Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện xây dựng Đảng ở huyện Cờ Đỏ
Thứ tư: 08:35 ngày 28/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cờ Đỏ là huyện “non trẻ” nhất của thành phố Cần Thơ. Thế nhưng, những năm qua, huyện thuần nông này đã có cách làm hay, mô hình mới về công tác xây dựng Đảng, tổ chức bộ máy Nhà nước.

Đẩy mạnh tinh gọn bộ máy tổ chức Nhà nước

Từ thành phố Cần Thơ ngồi xe ô tô hơn 40 km về huyện Cờ Đỏ, hai bên đường có nhiều vườn cây ăn trái, đồng ruộng xanh tươi. Đến thị trấn Cờ Đỏ mới thấy có chợ, trường học, phố xá và xuồng ghe nhộn nhịp. Huyện Cờ Đỏ mới được thành lập trên cơ sở chia tách địa giới từ huyện Ô Môn vào năm 2004. Đến năm 2008, một phần địa giới của huyện Cờ Đỏ tách ra để thành lập huyện Thới Lai.

Một góc chợ Cờ Đỏ ngày nay.

Từ đó đến nay, huyện Cờ Đỏ còn lại 10 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn và chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 3.2009. Tính đến nay, huyện Cờ Đỏ mới thành lập được 15 năm, với diện tích tự nhiên gần 32 ngàn ha, dân số hơn 116 ngàn người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm 7,4% dân số. Kinh tế, xã hội phát triển chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập huyện, ông Châu Việt Tha- Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Cờ Đỏ cho biết: “Lúc đó, số lượng đảng viên ít. Về bộ máy tổ chức, cán bộ công chức thiếu và yếu. Cơ sở vật chất khó khăn, nhiều cơ quan ở nhà tạm. Kết cấu hạ tầng thiếu, có 2 đơn vị xã không có đường giao thông về trung tâm huyện...”

Thời gian thành lập huyện chưa lâu, dân số ít, điều kiện tinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thế nhưng công tác phát triển Đảng ở huyện này rất được chú trọng. Hiện nay, toàn huyện có 15 đảng bộ và 35 chi bộ cơ sở trực thuộc, với hơn 3 ngàn đảng viên, chiếm tỷ lệ 2,576% dân số; 183 chi bộ cơ sở thuộc Đảng ủy cơ sở.

Những nơi có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, huyện đều bố trí đảng viên là người Khmer giữ vai trò Bí thư chi bộ để xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt, Cờ Đỏ là huyện đầu tiên của TP.Cần Thơ thực hiện mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thực Hiện- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Ngay sau khi thành lập huyện, Huyện ủy Cờ Đỏ đã kịp thời tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị chương trình, kế hoạch của Trung ương, Thành ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Huyện ủy luôn tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở”.

Lãnh đạo huyện Cờ Đỏ gặp gỡ học viên Lớp tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng.

Không chỉ thực hiện mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện, ở huyện Cờ Đỏ còn thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Huyện ủy- HĐND và UBND huyện; Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện. Tính đến nay, huyện Cờ Đỏ đã có 2/10 xã thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp xã và có 1 xã thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Dự kiến đến cuối năm 2019, sẽ tiếp tục thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND tại xã Thới Hưng.

Bên cạnh đó, huyện này còn sáp nhập Trung tâm Văn hóa Thể thao với Truyền thanh huyện, sáp nhập Ban Quản lý dự án với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện. Qua việc sắp xếp tổ chức bộ máy, toàn huyện đã giảm 3 cơ quan hành chính sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, giảm 2 tổ chức cơ sở đảng, giảm 1 lãnh đạo huyện, giảm 7 cấp trưởng, giảm 2 biên chế khối Đảng, đoàn thể và giảm 131 biên chế khối Nhà nước, chấm dứt hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ 51 trường hợp. “Hiện nay, ở huyện không còn người nào hợp đồng làm công tác chuyên môn”- ông Nguyễn Thực Hiện nói.

Đối với những người hoạt động không chuyên trách xã, thị trấn và ấp cũng được sắp xếp tinh gọn, bộ máy. Hiện tại, 10/10 xã, thị trấn của huyện đã thực hiện xong việc sắp xếp tinh gọn, bộ máy. Kết quả, giảm 19 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, 67 người hoạt động ở ấp; có 8/10 xã, thị trấn Bí thư Đảng ủy phụ trách công tác tuyên giáo, 2 xã còn lại do thực hiện Bí thư Đảng ủy đồng thời Chủ tịch UBND xã, nên Đảng ủy viên, Trưởng đoàn thể phụ trách công tác tuyên giáo. Đặc biệt, 10 xã, thị trấn đã bố trí công an chính quy về đảm nhiệm chức vụ Trưởng, Phó Công an.

Việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kế cận luôn là vấn đề rất quan tâm của lãnh đạo huyện Cờ Đỏ trong những năm qua. Để có nguồn cán bộ kế cận đảm bảo tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng liên kết với Trường Đại học Cần Thơ mở 5 lớp Đại học tại huyện, gồm 2 lớp Đại học Ngôn ngữ Anh, 1 lớp Đại học Luật và 2 lớp Đại học Nông nghiệp. Nhờ sự quan tâm này, đến nay đã 9/10 xã, thị trấn có Phó Chủ tịch UBND có trình độ đại học chuyên ngành nông nghiệp.

Thành tựu đáng ghi nhận

Nhờ sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kế cận nên những năm qua, tất cả các lĩnh vực của huyện Cờ đỏ đều có bước phát triển đáng kể. Từ những năm kinh tế- xã hội gặp nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao so với bình quân chung của thành phố, đội ngũ cán bộ, công chức vừa thiếu, lại vừa yếu, đến nay, Cờ Đỏ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh.

Trụ sở UBND huyện Cờ Đỏ.

Điển hình một số chỉ tiêu, như sản lượng lúa đều duy trì ở mức trung bình 400 ngàn tấn/năm. Riêng cuối năm 2018 đạt 435 ngàn tấn, tăng 135 ngàn tấn so với khi mới thành lập huyện năm 2009, trong đó có hơn 95% lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Diện tích vườn cây ăn trái cho hiệu quả không kém. Đến nay toàn huyện có hơn 3.371,3 ha, tăng 2.991,9 ha so với khi mới thành lập huyện năm 2009. Đặc biệt là chuối cấy mô, nhãn, xoài cát Sông Hậu được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Tính đến cuối năm 2018, giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 176 triệu đồng/năm, đem lại lợi nhuận trên 70 triệu đồng/ha.

Đến nay, huyện Cờ Đỏ đã có 8/9 xã được TP.Cần Thơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; còn xã Thạnh Phú dự kiến sẽ đạt chuẩn vào cuối năm 2019. Bên cạnh đó, thị trấn Cờ Đỏ từ đô thị loại V đã phấn đấu lên đô thị loại IV. Hiện tại đã trình hồ sơ lên HĐND cùng cấp thông qua và đang hoàn chỉnh hồ sơ trình TP.Cần Thơ và Bộ Xây dựng thẩm định công nhận.

Phát huy, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, đến nay huyện có gần 2 ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và 140 doanh nghiệp, tăng 82 doanh nghiệp so với năm 2009, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến cuối năm 2018 đạt trên 1.842,11 tỷ đồng, tăng 794 tỷ đồng so với năm 2009.

Các xã, thị trấn đều đạt chuẩn quốc gia về y tế; trung tâm y tế huyện, bệnh viện Quân dân y ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong và ngoài huyện. Công tác xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh và phát huy vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội. Đến nay, huyện Cờ Đỏ có 8 xã văn hóa nông thôn mới, 78/79 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa.

Đặc biệt trong năm 2018, TP.Cần Thơ đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử chi bộ An Nam Cộng sản Đảng với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu quý IV.2019, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ (10.11.1929- 10.11.2019)- Chi bộ đầu tiên của tỉnh Cần Thơ.

Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ Nguyễn Thực Hiện chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy tổ chức Nhà nước của huyện.

Với những kết quả như vừa nêu trên, năm 2018, nhân dân và cán bộ huyện Cờ Đỏ đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.

Vừa qua, tại buổi làm việc với đoàn công tác do Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng và các lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên các tỉnh phía Nam, ông Nguyễn Thực Hiện- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ bộc bạch: “Việc chỉ đạo, lãnh đạo cụ thể hóa các nghị quyết, kế hoạch, chương trình của Trung ương, Thành ủy, chúng tôi thực hiện bằng đề án, chương trình hành động cụ thể, phù hợp với địa phương, đơn vị.

Sau đó phổ biến kế hoạch thực hiện sâu rộng đến các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, giúp cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết, tạo được niềm tin và quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng bộ về chủ trương, góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đạt hiệu quả công tác và xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh”.

Thạc sĩ Ngô Minh Tuấn- Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng nhận xét “Đây là cách làm hay, mô hình mới về công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy tổ chức Nhà nước của huyện Cờ Đỏ”.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục