Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cơ hội và thách thức để doanh nghiệp đứng vững trên thị trường 

Cập nhật ngày: 17/07/2023 - 16:32

BTN - Phương thức tiếp cận khách hàng, chuyển đổi số của doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh về giá và chất lượng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Tây Ninh.

Khách hàng tham quan và thưởng thức sản phẩm được chế biến từ bò tươi của Công ty TNHH TMC Cow.

Trong buổi kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp các tỉnh, thành phía Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu vừa qua, doanh nghiệp Tây Ninh phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp các tỉnh phía Nam có sản phẩm tương đồng trong việc quảng bá, kết nối giao thương với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.

Doanh nghiệp phải thấu hiểu nhu cầu khách hàng

Theo Sở Công Thương, trong 5 tháng năm 2023, tình hình kinh tế có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, so với trước, bức tranh kinh tế cũng như tình hình hoạt động của doanh nghiệp không thật sự lạc quan. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành chế biến tinh bột mì, hạt điều, chế biến thực phẩm, dệt may của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc kết nối giao thương, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm; nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, nhiều lao động khu vực nông thôn mất việc làm, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội…

Tại hội nghị kết nối giao thương vừa qua, bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để kinh doanh có hiệu quả, các doanh nghiệp phải thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Doanh nghiệp phải đặt mình vào vị trí của khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Thảo- Giám đốc Khối mua hàng cấp cao Công ty WCM - chuỗi bán lẻ Vinmart+ cho biết, các doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường phải chú ý đến mẫu mã hàng hoá, bao bì vì hiện nay, khách hàng rất quan tâm kiểu dáng phù hợp, bắt mắt của các sản phẩm. Ngoài ra, để biết sản phẩm có được khách hàng ưa chuộng hay không, doanh nghiệp phải tích cực tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Đặc biệt, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về thủ tục như: hồ sơ, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất, hồ sơ công bố chất lượng. Hợp tác xã phải cung cấp giấy cam kết về nuôi trồng và sản xuất các mặt hàng nông lâm nghiệp, khuyến khích các loại giấy tờ về chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…

Khách hàng tham quan và thưởng thức sản phẩm của Công ty cổ phần Bà Đen Farm.

Theo Sở Công Thương, việc tổ chức kết nối giao thương tiêu thụ hàng hoá, kết nối xuất khẩu là giải pháp quan trọng, hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa thị trường trong nước và quốc tế, khắc phục khó khăn về thị trường tiêu thụ, tạo chỗ đứng vững chắc, xây dựng uy tín trên thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh trước các đối thủ trong nước và quốc tế; góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh cho rằng, để việc kết nối giữa các địa phương được bền vững, bên cạnh việc hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, giữa các địa phương cần hỗ trợ các sàn giao dịch thương mại điện tử; giới thiệu các hoạt động hội chợ triển lãm, kết nối giao thương với doanh nghiệp quốc tế, tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường.

Về phía nhà phân phối cần hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, HTX về những quy chuẩn, quy cách của công ty khi thu mua các sản phẩm; những quy định trước khi ký hợp đồng nguyên tắc. Về phía doanh nghiệp, HTX phải chú trọng và hoàn thiện quy trình sản xuất, hướng đến sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn quốc gia và tiến đến đạt chuẩn quốc tế; phát triển đa dạng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiềm năng xuất khẩu lớn; hướng đến phát triển những sản phẩm có giá trị tăng cao.

Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng xây dựng, thực hiện nhiều chương trình - kế hoạch tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, hội chợ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khảo sát thị trường mục tiêu theo nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp.

Ngoài ra, để đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX trong việc quảng bá sản phẩm, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hội nghị kết nối giao thương - cung cầu hàng hoá với các tỉnh, thành trong khu vực và một số tỉnh, thành trọng điểm hợp tác với Tây Ninh. Điển hình là việc tổ chức hội nghị ký kết với Sài Gòn Co.op, siêu thị Tứ Sơn…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn triển khai nhiều chương trình khảo sát, xây dựng kế hoạch và hỗ trợ máy móc, thiết bị giúp doanh nghiệp trong tỉnh đổi mới công nghệ, gia tăng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, bảo đảm chất lượng ổn định.

Theo Sở Công Thương, bên cạnh những lợi thế để phát triển thế mạnh nông sản đặc trưng vùng miền của các tỉnh, thành phố, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương có tiềm năng trong sản xuất, có sản phẩm thương hiệu, nhưng sức cạnh tranh còn ở mức thấp, thị trường tiêu thụ chưa nhiều và không ổn định, chưa hình thành được liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Việc tiếp cận các nguồn vốn để đẩy mạnh quy mô sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Ứng dụng công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên giá trị chưa cao. Điều này đặt ra những yêu cầu làm thế nào để liên kết giữa HTX và doanh nghiệp với chuỗi phân phối hiện đại thực sự hiệu quả.

Để làm được điều đó, quá trình sản xuất phải thực sự bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng và giá cả cạnh tranh, giảm chi phí vận chuyển dẫn đến giá thành sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh cải thiện mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt bảo đảm duy trì ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; kết nối đầu ra giữa các tỉnh, HTX và doanh nghiệp.

Hiện Sở Công Thương tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, bảo đảm lưu thông thông suốt, hiệu quả an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ, tăng cường xuất khẩu nông sản.

Sở đã giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị trực thuộc chuyên môn nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường nhằm thực hiện tốt vai trò định hướng cho tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh chuỗi liên kết từ người sản xuất đến người tiêu dùng sản phẩm, từ thành phố đến các tỉnh trong cả nước, nhằm thúc đẩy cung cấp nguyên liệu đầu vào chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, sắp tới, Sở Công Thương tăng cường công tác tập huấn doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số trong kinh doanh, phát triển buôn bán trên môi trường mạng như hệ thống sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Sở Công Thương được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh tích hợp sàn thương mại của ngành Công Thương và Nông nghiệp thành 1 sàn chung để có giải pháp đột phá nâng cao chức năng quản lý, quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản đặc trưng của tỉnh, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển và quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả, tiết giảm tối đa chi phí.

Nhi Trần