Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

TÂN BIÊN:

Có chăng việc vay 20 triệu đồng “biến” thành 200 triệu đồng ? 

Cập nhật ngày: 03/11/2018 - 17:29

BTN - “Mặc dù tôi và bà Mén sống chung như vợ chồng từ năm 1988, nhưng chưa đăng ký kết hôn, về mặt pháp lý vẫn chưa là vợ chồng. Toà án có biên bản xác minh rõ việc bà Mén vay tiền về để làm gì hay chưa mà buộc tôi phải có trách nhiệm liên đới trả nợ? Tôi vẫn chưa thống nhất với lời khai của bà Mén về việc vay tiền để nuôi con chung và trang trải cuộc sống gia đình... Vì vậy, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh cần xem xét lại bản án sơ thẩm”. Đó là ý kiến của ông Huỳnh Văn Tình - một bị đơn trong vụ án liên quan đến vay tiền đã được TAND huyện Tân Biên xét xử.

Ông Tình và bà Mén trình bày lại vụ việc.

Toà xử án, bị đơn không biết?

Bản án sơ thẩm số 37A ngày 3.9.2014 của TAND huyện Tân Biên thể hiện, ngày 24.11.2013, bà Mai Thị Cúc cho bà Trương Thị Mén (ngụ tổ 7, ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) vay số tiền là 200 triệu đồng, bà Mén ký tên biên nhận. Bà Mén hứa trong vòng 2 tháng sẽ trả, nhưng sau đó không trả... Bà Cúc yêu cầu bà Mén và chồng là ông Huỳnh Văn Tình có trách nhiệm liên đới trả số tiền gốc 200 triệu đồng và tiền lãi theo quy định của pháp luật.

Bà Mén thừa nhận nợ bà Cúc số tiền 200 triệu đồng. Mục đích vay tiền làm ăn, xoay xở trong gia đình. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ nên bà Mén không có điều kiện trả nợ. Bà Mén yêu cầu không tính lãi thêm vì từ khi vay đến nay bà đã trả rất nhiều tiền lãi cho bà Cúc… Theo bản án, ông Tình được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng không đến Toà án, không có lời khai.

Bản án còn cho biết, bà Mén, ông Tình được Toà triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 nhưng vắng mặt không có lý do nên phiên toà tiến hành xét xử vắng mặt hai người. Về nội dung, hợp đồng vay tài sản giữa bà Cúc và bà Mén làm bằng giấy tay, nội dung rõ ràng, có chữ ký, ghi rõ họ, tên, thời gian vay. Bà Mén cũng thừa nhận nợ bà Cúc số tiền nợ gốc 200 triệu đồng, nên đây là hợp đồng có thật.

Mặc dù trong giấy vay tiền chỉ có một mình bà Mén đứng tên, nhưng số tiền nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân giữa bà Mén và ông Tình, nên ông Tình là người có trách nhiệm liên đới là phù hợp với quy định của pháp luật. Ðây là hợp đồng vay có lãi nên bà Mén, ông Tình phải trả lãi cho bà Cúc theo lãi suất quy định.

Bà Mén cho rằng đã trả cho bà Cúc nhiều tiền lãi, nhưng bà Mén không đưa ra được chứng cứ nào để chứng minh, lời trình bày của bà Mén là không có cơ sở… Do đó, bản án quyết định, buộc bà Mén, ông Tình có trách nhiệm liên đới hoàn trả cho bà Cúc số tiền nợ gốc 200 triệu đồng và 13.950.000 đồng tiền lãi…

Theo bà Mén, vào khoảng cuối năm 2013, bà mượn của bà Cúc 10 triệu đồng, theo hình thức trả góp 400 nghìn đồng/ngày. Bà Mén trả tiền góp cho bà Cúc đến ngày thứ 15 được 6 triệu đồng. Sau đó, bà Cúc đưa cho bà Mén mượn thêm 4 triệu đồng. Bà Mén tiếp tục trả tiền góp được 10 ngày thì hết khả năng trả, số nợ còn tồn là 8 triệu đồng. Lúc này, bà Cúc chủ động gợi ý đưa thêm cho bà Mén 12 triệu đồng, với điều kiện con nợ phải trả tiền lãi 4 triệu đồng/tháng (tức 20%/tháng), nâng tổng số tiền bà Mén nợ bà Cúc lên 20 triệu đồng.

Bà Mén kể, do vào thời điểm đó, cháu ngoại bà bị bệnh, chồng lại đi làm ăn xa, số nợ cũ vẫn tồn, nên bà buộc lòng phải nhận số tiền trên để giải quyết tình thế. Ðến hạn, bà Mén không có khả năng đóng lãi, bà Cúc bảo “bán đất trả nợ”. Lúc đầu, bà Mén không đồng ý, giải thích đây là tài sản của vợ chồng, phải đợi chồng về. Bà Cúc liền cho biết sẵn sàng cho bà Mén tạm ứng trước 20 triệu đồng (bà Cúc giữ tiền, khi nào bán được đất thì trừ lại) để bà lo thủ tục ly hôn với chồng.

“Tôi và chị Cúc có cùng nhau đến TAND huyện Tân Biên để nộp đơn ly hôn. Trong khoảng thời gian này, chị Cúc có đưa ra một tờ giấy biên nhận cho vay tiền do chị soạn sẵn, bảo tôi viết họ tên, chữ ký, điểm chỉ vào tờ giấy. Lúc đầu, tôi chần chừ không chịu ký, bởi vì với trình độ lớp 1/12 như tôi viết được họ tên và chữ ký rất khó. Ðối với con số hàng chục triệu đồng, bao gồm bao nhiêu con số 0, thật sự tôi cũng không biết.

Tuy nhiên, tình cảnh lúc đó thật khó xử, tôi đang mắc nợ chị Cúc, còn chị Cúc lại sẵn lòng nên tôi… ký tên và điểm chỉ. Ký xong, chị Cúc cất luôn tờ giấy vay nợ, tôi không được giữ bản nào. Sau đó, bên phía Toà án xác định chồng tôi không thuộc trường hợp mất tích vì vẫn thường hay về địa phương nên Tòa không thể giải quyết đơn ly hôn. Lúc này, chị Cúc lại sử dụng tờ giấy nợ vừa ký kiện buộc tôi trả 200 triệu đồng”, bà Mén kể.

2 năm sau khi bản án có hiệu lực thi hành, bà Mén mới biết nội dung bản án nên nộp đơn khiếu nại nhiều nơi. Bà Mén cho biết: “Tôi không phủ nhận việc thiếu nợ chị Cúc, nhưng tôi chỉ thiếu có 20 triệu đồng chứ không phải 200 triệu đồng. Tôi cũng chưa từng thừa nhận với Toà án là tôi thiếu nợ chị Cúc 200 triệu đồng.

Sau khi chị Cúc nộp đơn khởi kiện, TAND huyện Tân Biên mời tôi lên làm việc hai lần. Lần thứ nhất, tôi đến Toà án, cô thư ký bảo rằng thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án đã bận đi công tác đột xuất, nên tôi quay về. Lần thứ hai, tôi đến Toà án, được cô thư ký lần trước cho hay bà Cúc mới về do tôi đến trễ (khoảng 10 phút- NV), nên tôi đành quay về. Như vậy, cả hai lần Toà án đều không làm việc được với tôi, lấy đâu ra căn cứ cho rằng tôi thừa nhận thiếu nợ bà Cúc 200 triệu đồng? Kể cả khi Toà án đưa vụ việc ra xét xử, vợ chồng tôi cũng không hề hay biết, mà bảo là chúng tôi vắng mặt không lý do?”.

Ông Tình khẳng định: “Do công việc làm ăn của tôi bên Campuchia nên thỉnh thoảng tôi mới về nhà. Mãi đến năm 2016, tôi mới nghe nói về Bản án số 37A, và chính thức được biết cụ thể khi trực tiếp đến Toà trích lục vào ngày 13.10.2016. Sau đó, gia đình tôi nộp đơn khiếu nại nhiều nơi, trong đó có đề nghị được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm (nộp tại TAND tỉnh).

