Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cô Tuyên là cô giáo cũ, dạy toán tôi hồi học cấp 2. Thiệt tình tôi dốt toán nên chẳng ưa gì cô. Nghề đời đám học sinh ngày còn cắp sách đến trường, hễ dốt môn gì thì y như rằng “dị ứng” với thầy cô môn đó.
Lên lớp giờ cô Tuyên, tôi cứ gằm mặt xuống tránh ánh nhìn của cô; kiểm tra bài thì lẩn thẩn mong sao… đất nứt ra để tôi chui phăng xuống cho rảnh nợ! Công bình, với tôi cô cũng không “sát phạt” gì lắm, nhưng đã dốt thì làm sao không khiến thầy cô có lúc bực dọc? Đã vậy tôi càng cố “trốn” thì cô càng hay gọi tên tôi.
Kiểm tra lý thuyết, kiểm tra vở bài tập, lên bảng giải Toán và vân vân. Bà ấy thù, “chiếu tướng” mày rồi…, con Thu bạn cùng lớp rỉ tai. Nó cũng thuộc hàng đệ nhị, đệ tam dốt (Toán) nên chẳng ưa gì cô Tuyên. Tao làm gì mà thù tao bây? Tôi mếu máo, gần như sắp khóc. Cần gì làm? Mầy có thấy thầy cô nào thương nổi mấy đứa dốt hông? Đã dốt còn thêm cái tội mít ướt…
À, cái này thì tôi có. Bữa trước cô Tuyên kêu lên bảng giải toán. Bài toán dễ òm mà tôi cứ lớ ngớ mãi không trôi. Cô Tuyên tức, quát. Chỉ có vậy thôi mà tôi đứng xụ mặt, nước mắt nước mũi ròng ròng, còn hức hức rất to như vừa bị mẹ đánh đòn oan. Cô Tuyên ngán ngẩm đuổi tôi về chỗ ngồi, mặt cô u ám như vừa đổ lúa ra sân phơi gặp phải trời mưa. Phải rồi; con Thu nói không sai: đã dốt còn hay khóc nhè, bực mình nhân đôi mới khiến cô “thù”, chiếu tướng tôi đến vậy…
Chồng cô Tuyên là thầy Nhân, cũng giáo viên Toán (lại Toán!). Thầy Nhân tính rất nghiêm, không bao giờ cười khiến học trò cả trường đứa nào cũng lem lép, gặp thầy là bỏ mũ cúi chào từ xa. Chi tiết ấy một đồn mười, mười đồn trăm khiến tôi càng “ớn” cô Tuyên hơn. Suốt bốn năm trung học cơ sở, tôi chưa một lần léo chân tới nhà cô cho dù biết cô ở cùng xã cùng ấp, chỉ cách nhà tôi một thôi đường xóm…
2.
Tôi khôn lớn, đi học xa, lấy chồng xa xứ. Duyên nghiệp (khó tin!) cũng đưa tôi bước chân vào giảng đường sư phạm, ra trường thành cô giáo cho dù tôi mê cánh cửa đại học báo chí hơn. Đồng nghiệp với cô Tuyên nhưng tôi dạy Văn (ơn trời!), nhận nhiệm sở nơi vùng sâu nên ít có dịp về quê cũ. Có lần giáp Tết về thăm mẹ, mẹ bảo: cô Tuyên hỏi thăm mầy miết.
Nghe nói mầy học ra trường làm cô giáo cô mừng lắm. Mừng gì trời, bả (bà ấy) có ưa con đâu? Ăn với nói, cái con này! Làm gì mà không ưa? Tại mầy học dốt nên cô mắng. Cô thương cô mới bỏ sức rèn mầy; chớ khi không bộ dư cơm na?? Tôi đuối lý, im; nhưng lòng vẫn chưa phục hoàn toàn cái kiến giải của mẹ - rằng cô “thương” tôi nên mới xử nghiêm. Nhưng có điều này thì tôi tin; ấy là môn Toán bí bét của tôi mà “xí hụt” vượt qua nổi các kỳ thi là nhờ tôi ra sức “cày” hồi ở dưới cấp 2 (do… quá sợ cô Tuyên “chiếu tướng”).
