BAOTAYNINH.VN trên Google News

Có một đội biệt động, từng làm khiếp đảm quân thù ở thị trấn Gò Dầu

Cập nhật ngày: 24/04/2010 - 05:27

Trong những năm kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược, ngoài hai đơn vị LLVT được tuyên dương Anh hùng là Đại đội 33 và Đội Trinh sát An ninh huyện, ở Gò Dầu còn có một đơn vị LLVT khác, tuy chưa được phong Anh hùng, nhưng thành tích của đơn vị này cũng rất đáng kể trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước nói chung và huyện Gò Dầu nói riêng. Đó là Đội Biệt động thị trấn Gò Dầu.

Lúc sinh thời, ông Trương Công An (thường gọi là ông Hai Mai), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh và một một số cán bộ lão thành cách mạng ở huyện Gò Dầu cho biết, Đội Biệt động thị trấn Gò Dầu được thành lập từ đầu năm 1960, do ông Hai Mai, lúc bấy giờ là Huyện đội phó Huyện đội Gò Dầu thành lập và trực tiếp lãnh đạo. Lúc mới thành lập, Đội có 8 chiến sĩ, do ông Võ Văn Ai (tự Hai Đức) làm đội trưởng. Trải qua 15 năm hoạt động, chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có lúc Đội Biệt động gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng như tan rã. Song dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, Huyện đội và Đảng uỷ thị trấn Gò Dầu, Đội Biệt động kịp thời củng cố, xây dựng lại lực lượng. Tuy quân số không đông, cán bộ, chiến sĩ Đội Biệt động thị trấn đã từng làm cho kẻ thù ở quận lỵ Hiếu Thiện (tên gọi của chế độ nguỵ Sài Gòn đặt cho huyện Gò Dầu) phải hoang mang lo sợ. Với lối đánh bất ngờ, táo bạo Đội Biệt động đã chủ động đánh địch làm cho nhiều tên ác ôn có nợ máu với nhân dân ở quận lỵ Hiếu Thiện phải đền tội tại sào huyệt của chúng. Những tên còn sống sót luôn nơm nớp lo sợ. Không chỉ làm nhiệm vụ diệt ác ôn trong khu vực Thị trấn, Đội Biệt động còn phối hợp với các đơn vị LLVT khác đánh vào các đồn bót của địch ở các vùng lân cận. Đó là những trận đánh lớn đáng ghi nhận như: Trận đánh đồn Gò Dầu Thượng (nay là khu vực xã An Thạnh - Bến Cầu), trận đánh đồn Cây Dầu Miễu; tham gia hướng dẫn lực lượng của trên đánh sập cầu Gò Dầu; đánh quân chủ lực nguỵ ngay trong ấp chiến lược Kỳ Đà; đột nhập đánh địch trong khách sạn Á Đông, rạp hát Bá Lạc; đốt phá trạm xăng quân sự, đánh xe tăng địch….

Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông ở Gò Dầu Hạ trong chiến tranh (1968).

Những năm chiến tranh ác liệt, Đội Biệt động Thị trấn còn làm nhiệm vụ bảo vệ vùng căn cứ cách mạng, bảo vệ đường dây liên lạc của ta từ Gò Dầu về căn cứ Tỉnh uỷ ở Bời Lời, đã anh dũng đánh trả lại những cuộc hành quân quy mô của địch, bảo vệ vững chắc cơ sở cách mạng vùng ven thị trấn. Đặc biệt, từ sau khi Hiệp định Pa-ri 1973 được ký kết, Đội Biệt động Thị trấn xây dựng tuyến phòng thủ, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng sát nách vùng tạm chiếm của địch. Mặc cho địch sử dụng nhiều quân chủ lực, với vũ khí tối tân, có cả máy bay, xe tăng yểm trợ, nhiều lần càn quét đánh phá, tuyến phòng thủ vùng ven thị trấn vẫn giữ vững cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đặc biệt, Đội Biệt động Thị trấn tích cực làm công tác binh vận, tác động nhiều lính nguỵ bỏ hàng ngũ của địch tham gia giúp đỡ cách mạng. Đội Biệt động cùng với các đơn vị LLVT huyện Gò Dầu như Đại đội 33 (C33), Đội Trinh sát An Ninh huyện, Du kích các xã và các cơ quan Dân Chính Đảng trong huyện, tổ chức đánh hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu được nhiều vũ khí, khí tài của địch. Với những chiến công lập được, Đội Biệt động Thị trấn đóng góp đáng kể vào thành tích chung của huyện Gò Dầu anh hùng.

Thành tích nhiều, tất nhiên mất mát hy sinh cũng không ít. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thị trấn Gò Dầu có 70 gia đình liệt sĩ, trong đó có 6 liệt sĩ thời chống Pháp, 64 liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ; 64 gia đình thương, bệnh binh; 27 gia đình có công với cách mạng và 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong số  đó, có nhiều người đã từng tham gia Đội Biệt động Thị trấn. Trong vòng 15 năm thành lập và chiến đấu, Đội Biệt động thị trấn Gò Dầu đã 14 lần thay đổi Đội trưởng, với 9 Đội trưởng anh dũng hy sinh. Quân số không nhiều, không có vùng căn cứ rộng lớn, hoạt động ngay trong lòng địch, với biết bao khó khăn nguy hiểm, Đội Biệt động thị trấn Gò Dầu vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo chỉ huy trực tiếp của Huyện uỷ, Huyện Đội, Đảng uỷ thị trấn Gò Dầu, cùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm “Quyết tử giữ quê hương” của cán bộ, chiến sĩ Đội Biệt động. Đây cũng là kết quả của quá trình biết dựa vào lòng dân của Đội Biệt động Thị trấn và tinh thần trung kiên cách mạng của nhân dân.

Sau ngày 30.4.1975, kết thúc vai trò lịch sử của mình, Đội Biệt động thị trấn Gò Dầu không còn nữa. Nhưng những chiến công oanh liệt của đơn vị này vẫn còn ghi mãi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của quân dân huyện Gò Dầu nói riêng, toàn tỉnh Tây Ninh nói chung. Hiện nay, phần lớn các cán bộ, chiến sĩ Đội Biệt động thị trấn Gò Dầu còn sống đã cao tuổi, nghỉ hưu hoặc nghỉ mất sức. Nhưng những cựu chiến binh Biệt động năm xưa vẫn luôn nhiệt tình tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương.

D.H