Ngày 2.11.2016, TAND tỉnh có văn bản trả lời cho biết, Toà án chuyển đề nghị vừa nêu đến TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh. Trong khi gia đình tôi đang chờ phản hồi từ phía TAND cấp cao, tháng 9.2018, Chi cục THADS huyện cưỡng chế phần đất có diện tích 2.133m2 của vợ chồng tôi giao cho người mua tài sản bán đấu giá để thi hành án cho bà Cúc. Ðến thời điểm này, tôi chưa nhận được thông báo nào trong quá trình xét xử vụ án, định giá và bán đấu giá tài sản cả”.

TAND Cấp cao cần xem xét lại

Ông Nguyễn Thọ Cường - Chánh án TAND huyện Tân Biên khẳng định, Toà án cấp sơ thẩm đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục trong quá trình xét xử vụ án. Bản án không bị kháng cáo, đến thời hạn có hiệu lực thi hành, Toà án phải chuyển qua cho cơ quan Thi hành án. Nếu vẫn không đồng ý hay thắc mắc vấn đề gì về bản án, vợ chồng ông Tình có thể yêu cầu TAND cấp cao tại TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền.

TAND huyện Tân Biên cung cấp cho phóng viên một số tài liệu thể hiện, quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND huyện được giao cho bà Mén, biên bản giao nhận Bản án số 37A cho bà Mén, các biên bản niêm yết công khai hai loại giấy tờ vừa nêu tại trụ sở Toà án và địa phương nơi bị đơn cư trú. Ông Trần Ðình Bộ - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập xác nhận các văn bản trên được niêm yết tại trụ sở UBND xã và văn phòng ấp nơi ông Tình và bà Mén cư trú.

Các quyết định thi hành án, cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành án, cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, kế hoạch về việc cưỡng chế thi hành án cũng được niêm yết công khai. Ngoài ra, TAND huyện Tân Biên còn cung cấp các biên bản lấy lời khai và biên bản hoà giải khi làm việc với bà Cúc và bà Mén tại Toà, giấy biên nhận bà Mén vay tiền của bà Cúc (bản gốc).

Bà Mén luôn xác định thời điểm vay tiền bà Cúc vào khoảng cuối tháng 11.2013 âm lịch, nhưng trong một biên bản lấy lời khai tại Toà án (Biên bản số 10) thể hiện bà Mén vay tiền vào khoảng tháng 4.2013 âm lịch, trong khi bà Mén luôn khẳng định “tôi đã nói là chưa từng làm việc được với Toà”. Bà Mén đề nghị cơ quan có thẩm quyền giám định chữ ký và họ tên của bà trong các văn bản này, kể cả các văn bản mà Toà cho rằng đã tống đạt hợp lệ đến với bà.

Ông Tình cũng thắc mắc: “Không hiểu sao Giấy triệu tập số 110 của Chi cục THADS huyện Tân Biên đề ngày 29.12.2018, nhưng nội dung lại mời tôi đến Chi cục làm việc vào ngày 4.1.2018. Mặt khác, Chi cục gửi giấy triệu tập vợ chồng tôi nhưng tại sao lại không có tên vợ tôi mà thay vào đó là tên bà Mai Thị Cúc? Ông Tình nêu thắc mắc, trong giấy biên nhận cho vay không thể hiện thoả thuận thời hạn vay, mức lãi suất cho vay nhưng bản án lại ghi “xét thấy đây là hợp đồng cho vay có lãi”. Tôi nghi ngờ tờ biên nhận cho vay này.

Số tiền 200 triệu đồng có đến 7 con số 0 được viết liền nét dính với nhau, nhưng con số 0 cuối cùng lại đứng biệt lập. Vợ tôi khẳng định, lúc viết tên và ký vào tờ giấy vay tiền không có dòng chữ “Hai trăm triệu”. Tôi đề nghị được giám định tờ giấy biên nhận cho vay”.

Ông Tình cho biết: “Tôi và bà Mén sống chung như vợ chồng từ năm 1988, nhưng chưa đăng ký kết hôn, về mặt pháp lý vẫn chưa là vợ chồng. Tôi cũng chưa thừa nhận số nợ mà bà Mén vay là nợ chung, chưa thống nhất với lời khai của bà Mén về việc vay tiền để nuôi con chung và trang trải cuộc sống gia đình”... nhưng bản án sơ thẩm buộc ông phải liên đới trả nợ là vấn đề cần được TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xem xét.

MINH QUỐC