Vợ chồng tôi bị tai nạn giao thông. Anh ấy mất mạng còn tôi chấn thương đầu nặng, chuyển lên bệnh viện thành phố nằm mê man suốt mấy tháng. Lúc tỉnh dậy chỉ có mình mẹ mặt mũi hốc hác, mắt thâm quầng ngồi bên. Con tai nạn, bạn bè, đồng nghiệp có ai vào thăm con không? Có, nhưng họ chỉ thăm một lần hồi mới đưa vô bệnh viện tỉnh; chuyển lên thành phố rồi thì thôi… À, mẹ sực nhớ ra, có cô Tuyên. Cô Tuyên tuần nào cũng gọi điện hỏi thăm con; lại còn gửi tiền, gửi quà cho. Cô giáo cũ mà sống có tình thiệt đó…
Tôi nghe, ứa nước mắt.
Xuất viện, tôi xin phép gia đình chồng ôm con về tá túc nhà mẹ. Hậu quả nhân đôi của chấn thương tinh thần/thể chất khiến tôi rơi vào khủng hoảng, không dám nhìn lên bàn thờ có di ảnh của anh. Ba mẹ chồng chắc cũng hiểu nên không ngăn. Con cứ yên tâm tĩnh dưỡng cho mau bình phục, chuyện hương khói chồng con để mẹ ba lo! Về quê; cảnh cũ người quen cùng sự chăm sóc hết lòng của mẹ khiến tôi dần nguôi ngoai. Những ngày này cô Tuyên rất hay lui tới. Chuyện trò, an ủi, động viên tôi. Cô bảo: kiếp người ai rồi cũng phải gánh lấy nỗi đau. Nhưng tạo hoá vốn công bình: không cho hết ai và cũng không lấy hết của ai bao giờ.
Tôi nhìn đứa con trai - lẽ sống cuối cùng của tôi - đang lẫm chẫm tập đi. Mặt nó giống tạc khuôn mặt của anh. Nhìn con cứ tưởng như chồng vẫn hiện diện đâu đó kề bên; thấy ấm lòng hơn cho dù biết đó không phải là sự thật. Tôi nghĩ tới cảnh nhà cô Tuyên: vợ chồng ý hợp tâm đầu nhưng cô lại bị vô sinh không chữa được.
Bảo chồng đi “gửi” con nơi khác thầy cứ nhất định không. Tưởng cô hạnh phúc trọn vẹn vì được thầy yêu hoá ra không phải. Thầy Nhân con trai trưởng, cháu đích, ở nhà từ đường của họ. Áp lực phải có con trai để “nối dõi tông đường” chắc chắn không hề nhỏ. Cái bóng đen nghĩa vụ chưa/không thể hoàn thành kia đã làm u ám khá nhiều bức tranh hạnh phúc của vợ chồng cô giáo. Lần đầu tiên tôi thấy cô Tuyên khóc. Lần đầu tiên tôi hiểu: nước mắt nào cũng mặn. Hiểu thêm: cái bất hạnh của một người phụ nữ không (thể có) con lớn tới mức nào.
3.
Thầy Nhân mất. Ung thư gan giai đoạn cuối.
Tôi đi dạy xa, ở nội trú ít khi về nhà. Loáng thoáng nghe tin thầy Nhân bệnh, phải vô Sài Gòn điều trị. Chưa kịp thu xếp về thăm đã hay tin thầy mất!
Đám tang thầy có đông láng giềng, học trò, đồng nghiệp. Cô Tuyên gầy rộc, hốc hác nhưng mắt ráo hoảnh đang bình tĩnh cắt đặt mọi việc đâu ra đó. Đã quen với cảnh vật vã khóc lóc của những người vợ trong đám tang chồng, cái ráo hoảnh lạnh băng như thể không còn nước mắt để khóc của cô giáo cũ khiến tôi nhìn rất sợ.
Đưa tang thầy, mình cô mặc áo đội khăn bưng di ảnh của thầy đi trước. Bà con lối xóm, đồng nghiệp theo sau. Nối đuôi sau nữa thành hàng không dứt là học trò. Học trò cũ, mới, lớp lớn, lớp bé của cả thầy cô như cái đuôi dài bất tận nối từ nghĩa trang về xóm. Mặt các em thẫn thờ. Có đứa còn ràn rụa nước mắt…
*
Mãn tang chồng, tôi xin chuyển công tác về quê. Về gần nơi chôn nhau cắt rốn dù gì vẫn nhẹ lòng hơn. Trước ngày đi, tôi ra thắp hương mộ chồng, xin anh thứ lỗi về việc đành phải gửi mộ phần anh cho ông bà nội cu Bo chăm sóc. Về quê, phải chen chúc cùng mẹ và mấy đứa em trong căn nhà ba gian chật hẹp. Những lúc thấy bí bách vì chật chội, tôi lại dắt cu Bo sang nhà cô Tuyên.
