BAOTAYNINH.VN trên Google News

Có hay không việc lợi dụng nợ xấu để khuynh đảo nền kinh tế của các nhóm lợi ích?

Cập nhật ngày: 16/11/2012 - 06:16

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

(BTN) - Riêng trong nợ xấu thì nổi lên một vấn đề, có nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi một nhóm cổ đông …

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII chiều ngày 13.11.2012, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận xét, trong nền kinh tế nước ta hiện nay có những ngành, nghề “được ngân hàng đòi lại cái xấu” và đặt câu hỏi: “Có hay không việc lợi dụng nợ xấu để khuynh đảo nền kinh tế của các nhóm lợi ích?”. Đại biểu còn cho rằng: “Trong thời gian qua việc tạo điều kiện cho nông dân vay vốn có rất nhiều chính sách từ phía ngân hàng, tuy nhiên cũng còn gặp rất nhiều bất cập, nhất là đối với nông dân nghèo. Khi người dân đi vay số tiền 10 triệu đồng thì phải để lại thế chân 1 triệu đồng cộng với tiền lãi vay 6 tháng, như vậy trên giấy tờ tiền vay là 10 triệu nhưng thực chất không đến 10 triệu”. Đại biểu Trịnh Ngọc Phương chất vấn: “Cách làm của ngân hàng đã đúng chưa, nếu còn bất cập thì theo Thống đốc có giải pháp nào để hỗ trợ cho nông dân trong việc vay vốn phát triển sản xuất?”.

Trả lời chất vấn trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: “Trong đợt thanh tra toàn diện, chúng tôi triển khai rất tích cực từ đầu năm 2012 đến nay, thì ngoài thanh tra các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém nằm trong diện phải tái cơ cấu lại, chúng tôi đã triển khai chương trình thanh tra đến với 27 tổ chức tín dụng trong toàn quốc. Đấy cũng là một số lượng các tổ chức tín dụng được thanh tra toàn diện lớn nhất từ trước đến nay và qua kết quả thanh tra thì chúng ta cũng thấy nổi lên rất nhiều vấn đề. Riêng trong nợ xấu thì nổi lên một vấn đề, có nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi một nhóm cổ đông và dư nợ của nhóm cổ đông này và các khách hàng có liên quan đến nhóm cổ đông này chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng dư nợ của một tổ chức tín dụng, thậm chí có thể chiếm tới 90%. Việc này là vi phạm hết sức nghiêm trọng các quy định của pháp luật, đặc biệt là vi phạm các quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành luật của Ngân hàng Nhà nước.

Hơn nữa, chính dư nợ của một tổ chức tín dụng nằm trong một nhóm các khách hàng mà phần lớn các nhóm khách hàng này lại liên quan đến bất động sản. Thị trường bất động sản của chúng ta còn đang đóng băng, do vậy làm cho tỷ lệ nợ xấu của nhóm khách hàng này gia tăng rất nhiều và cũng là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của bản thân tổ chức tín dụng đó và cũng là nguyên nhân dẫn đến các tổ chức tín dụng đó bị thua lỗ trong thời gian vừa qua. Biện pháp xử lý của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cũng đánh giá sau một quá trình phát triển quá nóng, công tác thanh tra giám sát của hệ thống ngân hàng, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều tổ chức tín dụng rất yếu kém, không phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy, đến nay chúng tôi kiên quyết thanh tra một cách triệt để để phát hiện đầy đủ các sai phạm đó, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý, làm sao để khôi phục lại tính lành mạnh tài chính của mỗi một tổ chức tín dụng theo nguyên tắc tiền của dân, tiền của Nhà nước phải được đảm bảo, phải được trả về đúng đối tượng.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương có hỏi một số vấn đề về cho vay nông nghiệp và nông thôn, ở đây có một số biểu hiện mà đại biểu cho rằng là tiêu cực. Tôi xin báo cáo với đại biểu như sau, lĩnh vực cho vay nông nghiệp và nông thôn chúng tôi xin khẳng định đó là lĩnh vực cứu cánh đối với nền kinh tế của nước ta trong những năm khó khăn vừa qua, đặc biệt cũng là lĩnh vực cứu cánh cho hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, trong hoạt động này đại biểu nói là cho vay 10 triệu đồng, bắt giữ lại 1 triệu đồng v.v... Tôi xin khẳng định tất cả các hoạt động đó là trái với pháp luật, chúng tôi kiên quyết đấu tranh với việc này. Chúng tôi mong cử tri và đại biểu Quốc hội trong toàn quốc nếu có địa chỉ cụ thể trong khi thanh tra của chúng tôi chưa phát hiện ra, vì các khoản vay rất lớn nên không thể phát hiện ra hết được, chúng tôi rất mong cử tri và đại biểu gửi về Ngân hàng Nhà nước để chúng tôi kịp thời xử lý, chấn chỉnh, uốn nắn, thậm chí xử theo quy định của pháp luật.

DUY QUANG

(Lược ghi)