Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện về những bác sĩ tại cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 ở huyện Dương Minh Châu
Thứ sáu: 12:28 ngày 17/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hai tháng qua, các y bác sĩ ở Trung tâm y tế huyện Dương Minh Châu-nơi được chuyển công năng thành Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 đã “cắm chốt” tại đơn vị để lo cho bệnh nhân. Có những gia đình cả ba và mẹ đều làm việc tại đây, nên con cái phải gửi lại cho người thân chăm sóc. Tuy vậy, họ luôn tâm niệm “Niềm vui của các bệnh nhân khỏi bệnh, được đoàn tụ với gia đình là niềm vui của y bác sĩ, giành giật sự sống cho bệnh nhân là mệnh lệnh thiêng liêng”.

Y, bác sĩ lấy mẫu cho bệnh nhân tại khu điều  trị bệnh nhân F0 không triệu chứng trường Trung học phổ thông Dương Minh Châu cơ sở 2.

Tạm gác hạnh phúc riêng

Từ cuối tháng 7, khi Sở Y tế có thông báo khẩn về việc chuyển các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thành bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngay lập tức trung tâm y tế huyện Dương Minh Châu đã thành lập khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19, thiết lập đường dây nóng giữa bệnh nhân với bác sĩ...cách ly hoàn toàn với các bộ phận khác tại trung tâm.

7h sáng 14.9, sau khi khoác vào bộ đồ bảo hộ, chúng tôi được lãnh đạo trung tâm y tế huyện cho phép vào khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 và tiếp xúc y bác sĩ trực làm nhiệm vụ. Dù còn khá sớm nhưng các y, bác sĩ tại trung tâm y tế huyện đã tất bật với công việc thăm khám cho bệnh nhân. Tại đây chúng tôi được nghe tâm sự của các y bác sĩ đang đồng hành cùng bệnh nhân chiến đấu với dịch bệnh.

Từ khi trung tâm y tế huyện được chuyển đổi công năng thành nơi điều trị bệnh nhân F0, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên tình nguyện tham gia vào khu điều trị cho bệnh nhân F0. 

Tại khu điều trị cho bệnh nhân F0, mỗi kíp trực chỉ có 2 nhân viên y tế, một bác sĩ khám và 1 điều dưỡng hỗ trợ. Mỗi lần vào thăm, khám và trực tại đó khoảng 4 giờ sẽ thay một kíp trực mới. Tuy nhiên, bên ngoài đều có lực lượng y bác sĩ trực để sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp có vấn đề xảy ra như cấp cứu, bệnh nhân có chuyển biến nặng. Vì vậy mà khối lượng công việc của mọi người nhiều hơn, tần số tiếp xúc với bệnh nhân cũng dày đặc hơn.

Dù công việc bận rộn, vất vả và nguy hiểm vì nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ rất cao, nhưng các y bác sĩ vẫn luôn nhiệt tình, trách nhiệm, rất lạc quan, vui vẻ và mong cho bệnh nhân sớm khỏi bệnh để được trở về với gia đình. 

Quay mặt giấu đi giọt nước mắt, bác sĩ Quyên cho biết: “Khi cả hai vợ chồng cùng tham gia tuyến đầu, chúng tôi đã gửi 2 con nhỏ một bé học lớp 4 và em bé 5 tuổi về ông bà ngoại. Bé nhớ ba mẹ cũng khóc nhiều, chúng tôi rất nhớ con nhưng đành chịu, vì bệnh nhân cần mình hơn nên chúng tôi chỉ gọi cho con qua Zalo để nhìn mặt con, dặn dò bé lớn phụ giúp ông bà chăm sóc em, học tập, khi nào khống chế được dịch bệnh thì gia đình mình sẽ gặp nhau”.

Điều dưỡng Trần Kim Nguyệt người trực tiếp hỗ trợ điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 cho biết, chị để con gái vừa tròn 14 tuổi ở nhà một mình để tham gia các kíp trực trong bệnh viện. May mắn con gái luôn hiểu và thông cảm cho mẹ nên ý thức trong việc chăm sóc và giữ an toàn cho bản thân.

