Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát:
Có gần 500 loài thuốc
Thứ sáu: 00:13 ngày 26/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại Tây Ninh, từ năm 2014, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (VQGLGXM) đã tổ chức điều tra nguồn tài nguyên cây thuốc trong khu vực của vườn, qua đó ghi nhận nhiều loài thuốc quý, hiếm.

Vườn thuốc của Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát đang sinh trưởng tốt.

Từ xa xưa đến nay, cây làm thuốc luôn có vị trí đặc biệt trong nguồn tài nguyên thực vật. Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng phát triển ngành dược liệu rất lớn. Trong số hơn 12.000 loài thực vật ở nước ta thì có gần 6.000 loài cho công dụng làm thuốc, nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý hiếm trên thế giới.

Tại Tây Ninh, từ năm 2014, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (VQGLGXM) đã tổ chức điều tra nguồn tài nguyên cây thuốc trong khu vực của vườn, qua đó ghi nhận nhiều loài thuốc quý, hiếm.

Kết quả bước đầu đáng ghi nhận

Kỹ sư Tạ Ngọc Dân- Phó Giám đốc VQGLGXM cho biết từ tháng 1.2014 đến tháng 1.2016, VQGLGXM thực hiện đề tài “Điều tra nguồn tài nguyên cây thuốc ở VQGLGXM tỉnh Tây Ninh phục vụ cho yêu cầu bảo tồn và phát triển”, do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hợp- Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ sinh vật cảnh (TP. Hồ Chí Minh) chủ nhiệm. Tham gia nhóm thực hiện đề tài này còn có 6 thạc sĩ chuyên ngành của Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ sinh vật cảnh và 2 kỹ sư của VQGLGXM.

Qua 3 đợt khảo sát, mỗi đợt từ 3-5 tuần và các phương pháp nghiên cứu ngoài thực địa (xác định địa điểm, tuyến thu mẫu, phỏng vấn nhanh, thu mẫu tiêu bản, thu mẫu giống), nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (xử lý, bảo quản mẫu, sấy khô, giám định tên mẫu vật), xử lý số liệu. Kết quả khảo sát, ở khu vườn này có đến 486 loài thuốc, chiếm 70% tổng số loài hiện có của VQG, tăng 4 loài so với các số liệu điều tra trước đây; có 10 loài cây thuốc (chiếm 2,3%) nằm trong danh mục vị thuốc y học cổ truyền của Bộ Y tế như nha đạm tử, cù mạch, cỏ nhọ nồi, mần trầu, trinh nữ (xấu hổ), ba kích, phúc bồn tử, bách bộ, mã tiền (củ chi).

Nhóm nghiên cứu cũng xác định được 18 loài cây thuốc có giá trị bảo tồn theo thang đánh giá của Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ của IUCN (2013) và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, gồm: gõ mật, mù u, thành ngạnh đẹp, dầu rái, dầu trà beng, cốt toái bổ, cà na, hồ liên lớn, sao đen, cầy, máu chó cầu, sơn rừng, nắp bình, sâm cau, giáng hương trái to, sến đỏ, luân thuỳ cam bốt và tung.

Kết quả khảo sát 21 hộ dân ở 3 xã thuộc vùng đệm của VQGLGXM cho thấy có 54 loài cây, dây thuốc nam mà người dân thường sử dụng làm thuốc. Trong đó có 10 loài (đỗ trọng, đậu xương, dây gùi, dây gấm, huyết rồng, móng bò, sâm cau, chanh rừng, bá bệnh và cát lồi) bị khai thác quá mức, do nhu cầu của thị trường gia tăng. Theo đánh giá của các hộ dân được phỏng vấn thì VQG có rất nhiều loại cây thuốc có giá trị và trữ lượng khá.

Để giữ gìn nguồn gen của các loài thuốc quý hiếm, VQGLGXM đã đầu tư xây dựng vườn cây thuốc với diện tích 1.792m2. Trong đó trồng được 56 loài cây thuốc, như móng bò tai voi, bằng lăng nước, lim vàng, muồng, giáng hương, dầu mít, trắc, sầu đâu, chùm đuông, sến mủ v.v… Cây được trồng theo lô, mỗi lô trồng một loài cây; diện tích bình quân 1 lô khoảng 3,5m2. Hiện cây sinh trưởng ổn định, mức độ sinh trưởng được đánh giá từ trung bình đến khá. Tỷ lệ cây sống đạt bình quân 68%.

