Đội du kích xã Chà Là 

Cập nhật ngày: 21/05/2020 - 14:07

BTN - Tiếp nối truyền thống anh hùng của Đội du kích xã Chà Là, họ đều trở thành cán bộ xuất sắc, như ông Lê Văn Mau - nguyên Huyện đội trưởng; ông Lê Văn Hồng, nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ- Chủ tịch UBND huyện.

Một số cán bộ cách mạng lão thành chụp ảnh lưu niệm trước Căn cứ Láng-Chà Là.

Trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1960-1975, có tổng cộng 139 người tham gia đội du kích xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Trong đó, hy sinh và bị thương 43 người, nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Đội đã độc lập chiến đấu hơn 400 trận và phối hợp với lực lượng cấp trên đánh 250 trận, gài nổ hơn 900 quả mìn các loại; diệt, làm bị thương hơn 1 ngàn tên giặc.

 

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Chà Là (1945- 1975), Lịch sử Đảng bộ huyện Dương Minh Châu (1951- 1975), đầu năm 1960, sau khi Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam của huyện được thành lập, xã Chà Là xây dựng đội du kích gồm 10 người với 6 súng trường, mang ký hiệu 15/4. Mặc dù thiếu thốn về vũ khí, nhưng tinh thần chiến đấu rất cao, mưu trí sáng tạo trong chiến đấu.

Chiến công đầu tiên là vào tháng 6.1961, Đội đột kích một tiểu đội lính dân vệ của địch, trong lúc chúng đang nấu cơm trưa tại một nhà dân ở đầu ấp Chà Là, tiêu diệt 9 tên địch, thu 8 súng trường. Đây là trận đánh độc lập của Đội, không có lực lượng trên tham gia, gây tiếng vang rất lớn cho cả vùng.

Chỉ tính riêng từ năm 1961-1963, đội du kích đã độc lập tác chiến 43 trận, bẻ gãy nhiều cuộc càn và tiêu hao nhiều sinh lực địch, giải phóng vùng rộng lớn từ Chà Là, Bình Linh, Láng, địch rút về đóng đồn ở Bàu Cóp (Bàu Năng).

Thực hiện chỉ đạo của huyện Dương Minh Châu, Chi bộ xã Chà Là đề ra chủ trương tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh đủ sức chặn đánh địch; phát triển các đoàn thể, vận động thanh niên tòng quân xây dựng lực lượng vũ trang cho địa phương và bổ sung cho các lực lượng chủ lực, xây dựng nòng cốt địch vận trong hàng ngũ của địch.

Đội du kích xã vận động thanh niên tòng quân, tự túc sản xuất lương thực, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ… và trực tiếp tham gia với lực lượng huyện đánh các đồn ở ngoài huyện, như Qui Thiện, cầu đôi Rạch Rễ, đánh sĩ quan biệt kích ở Long Hoa và rạp hát Giáo Hảo… đưa nhiều đơn vị chủ lực qua sông Vàm Cỏ Đông đến tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây đánh địch.

Bị thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang “chiến lược chiến tranh cục bộ” với quyết tâm cứu vãn tình thế và giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất, bằng việc đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam với kế hoạch “tìm và diệt”.

Ở Chà Là chỉ có một cụm dân cư, chiều ngang 600m chiều dài 800m mà chúng bố trí 2 đồn chốt ở hai đầu, còn bên trong là bọn tề, ấp ác ôn lùng sục, hăm doạ hết nhà này đến nhà khác, nhất là gia đình có con, em đi cách mạng, các gia đình có ruộng đất gần trong căn cứ cách mạng… Mỹ-nguỵ dùng máy bay B52, pháo bầy, xe tăng liên tục càn quét các cụm rừng chung quanh căn cứ.

Trước tình hình đó, Huyện uỷ phân công cán bộ bám địa bàn xã, trực tiếp lãnh đạo lực lượng của xã chiến đấu chống càn, đồng thời làm công tác tư tưởng cho cán bộ và lực lượng vũ trang ở cơ sở.

Đội du kích với tinh thần “Quyết tâm bám đất giữ làng”, sử dụng chiến thuật “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, tự tạo nguồn lương thực để đánh địch lâu dài, tăng cường xây dựng hầm chông, bãi trái trên địa bàn trọng điểm.