“Con tôi hiểu mẹ phải tham gia phòng, chống dịch Covid-19 nên cháu rất tự giác, tự nấu ăn, uống, học tập và cũng động viên tôi cố gắng nên tôi rất yên tâm. Cứ 14 ngày trực chúng tôi được về nhà nghỉ (sau khi xét nghiệm Covid-19) nhưng tôi sẽ tình nguyện xin ở lại để chăm sóc bệnh nhân của mình” – chị Nguyệt chia sẻ.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân nhiễm SARS – CoV-2 tại trung tâm y tế huyện Dương Minh Châu.

Không để bệnh nhân một mình

Đây là câu nói mà các y, bác sĩ trung tâm y tế huyện Dương Minh Châu hay nhắc khi trò chuyện với chúng tôi. 

Điều dưỡng Nguyệt cho hay: Ban đầu do mới chuyển công năng thành bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nên trung tâm còn khó khăn về thủ tục hành chính nhưng ngay sau đó đã được tháo gỡ. Chúng tôi luôn tâm niệm y, bác sĩ có thể khó khăn, thiếu thốn nhưng không thể để bệnh nhân khó khăn, thiếu thốn.

Nhất là khi bệnh nhân cần chúng tôi thì chúng tôi luôn có mặt và hỗ trợ bệnh nhân, không để bệnh nhân chờ đợi hay khó khăn trong điều trị. Toàn đội hoạt động với phương châm nhiệt tình, chu đáo, bệnh nhân là người thân và tuyệt đối không để bệnh nhân phải một mình chiến đấu với bệnh tật mà chúng tôi luôn sát cánh nên mọi người đều vui vẻ phối hợp với y, bác sĩ để điều trị bệnh.

Bác sĩ Trần Tấn Cường- Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Dương Minh Châu cho biết: Bệnh viện hiện điều trị cho 39 bệnh nhân tầng 2, ở tầng 1 có hơn 60 bệnh nhân đang được các y bác sĩ chăm sóc, theo dõi.

Bên cạnh đó, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều tích cực hỗ trợ nhau, mục tiêu cuối cùng là giúp bệnh nhân nhanh hồi phục, sớm được đoàn tụ với gia đình. Rất may mắn là từ khi trung tâm chuyển công năng thành bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 thì nhân viên y tế không ai bị lây nhiễm chéo.

Các bệnh nhân đã cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS – CoV-2 tập thể thao.

“Suốt hơn 2 tháng chiến đấu với dịch bệnh Covid-19, dù sáng sớm hay đêm khuya, những người trong kíp trực luôn theo dõi, giám sát, kiểm tra, thăm khám để biết chính xác tình trạng của từng bệnh nhân.

Điều vui nhất là mỗi khi có bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện. Các y, bác sĩ tại đây đã làm việc gấp 3-4 lần công suất so với lúc bình thường, nỗ lực giành giật sự sống cho bệnh nhân, tâm sự, động viên chia sẻ với từng bệnh nhân. Cũng như các y, bác sỹ khác trên khắp cả nước, chúng tôi nguyện làm hết sức mình với mong muốn đất nước đẩy lùi dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường”- bác sĩ Cường chia sẻ.

“Nếu phải trả lời về ấn tượng đáng nhớ nhất thì có lẽ với chúng tôi ca trực nào, bệnh nhân nào cũng đáng nhớ cả. Nhớ cả nụ cười của bệnh nhân khi xuất viện, nhớ cả ánh mắt lo lắng khi bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng, rồi có những đêm bệnh nhân gọi hỗ trợ 3-4 lần thì khi quay ra chúng tôi cũng phải tắm 3-4 lần nên ai cũng bị cảm cúm hết.

Và buồn lắm khi mình đã cố gắng chữa trị cho bệnh nhân nhưng không có chuyển biến tốt mà chúng tôi phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Mỗi lần như vậy chúng tôi đều cầu mong cho bệnh nhân sớm hồi phục và xuất viện” - nữ điều dưỡng Trần Kim Nguyệt tâm sự.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục