Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước là vấn đề lớn, phức tạp
Thứ sáu: 20:28 ngày 05/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói như vậy trong toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XII) sáng 5-5.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 - Ảnh: VGP

Dưới đây chúng tôi xin trích đăng bài phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, hôm nay Ban chấp hành Trung ương bắt đầu họp Hội nghị lần thứ năm để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xem xét thi hành kỷ luật cán bộ; và một số vấn đề quan trọng khác.

Để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần này, ngay từ tháng 10-2016, Ban bí thư đã thành lập các ban chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết, xây dựng các đề án, báo cáo về các nội dung nêu trên để báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét, quyết định.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong suốt quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn xác định đổi mới, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, trong đó cốt lõi là tập trung ưu tiên đổi mới tư duy kinh tế, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển; coi đây là công việc thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, hiện vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, đặc biệt là: Kinh tế phát triển chưa thật sự nhanh và bền vững như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Doanh nghiệp Nhà nước chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể chậm đổi mới và phát triển; kinh tế tư nhân phát triển chưa thật nhanh, bền vững và lành mạnh.

Một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả. Việc tiếp cận các nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế.

Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao và việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. Quyền sở hữu tài sản, nhất là quyền của người góp vốn chưa được bảo đảm thực thi đầy đủ.

Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự theo nguyên tắc thị trường. Hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả chưa cao; việc tự do hóa thương mại, đầu tư trong một số thị trường, lĩnh vực chưa sát hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế...

Nhiệm vụ của Hội nghị chúng ta lần này là trên cơ sở quán triệt thật sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, kế thừa, bổ sung phát triển Nghị quyết Trung ương 6 khoá X, ban hành một nghị quyết mới của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước

Đây là vấn đề lớn, khó và phức tạp. Đảng và Nhà nước ta đã bàn nhiều lần, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát triển doanh nghiệp Nhà nước, và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, đến năm 2001 giảm xuống còn 5.655 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, và đến thời điểm tháng 10-2016 chỉ còn 718 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế.

Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp Nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Không ít doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…

Có một câu hỏi lớn đặt ra cần được giải đáp thấu đáo là: Vì sao những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn.

Phải chăng nguyên nhân chủ yếu là do chưa xác định rõ ràng, đúng đắn chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và chức năng, nhiệm vụ chính trị - xã hội của doanh nghiệp Nhà nước; chưa có chuẩn mực trong hạch toán kinh doanh đúng đắn và phù hợp với doanh nghiệp Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa thông thường với sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích.

Việc quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước chậm được đổi mới, hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế. Thể chế quản lý, kiểm tra, giám sát về đầu tư và tài chính đối với doanh nghiệp, nhất là về bảo lãnh vốn vay, định giá đất đai, tài sản hữu hình, vô hình còn nhiều bất cập.

Công tác cán bộ, chính sách tiền lương của doanh nghiệp chưa phù hợp với cơ chế thị trường; quyền hạn và trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp chưa đủ rõ. Việc tách chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chậm.

Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp còn bất cập, dễ bị lợi dụng để trục lợi; tham nhũng, tiêu cực.

Việc đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân

Qua tổng kết cho thấy, trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển.

Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn.

Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội.

Tỉ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39 - 40%.

Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân cũng đã bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp; chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể.

Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp.

Khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động thiếu ổn định, bền vững, thậm chí bị thua lỗ, giải thể, phá sản.

Tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, không quan tâm bảo đảm lợi ích của người lao động diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc rất nghiêm trọng.

Đề nghị trung ương đánh giá ưu, khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban bí thư

Trong tháng 3-2017, Bộ Chính trị, Ban bí thư đã dành 7 ngày để tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã được thực hiện bài bản, theo từng bước hợp lý. Các báo cáo kiểm điểm đều chuẩn bị đúng hướng dẫn. Không khí kiểm điểm dân chủ, đoàn kết, thẳng thắn, chân tình. Các đồng chí được góp ý đã tiếp thu nghiêm túc, cầu thị, coi đây như là cơ hội quý để học tập, chia sẻ lẫn nhau.

Trong quá trình kiểm điểm, từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư đã liên hệ đến trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực được phân công, thấy rõ những ưu điểm để phát huy, nhận ra những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục.

Qua kiểm điểm tập thể và cá nhân, Bộ Chính trị, Ban bí thư nhận thấy năm 2016, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp; tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, có một số vấn đề phức tạp mới nảy sinh (như sự cố ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung, tình trạng khô hạn gay gắt ở Nam Trung bộ và Tây nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long...).

Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị, ban bí thư luôn vững vàng, đoàn kết, kiên định và sáng tạo, có các quyết sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đối nội và đối ngoại, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, hoan nghênh, bạn bè thế giới đánh giá cao.

Ngay sau thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đã lãnh đạo tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Nhanh chóng kiện toàn tổ chức, nhân sự các cơ quan đảng và bộ máy Nhà nước, bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển ổn định. Khẩn trương triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Đại hội XII của Đảng đề ra.

Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá (6,21%), lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, dự trữ ngoại hối đạt mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Văn hóa, xã hội có tiến bộ; tỉ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; niềm tin của nhân dân được củng cố.

Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính và cải cách tư pháp được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh, trật tự được ổn định.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai mạnh mẽ, toàn diện; quan hệ đối ngoại, nhất là quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng khác tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cùng với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, rõ rệt.

Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm đã được kết luận và xử lý, kỷ luật nghiêm minh, công khai, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng những kết quả đạt được trong năm qua là đáng khích lệ, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Mặc dù vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư cũng còn những hạn chế, khuyết điểm như đã nêu trong báo cáo của Bộ Chính trị.

Đề nghị trung ương với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm, những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trên các lĩnh vực.

Đặc biệt, cần chỉ rõ những nguyên nhân, bài học và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Nguồn TTO

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục