Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh của Bộ đội Trường Sơn đã gọi đội ngũ nữ chiến sĩ Trường Sơn chính là “huyền thoại của huyền thoại”. Những đóng góp, hy sinh của những người con gái trên tuyến đường Trường Sơn, lòng quả cảm và tinh thần chiến đấu anh dũng của các chị đã khắc họa nên một tượng đài bất tử: Nữ chiến sĩ Trường Sơn.
Các nữ chiến sĩ trung đoàn 671 đường ống binh trạm 14 lắp đặt đường ống xăng dầu qua trọng điểm Phu La Nhích năm 1972 (ảnh chụp từ triển lãm).
Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 - 19.5.2019), cuộc triển lãm ý nghĩ mang tên “Kiêu hãnh Trường Sơn” vừa được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vừa phối hợp với Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn tổ chức tại Hà Nội.
Những ký ức “buốt lòng”
Lời kể cùng chân dung của 60 cựu nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với những mẩu chuyện nhỏ được họ chia sẻ về cuộc sống và chiến đấu trên con đường Trường Sơn đã khắc họa nên một bức tranh hào hùng về cuộc chiến. Những vết thương chiến tranh dường như chưa bao giờ nguôi trên thân thể và ký ức của những nữ chiến sĩ đường Trường Sơn huyền thoại. Họ đã chiến đấu bằng cả trái tim mình, giữa chiến trường bom đạn ác liệt.
Bà Đỗ Thị Mùi - thành viên Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh - nhớ lại: “Hôm đó, tôi đưa xe đến nơi bảo dưỡng, gặp trời mưa, đường lại có rãnh nên xe bị lún sâu. Tôi tăng ga cho xe chồm qua các gốc cây rồi lao mạnh khiến tay lái đập vào ngực như bị dội bom. Tôi ngã ra đệm phụ ngất đi. Lúc tỉnh dậy, xe vẫn nổ máy chạy trên đường rãnh, tôi vội vàng cầm tay lái đi tiếp. Hiện nay, khi trở trời, ngực tôi thường bị đau, vẫn phải dùng thuốc trợ tim”.
“Mỗi khi chuẩn bị biểu diễn, son phấn không đủ, chúng tôi lấy nhọ nồi kẻ lông mày, dùng giấy đỏ tô má hồng, thay cho son môi. Quần áo hong ở bếp Hoàng Cầm cho đỡ ẩm ướt. Mùa khô hiếm nước nên ai cũng ghẻ lở và rụng hết cả tóc”- bà Nguyễn Thị Bích Liên, thành viên của đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom”, nói về những ký ức về năm tháng không thể nào quên.
“Tôi và Lan ở cùng quê, nhập ngũ vào cùng đơn vị. Lúc ấy, Lan đã có người yêu ở quê. Ở chiến trường, Lan dặn rằng nếu không may hy sinh, tôi sẽ thay thế, chăm sóc người yêu chị. Chiến tranh ác liệt, Lan hy sinh. Thực hiện lời hứa, tôi nên duyên cùng người yêu Lan và trở thành người con gái trong gia đình chị”- bà Nguyễn Thị Hảo, Y tá đoàn 559, xúc động kể câu chuyện về nghĩa tình đồng đội.
2 vạn nữ chiến sĩ - niềm kiêu hãnh Trường Sơn
Bà Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - cho biết, với 3 chủ đề: Dấu ấn huyền thoại, Những bông hồng thép và Phía sau cuộc chiến, Triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” đã tái hiện một con đường thời gian về Trường Sơn với sự bền bỉ của ý chí, sức mạnh của trái tim, khát vọng của tuổi trẻ và cả những hồn nhiên của đời thường.
“Chúng tôi mong muốn cuộc triển lãm như thước phim quay chậm tua lại thời gian để hiểu về một lực lượng đặc biệt - những cô gái trên đường Trường Sơn. Con đường ấy đã để lại những cái tên huyền thoại như mười cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc; Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Trưng Trắc của tỉnh Hà Tây; Đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh..., hay những cái tên bất tử như Hồ Kha Lịch; La Thị Tám, Nguyễn Thị Huấn...” - bà Vân nhấn mạnh.
Nếu như nói Trường Sơn là điểm hẹn lịch sử của lớp lớp người con đất Việt thì lực lượng nữ chiến sĩ đã đóng góp một phần đặc biệt quan trọng. Có những thời điểm, lực lượng nữ chiến sĩ Trường Sơn lên tới gần 2 vạn người. Trong đó, nhiều đơn vị bộ đội hoàn toàn là nữ nhập ngũ những năm 1972, 1973, 1974 như tiểu đoàn nữ Trưng Trắc, Hoàng Ngân, Hồng Gấm, Nam Hà, Thái Bình, Ninh Bình. Lực lượng nữ TNXP làm nhiệm vụ ở Trường Sơn nhập ngũ những năm 1965, 1968, 1973 chị em nữ chiếm trên 60%.
Hơn 2 vạn nữ chiến sĩ từ khắp các địa phương trong cả nước tình nguyện trực tiếp đóng góp công sức chiến đấu với bao mồ hôi, nước mắt và xương máu, đánh đổi cả tuổi trẻ và bản thân mình. Họ là những nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, giao liên, quân y, văn công, lái xe, nhà văn, nhà báo, công binh,…
Đó là những câu chuyện đời thường rất lính, nhưng lại nữ tính với nỗi niềm của những người con gái như sợ vắt hơn sợ bom đạn, sợ ma, sợ tóc rụng, sợ xấu,… Thậm chí, để được tham gia lực lượng phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn, nhiều chị đã khai tăng tuổi, lúc tuyển quân phải tìm mọi cách để tăng cân nặng,... Và hơn hết, đó là việc phải đối mặt với mưa bom, bão đạn, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội,…
Nhiều nữ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, những người còn ở lại, họ sống trong những ký ức buốt lòng, trong nỗi nhớ về đồng đội. Cựu nữ thanh niên xung phong Trần Thị Xuân - thành viên Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn - cũng là một trong những nhân chứng ấy. Tại triển lãm, bà chia sẻ với khách tham quan về tấm ảnh năm 17 tuổi và lời nhắn gửi cho mẹ khi ra chiến trường rằng: “Mẹ ơi, chiến trường ác liệt quá, điều kiện khó khăn, thiếu thốn, con không thể giữ được mái tóc như mẹ đã dặn. Con gửi mẹ giữ hộ con mái tóc này, khi nào hết chiến tranh con sẽ về và xin lại, mẹ cất hộ con nhé”.
Khi chiến tranh đã lùi xa, những cô gái năm nào như bà Xuân và những đồng đội bước ra từ cuộc chiến vẫn tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhưng vẫn không quên nghĩa cử cao đẹp, tri ân tới các đồng đội đã ngã xuống. Đến tận hôm nay, trong họ vẫn tỏa sáng một niềm kiêu hãnh Trường Sơn.
Nguồn LĐO