Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật ngay sau chuyến thăm Mỹ, được nhìn nhận sẽ mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế.
Thế nhưng, để tận dụng được những cơ hội về đầu tư, thương mại thì còn cần nhiều hơn sự nỗ lực của cả hệ thống và những doanh nghiệp.
Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokyo với sự tham gia của 1.600 doanh nhân Nhật Bản, Việt Nam. 22 tỉ USD đã được ký kết tại hội nghị này có ý nghĩa quan trọng.
Nhật Bản ngày càng được đánh giá là đối tác quan trọng về kinh tế, nhất là thương mại, khi hai đối tác khác là Mỹ và EU vẫn đang còn có những rào cản nhất định.
Như với EU, dù đây là đối tác lớn nhưng khu vực này hiện đang rơi vào khủng hoảng, bất ổn.
Việt Nam chỉ có thể phát triển quan hệ cá nhân với từng quốc gia, nhưng cũng sẽ có không ít rào cản, yếu tố không thuận lợi về vị trí địa lý.
Còn với Mỹ, mặc dù Thủ tướng vừa có chuyến thăm Mỹ rất thành công, nhưng trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt vấn đề Việt Nam là nước thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, thì đây sẽ là thách thức đặt ra. Do vậy, việc thúc đẩy thương mại mạnh mẽ hơn với Nhật Bản là một định hướng chiến lược đúng đắn.
Đặc biệt khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Nhật Bản là nước được trông cậy nhiều nhất. Nếu muốn duy trì và tham gia TPP, Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản, hoạch định những định hướng chiến lược phù hợp với tình hình mới.
Cơ hội lớn đã mở, nhưng tận dụng được cơ hội đó hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng là chính nội lực của chúng ta.
Từ xúc tiến, ký kết văn bản đến thực hiện để tạo được kết quả nhất định còn phụ thuộc vào quản lý nhà nước và chính sách của Việt Nam, cũng như sự nỗ lực của doanh nghiệp.
Nếu Việt Nam không cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, kích thích nội lực thì cũng rất khó để tận dụng cơ hội đã mở ra.
Như trong hội nghị xúc tiến đầu tư tại Tokyo, Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng hợp tác về công nghệ thông tin. Đó cũng là thế mạnh của chúng ta, với dân số trẻ tham gia công nghệ thông tin ngày càng nhiều, thì rõ ràng cơ hội để tận dụng là rất lớn.
Nhưng hãy nhìn lại, Nhật Bản từng là quốc gia đầu tiên đồng ý hợp tác với Tập đoàn FPT để gia công phần mềm, song đến nay vẫn chỉ có mỗi FPT tận dụng điều đó mà chưa có doanh nghiệp nào làm được.
Hay trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, các bạn Nhật Bản kêu nhiều về khả năng cung ứng, tỉ lệ nội địa hóa của ta còn thấp.
Lĩnh vực này đã được nói hàng chục năm nay, nhưng hiện vẫn chưa thấy có cửa nào để phát triển. Khó khăn là Việt Nam không đưa ra chính sách rõ ràng về phát triển công nghiệp phụ trợ, không có quy hoạch lâu dài hay ưu đãi.
Thêm nữa, ta thu hút đầu tư doanh nghiệp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ, nhưng thời gian qua lại không có ràng buộc nhất định để tăng tỉ lệ nội địa hóa thì sẽ khó đạt được.
Hay như xuất khẩu, thị trường Nhật Bản đang mở ra cơ hội lớn cho hàng nông sản, thủy sản. Nhưng đây là thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng, doanh nghiệp của chúng ta vẫn chưa đáp ứng.
Doanh nghiệp giao chuyến hàng đầu tiên thì tốt, nhưng sau đó lại có thông tin bị cấm xuất khẩu vì vượt dư lượng kháng sinh.
Nếu Việt Nam không học hỏi chuyện chất lượng và làm ăn nghiêm túc thì khó giữ chữ tín với khách hàng.
Như Thủ tướng đã nói tại chuyến thăm này: “Hãy học hỏi kinh nghiệm, tinh thần người Nhật”. Đúng là cần chủ động và học cách kinh doanh của người Nhật, nhưng hãy tự làm và đừng trông chờ vào bên ngoài, mà cần phải chủ động để học tập và tự đứng lên bằng chính nội lực của mình.
Nguồn TTO