Ngoài những cây thuốc nêu trên, nhóm thực hiện đề tài còn thành lập được bộ mẫu tiêu bản, kèm phiếu mô tả của 106 loài cây thuốc của 106 loài, 87 chi thuộc 47 họ thực vật bậc cao…

Đề xuất các giải pháp

Để bảo vệ rừng nói chung, bảo vệ nguồn tài nguyên cây thuốc nói riêng, nhóm thực hiện đề tài đề xuất giải pháp chia sẻ lợi ích gắn với công tác bảo vệ rừng. “Kinh nghiệm trên thế giới và các khu rừng đặc dụng ở Việt Nam, việc bảo vệ rừng gắn kết việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương là một giải pháp quan trọng nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ rừng”- báo cáo đề tài nêu rõ.

Đối với chính quyền địa phương, cần liên kết với các doanh nghiệp khai thác dịch vụ và du lịch để bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng, tạo thu nhập, nâng cao đời sống của người dân, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng nói chung và các loài thực vật ngoài gỗ nói riêng.

Về phía VQG, cần rà soát, đánh giá các loại tài nguyên hiện có để làm cơ sở chia sẻ lợi ích với người dân sống giáp ranh với VQG, đặc biệt là các hộ nghèo trong vùng đệm, trên cơ sở giao trách nhiệm một cách cụ thể, xác định những lợi ích họ được hưởng một cách rõ ràng và quy định hình thức xử lý tương ứng với kết quả lao động của họ.

Nên tạo thành một hành lang bảo vệ bằng sự tham gia của cộng đồng dân cư dọc theo đường ranh giới của Vườn. VQGLGXM cần thiết lập mối quan hệ hợp tác với các viện/trung tâm nghiên cứu và trường đại học. Trong đó, các viện và trường sẽ hỗ trợ VQG trong việc đào tạo nâng cao năng lực và phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản và các dự án đầu tư có sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Ngược lại, VQG sẽ hỗ trợ các viện, trường về hiện trường nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên, học viên cao học; nghiên cứu sinh về giá trị sử dụng và bảo tồn các loại tài nguyên rừng nói chung, tài nguyên cây thuốc nói riêng. Sự hợp tác này nếu được tiến hành thường xuyên sẽ tạo hiệu ứng tốt cho các bên và cho sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên.

Bên cạnh đó, nhóm điều tra còn đưa ra giải pháp bảo tồn, gồm bảo tồn nguyên vị và bảo tồn chuyển vị. Đây sẽ là cơ sở khoa học quan trọng trong việc lưu giữ và phát triển nguồn giống cây thuốc cho tương lai. VQG cần có kế hoạch lựa chọn thêm một số loài có giá trị sử dụng (trong số 54 loài cây thuốc phổ biến được người dân địa phương thu hái nhiều nhất), mang lại hiệu quả kinh tế để vừa thực hiện công tác bảo tồn chuyển vị, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương và cán bộ VQG. Đồng thời, đề nghị tỉnh Tây Ninh cấp kinh phí chăm sóc hằng năm cho VQG tiếp tục công việc chăm sóc, bảo dưỡng vườn cây thuốc nhằm giữ mức sinh trưởng ổn định cho nguồn gen cây thuốc của tỉnh.

Kỹ sư Tạ Ngọc Dân- Phó Giám đốc VQGLGXM cho biết, mặc dù đến nay, VQG chưa được UBND tỉnh cấp kinh phí chăm sóc hằng năm để tiếp tục công việc chăm sóc, bảo dưỡng vườn cây thuốc, nhưng cán bộ, nhân viên VQGLGXM vẫn nỗ lực chăm sóc tốt cho vườn thuốc, bảo đảm vườn thuốc được duy trì an toàn, hiệu quả.

Kim cang- một trong những loài thuốc ở Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát.

Cây mua trong Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát .

Cây tràm gió- một trong những loài thuốc của Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát.

Cây nắp ấm- một loài cây có công dụng làm thuốc trong Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát.

Cây thuốc bá bệnh.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục