Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Cố gắng không để xảy ra cơn sốt hàng nông sản
2011-11-23 11:01:00

Chính phủ có chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch cho nông dân, trong đó có giải pháp xây dựng kho chứa nông sản.  

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chiều 23.11 là chính sách quản lý giá sản phẩm nông sản, thức ăn chăn nuôi.

Trả lời câu hỏi về biện pháp điều hành hàng hoá nông sản để không xảy ra hiện tượng khan hiếm của đại biểu Nguyễn Văn Phụng (đoàn TP HCM), Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Hiện nay, Bộ đang phối hơp với Bộ Công Thương, Tài chính điều hành giá nông sản, thức ăn chăn nuôi trong và ngoài nước sát gần nhau; cân đối cung-cầu hàng hoá xuất-nhập khẩu để người dân được mua sản phẩm nông sản, thức ăn chăn nuôi với giá thấp nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đề cập đến vấn đề lợi ích của nông dân khi mà hiện nay, người nông dân được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Bộ NN&PTNT luôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện cân đối đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hoá; quản lý chặt thị trường nông sản đầu vào và đầu ra để cố gắng không để gây ra những cơn sốt hàng nông sản đột xuất, hạn chế tình trạng găm hàng khi giá lên cao. Đặc biệt, có những chính sách hỗ trợ để nông dân không bị thua lỗ, thất thoát sản phẩm nông nghiệp do thời thiết, thiên tai gây ra.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát

Chia sẻ với băn khoăn của đại biểu Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang) là hiện nay, người dân trồng trọt, chăn nuôi phải bỏ ra nhiều công sức để chăm bón cây trồng, chăm sóc vật nuôi nhưng do bị bão lũ, thiên tai đã làm ảnh hưởng tới năng suất cây trồng, giá cả vật nuôi dẫn đến lợi nhuận chẳng được bao nhiêu, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 48 về giảm tổn thất sau thu hoạch cho nông dân, trong đó có giải pháp xây dựng kho chứa nông sản, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho chứa nông sản.

Doanh nghiệp xây dựng kho chứa được ưu tiên vay vốn ưu đãi của Ngân hàng, được hỗ trợ 30% chi phí giải phóng mặt bằng, 20% chi phí hoàn thiện kết cấu hạ tầng, được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn.

Để đảm bảo nguồn hàng nông sản, Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương kiên quyết bảo vệ đất trồng lúa của nông dân. Bởi vì nếu để đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực quốc gia, đời sống của nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) lo lắng về người dân đi mua giống bên ngoài nhưng không đạt chất lượng và được Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Hiện nay, chúng ta đang thiếu những loại giống truyền thống. Để đảm bảo nguồn giống cho bà con, Bộ đang kêu gọi xã hội hoá nguồn giống. Việc quản lý chất lượng giống cũng được Bộ chỉ đạo ở các địa phương bảo quản và bán giống tốt cho bà con.

Hệ thống phân phối chưa mạnh

Được đề nghị trả lời những nội dung liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, từ 2007, theo cam kết khi gia nhập WTO, trong quá trình đàm phán, chúng ta cố gắng bảo hộ một số sản phẩm nông sản là thế mạnh của Việt Nam. Theo đó, 4 mặt hàng: Muối, đường ăn, trứng gia cầm các loại, thuốc lá nguyên liệu khi nhập khẩu phải áp dụng hạn ngạch. Các sản phảm nông sản khác được phép nhập khẩu không hạn chế, nhưng Việt Nam có thể dùng hàng rào kỹ thuật, nhưng phải nghiên cứu kỹ để tránh phân biệt đối xử. Ngoài ra, có thể áp dụng ngay biện pháp hành chính như chứng minh xuất xứ hàng hóa.

Về vấn đề nhập rau quả khiến nông dân trong nước gặp khó khăn, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đó chỉ là mặt không lợi, còn mặt khác, việc xuất và nhập rau quả hai chiều còn góp phần khắc phục tình hình thiếu hụt theo thời vụ, khi giáp hạt, thiên tai.

Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống phân phối của ta còn yếu nên nhiều thời điểm không hỗ trợ trực tiếp nhiều cho nông dân. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong 11 nhóm mặt hàng thiết yếu được xây tập trung xây dựng hệ thống phân phối, nông sản chiếm 5 mặt hàng: Gạo, muối, đường, phân bón, thức ăn gia súc. Mức độ phân phối các mặt hàng khác nhau nên mức độ đáp ứng cũng khác nhau, trong đó, mặt hàng gạo gạo được thực hiện tương đối tốt trong 2 năm qua.

Với thức ăn gia súc, hiện thị phần do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn. Quan điểm của Bộ Công Thương là khuyến khích đầu tư nhưng sẽ có quy hoạch, biện pháp dài hạn để tăng cường đầu tư của các doanh nghiệp trong nước. Yêu cầu chấn chỉnh, xử lý khi các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp lệnh giá hay thị phần.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định, vấn đề yếu nhất trong phân phối tiêu thụ là rau quả và hiện chưa có biện pháp căn cơ. Tuy nhiên, Bộ cùng với các địa phương đã vận động các tổng công ty trong nước, các nhà phân phối lớn, Liên minh HTX, chợ đầu mối… tiêu thụ, tham gia vào tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Đánh giá về phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, 34 đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi và 5 Bộ trưởng các Bộ: NN&PTNT, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch- Đầu Tư, Tài nguyên- Môi trường lần lượt trả lời một cách thẳng thắn những vấn đề tồn tại, cũng như đưa ra được những giải pháp quan trọng để phát triển toàn diện ngành nông nghiệp nước nhà.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề trọng đại của đất nước, liên quan đến hơn 70% dân số và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm gần đây, Nhà nước, Chính phủ quyết định tăng tỉ lệ đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm sau cao hơn năm trước.

“Ngành nông nghiệp đã là một ngành phát triển và nhờ sự phát triển, ổn định của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đất nước ta đã vượt qua suy thoái, dù có suy giảm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Theo VOV

Từ khóa:
Tin liên quan