Mỗi chiến sĩ trang bị gọn nhẹ, cơ động cao và có 4-5 hầm bí mật với nhiều vị trí khác nhau. Đội du kích lấy pháo lép của Mỹ chế thành mìn chống tăng gài trên lộ 26 và trên những đường xe quân địch thường đi lại.

Đầu năm 1967, Huyện uỷ chủ trương sáp nhập ba chi bộ ấp Láng, ấp Bình Linh, ấp Chà Là thành Chi bộ xã Chà Là mang bí số B12H, với trên 20 đảng viên, trong đó 90% là du kích, do ông Huỳnh Văn Cải làm Bí thư Chi bộ.

Từ đó, sức chiến đấu của đội du kích càng mạnh hơn. Trong hai năm 1967-1968, lực lượng du kích độc lập chiến đấu 18 trận thành công, diệt 18 xe, trong đó có 8 xe tăng. Theo nhật ký của ông Đỗ Hoàng Thân: “Đêm 14.7.1967, lực lượng du kích xã phối hợp cùng lực lượng C31 của huyện và Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 16 đánh công đồn Chà Là.

Trong đồn có Đại đội lính bảo an 164 và 1 Đại đội trinh sát bảo an 161 của tiểu khu Tây Ninh tăng cường cùng với xã đoàn bình định. 2 giờ 30 cùng ngày, quân ta tấn công bằng vũ khí nặng, đồn Chà Là bị sụp 3/4.

Sau khi chấm dứt hoả lực nặng, bộ binh ta tấn công ba mặt vào đồn, chỉ chừa một lối thoát ra lộ 26, bộ phận C31 phục ở đó chờ chúng thoát ra nổ súng tiêu diệt. Quân ta tiến vào đồn tiêu diệt gần 100 tên, bắt sống 9 tên, thu hàng trăm súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng khác”.

Trong những năm 1966-1970, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, Mỹ mở hết cuộc càn này tới cuộc càn khác, sâu vào Căn cứ Dương Minh Châu. Riêng địa bàn Chà Là, hầu như ngày nào bọn Mỹ cũng có mặt.

Chúng dùng thiết giáp M113 chà đi, xát lại, thả từng nhóm nhỏ biệt kích Mỹ, phục kích vào ban đêm, thả máy thu tiếng động nhằm phát hiện và tiêu diệt cán bộ, du kích của ta. Phần lớn thời gian, đội du kích phải sống dưới hầm bí mật, chiến đấu trong hoàn cảnh thiếu lương thực, thuốc men và các loại vật dụng khác.

Các cơ sở cách mạng ngoài ấp chiến lược tìm cách luồn lách tiếp cho đội du kích, khi thì vài ký gạo, muối, một ít thuốc men. Các thành viên trong đội du kích cải trang thành dân làm ruộng tiếp cận nông dân thu hoạch lúa mùa, vận động nông dân đóng góp lúa để nuôi quân.

Ban ngày, đội du kích đi thu gom lúa đem giấu trong đống rơm, đêm xuống, ra tải lúa về cứ, đào hầm chôn giấu kỹ lưỡng. Vào mùa nắng, anh em đi tát cá ở suối Láng, bắt cá ở các giếng lạn đem về phơi khô. Số cá nhỏ hơn thả xuống các hố bom để ăn dần hoặc làm nước mắm. Có lúc cán bộ và chiến sĩ phải ăn củ mì, củ mài, măng tre để thay cơm.

Tháng 12.1967, Huyện uỷ phân công ông Sáu Hoa (Hai Thặng)- Thường vụ Huyện uỷ về xã chỉ đạo phong trào, lãnh đạo cán bộ, chiến sĩ Chà Là, chuẩn bị tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đội du kích chuẩn bị tinh thần, tư tưởng, các điều kiện vật chất, vũ khí để sẵn sàng đánh phá cầu, đường nhằm “chia lửa” cho các đơn vị bạn đánh vào thị xã Tây Ninh.

Năm 1968-1969 là những năm đánh Mỹ cao trào nhất ở địa phương. Căn cứ của Mỹ ở Đồng Găng (nay là kho KX5) bị ta pháo kích tấn công 4 lần. Năm 1973, Mỹ rút quân về nước, chúng chuyển giao phương tiện chiến tranh cho nguỵ quyền Sài Gòn.