Cô Tuyên giờ về hưu, vò võ một mình với bàn thờ thầy Nhân trong ngôi nhà ngói cổ rộng rinh nằm giữa vườn cây um tùm bao bọc. Sau các biến cố dập dồn, lần đầu tiên tôi có dịp bình tĩnh quan sát nhà cửa cô Tuyên một cách thấu đáo. Nhà rộng có rộng; nhưng đồ đạc đa phần cũ kỹ mộc mạc, không có gì đáng giá.
Hoạ chăng “đáng giá” nhất là một vườn lan to bên thềm giếng, hoa bốn mùa thay nhau khoe sắc. Cô giáo bảo: niềm vui của cô giờ chỉ còn vậy. À, mà cũng có thêm cái khác; ấy là kèm Toán miễn phí cho mấy nhỏ học trò năm cuối cấp. Kèm xong, cô kêu chúng ở lại cơm nước, chuyện trò cùng cô cho đỡ quạnh. Hôm nào chúng bận không sang lại thấy nhớ, cô cứ đi ra đi vào…
4.
Đương nhiên, mỗi bận thấy mẹ con tôi dắt sang chơi, cô Tuyên rất mừng. Nhà có gì ăn cô cũng lôi ra, ép ăn bằng được. Tôi mê cảnh nhà rộng rãi, mê cái vườn lan. Anh cu Bo thì mê khoản được… ăn, được cô nuông chiều, cứ vài bữa lại đòi sang “ngoại Tuyên”. Sang rồi thì quấn lấy cô không rời bước.
Nghe tôi than cảnh nhà chật chội, cô Tuyên sáng mắt:
Hay… nếu được em coi thu xếp, mẹ con dời sang bên này sống với cô?
Có được không cô? Em ngại… - tôi ngần ngừ.
Ngại gì đâu? Cô sống một mình buồn, muốn có người bầu bạn cho vui. Còn em có nơi rộng rãi, yên tĩnh mà làm việc. Thích, em có thể mở lớp dạy thêm. Nhà cô sẵn bàn ghế, bảng viết. Đàng nào cũng hay.
Hay thật. Đó cũng đích thực là điều tôi đang mong. Xem ra nhân duyên cô trò tôi quả nhiều chuyện lạ lùng; lạ đến mức… không thể lý giải. Một trẻ một già đều là nhà giáo, lâm cảnh goá bụa và giờ lại toan thu xếp sống chung dưới một mái nhà cho bớt cô đơn. Cái kết xem như phần nào có hậu, vẽ ra một viễn cảnh tương lai không hề thiếu tính nhân văn. Mừng…
*
Sáng, cô Tuyên lật đật một mình bươn ra nhà tôi, mặt cô buồn rũ.
Sao vậy cô? Chuyện gì, nói em nghe??
Chuyện… chuyện là… - cô Tuyên ấp úng rồi bật khóc.
Dìu cô vào nhà, lấy nước, chờ bình tĩnh cô Tuyên mới kể: nghe cô dự định đưa mẹ con tôi về sống chung, nhà chồng cô lập tức phản đối quyết liệt. Họ lấy cớ nhà cô là “từ đường”, chồng cô chưa mãn tang; giờ cho phụ nữ trẻ đơn thân (là tôi) sống trong nhà lỡ sinh chuyện nọ kia thì có khác chi làm bàn thờ ô uế.
Cô Tuyên lại khóc.
Ôm vai cô giáo vỗ về mà thực tình tôi cũng muốn khóc. Không; không phải khóc cho tôi. Là cho cô Tuyên. Thầy Nhân mà sống dậy tôi tin hẳn thầy cũng chỉ có nước khóc theo. Người ta lo ô uế cái bàn thờ của thầy nhưng lại không hề quan tâm tới chuyện một người sống đang ngày đêm phải chịu cảnh cô đơn trong ngôi nhà đầy âm khí! Hơn thế, người ấy còn là một phụ nữ, một người thầy.
… Mà không, không chỉ muốn khóc; giờ thì tôi đang khóc thiệt. Trời sinh tôi vốn mít ướt. Mạnh mẽ lên cô ơi, em tin sẽ phải có cách gì đó để cô có được những ngày cuối đời yên ả không cô đơn. Cô xứng đáng được vậy mà. Chưa biết cách gì, nhưng em tin nhất định phải có cách…
Y.N