Quân nguỵ đưa ra kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” nhằm thực hiện ý đồ quét sạch cơ sở cách mạng ở xã, ấp để giành dân, lấn đất. Về phía ta, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ tiếp tục xây dựng đội du kích vững mạnh.

Trong 2 năm 1973-1974, ta vận động được 32 thanh niên thoát ly tham gia cách mạng, đưa về cấp trên 21 người, còn 11 người được giữ lại bổ sung cho đội du kích. Thời gian này, đội du kích xã tự trang bị đầy đủ vũ khí, có cả súng cối 60 ly, M79 và tinh thần chiến đấu của lên rất cao. Đội đã liên tục chiến đấu trên 26 trận, trong đó có đánh Sư đoàn 25, Tiểu đoàn bảo an 304 của địch.

Quân địch hoang mang, lo sợ, co cụm trong thế bị động, tinh thần rệu rã. Bọn chúng đào ngũ, chạy sang phía ta hoặc trốn tránh trong Toà thánh. Chấp hành sự chỉ đạo của huyện, với phương châm xã tự giải phóng cho xã.

Chỉ trong một tuần lễ, xã Chà Là xây dựng đội du kích lên đến 37 người. Các du kích liên tục bắn phá, pháo kích bằng cối 60 ly vào đồn Chà Là, dùng thuốc nổ đánh sập cầu suối Lùn, cắt đứt giao thông địch.

Đêm 29.4.1975, 4 tiểu đội du kích bao vây 2 đồn bảo an và đồn dân vệ ở phía Đông và phía Tây Chà Là, dùng loa phóng thanh kêu gọi binh lính nguỵ bỏ súng trở về với nhân dân; dùng súng cối 60 ly, M79 và “súng pháo bộ” bắn vào đồn, giải phóng Chà Là ngay trong đêm đó.

Sáng 30.4.1975, lực lượng vũ trang của xã tiến lên đồn Bàu Cóp (xã Bàu Năng) kêu gọi Tiểu đoàn 304 hạ vũ khí, về với nhân dân và giải phóng luôn xã Bàu Năng lúc 10 giờ 30 ngày 30.4.1975.

Từ năm 1960-1975, có tổng cộng 139 người tham gia đội du kích xã Chà Là. Trong đó, hy sinh và bị thương 43 người, nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Đội đã độc lập chiến đấu hơn 400 trận và phối hợp với lực lượng cấp trên đánh 250 trận, gài nổ hơn 900 quả mìn các loại; diệt, làm bị thương hơn 1 ngàn tên giặc.

Trong đó có hơn 100 tên Pháp và 300 tên Mỹ; bắt sống làm tù binh 70 tên, phá huỷ 56 xe tăng thiết giáp, 7 xe GMC, 2 xe jeep, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, thu 513 súng các loại, 8 máy thông tin PRC 25, 1 máy chiếu phim, 5 xe Honda.

Đội phá hàng chục lượt cầu, cống, đánh công đồn 7 lượt, tiêu diệt và phá rã 2 đoàn bình định nông thôn của địch với hơn 60 tên, phá sập 3 văn phòng ấp, diệt 7 tên tề ấp, xã ác ôn, phá 3 toán phòng vệ dân sự v.v…

Ngày 20.12.1994, Đội du kích xã Chà Là được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND. Nhiều thành viên đội du kích, sau ngày giải phóng, vẫn nỗ lực công tác và giữ cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của huyện, xã.

Tiếp nối truyền thống anh hùng của Đội du kích xã Chà Là, họ đều trở thành cán bộ xuất sắc, như ông Lê Văn Mau - nguyên Huyện đội trưởng; ông Lê Văn Hồng, nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ- Chủ tịch UBND huyện. Các ông Lê Văn Khắng, Lê Văn Bốn sau này là Chủ tịch UBND xã Chà Là.

Căn cứ Láng-Chà Là- một trong những nơi lãnh đạo Tỉnh uỷ, Huyện uỷ, các chi đội lực lượng vũ trang và đội du kích Chà Là từng sống, chiến đấu đã được phục dựng, bảo tồn và xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 16.5.2018.

Đại Dương - Phan Văn Sẩn