BAOTAYNINH.VN trên Google News

Có một loài chim…

Cập nhật ngày: 08/06/2018 - 07:59

BTN - Nhìn cây điều với hàng chục tổ chim trong vườn nhà bác Sáu ở khu phố 4, phường 3, tôi chợt nhớ đến loài chim kỳ lạ này trên đất Tây Ninh. Loài chim mà ở các tỉnh phía Bắc không thấy có.

Cháu nghỉ hè, từ thành phố về chơi. Thôi thì tốt nhất là chở cháu đi xem đồng quê Tây Ninh, cho biết những sản vật khó tìm nơi phố thị. Nào cánh đồng Thanh Ðiền sen nở. Nào rạch Tây Ninh nước lững lờ trôi soi bóng người câu cá. Nào vườn chim buổi hoàng hôn la lả cánh cò bay.

 

Nhưng, thú vị nhất là nơi có một cây điều với rất nhiều tổ chim dồng dộc. Ríu rít chim bay đi về mỗi chiều mỗi sớm. Ðầu tháng 6, những tổ chim kết bằng sợi cỏ đã khô vàng. Chỉ một, hai tổ chim mới là còn vương màu xanh non cọng cỏ.

Cháu tròn mắt hỏi:- Sao chim biết làm tổ đẹp thế hả ông? Thì cũng như người ta làm nhà ấy!- Sao tổ chim cũng có tổ to và tổ nhỏ hả ông? Thì cháu xem trên phố ấy. Cũng có nhà to và nhà nhỏ đấy thôi!

Nhìn cây điều với hàng chục tổ chim trong vườn nhà bác Sáu ở khu phố 4, phường 3, tôi chợt nhớ đến loài chim kỳ lạ này trên đất Tây Ninh. Loài chim mà ở các tỉnh phía Bắc không thấy có. Lạ! Vì ta có thể gặp chúng ở bất cứ miền quê nào trên thềm sông Sài Gòn, Vàm Cỏ. Và hôm nay, do những câu hỏi của cháu mà người lớn cũng nên có vài câu hỏi nữa… cho chính mình!

Tôi biết đến loài chim này đầu tiên là ở Bến Ðình, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, có lẽ đến nay cũng hơn chục năm. Ðấy là một kỷ niệm, không biết nên vui hay nên buồn. Ngày ấy, từ Cẩm Giang đi sang Tiên Thuận còn phải đi đò.

Tới bến, đã thấy người đông xúm xít ngay trên bến. Thì ra người ta đang vặt lông chim. Thấy kể, người dân mới giăng lưới hồi đêm. Ðến sáng đã thu về cả hàng ngàn chú chim dồng dộc. Người ta nhổ lông rồi đem đi bán, một chục được mấy ngàn đồng. Vui vì tiếng trò chuyện râm ran của các bà, các chị. Mấy thanh niên còn nướng ngay mấy chú chim trên lửa than, làm mồi nhậu lai rai…

Hồi ấy, khi về tôi đã có bài viết “Chim dồng dộc bay về Tiên Thuận”. Sau những mô tả về cách giăng lưới bắt chim, rồi đem bán… cũng có nỗi băn khoăn về số phận một loài chim. Hơn chục năm trôi qua, mới biết nỗi lo của mình là vô căn cứ. Vì chim dồng dộc vẫn cứ sinh sôi nảy nở. Mỗi chuyến đi vào các tháng 4, 5, 6 đều gặp những tổ chim nằm thanh thản trên cây.

Khi thì ở tận chợ Rạch Tràm, Phước Chỉ, lúc là ở ấp Thạnh Trung, xã Thanh Ðiền. Có khi lại gặp ở bên sông Sài Gòn thuộc huyện Trảng Bàng, xã Hưng Thuận. Bữa ngồi ở trước thành bảo Long Giang, huyện Bến Cầu, ngước lên cây sao cổ thụ cao tít tắp, cũng thấy những tổ chim vàng mơ, trong gió… chung chiêng. Và hôm nay, là giữa lòng thành phố Tây Ninh, những tổ chim treo trên một cây điều khô khẳng.

Vẫn là một câu hỏi không lời đáp. Rằng tại sao loài chim từng bị con người săn bắt nhiều như thế, vẫn ngang nhiên tồn tại khắp làng quê phố thị Tây Ninh? Ngoài chuyện là miếng ăn ngon, đặc sản… chim còn bị bắt để bán trong các dịp lễ quan trọng ở các chùa chiền. Hầu như chùa nào cũng có người đem chim dồng dộc tới bán.

Lạ nữa, là cách loài chim này làm tổ. Chúng không cần chọn những ô, hốc dưới mái tranh hay mái ngói, cũng không cần nương trong các bụi cây hay tán cây rậm rạp, mà ngang nhiên làm tổ trên cây có lá cành thưa thoáng.

Ðể luôn luôn nhìn thấy trời mây, và dĩ nhiên là… ngay trước mắt con người. Hay là chim quá tự tin ở tài năng của mình, như những kiến trúc sư tài giỏi của loài người. Vài chục tổ trên một cây cũng giống như một làng, ấp của người. Mỗi tổ một kiểu, hình thù trang nhã với đủ cả đầu vào đầu ra như ô cửa.

Nhiều cái tổ có bụng phình ra cho chim mái ấp trứng. Thì cũng có chiếc chỉ như một chiếc giỏ treo cho chim trống nằm canh… Quả nhiên, con người cũng có chút phân vân khi muốn hái những tác phẩm nghệ thuật xinh xẻo ấy. Nhưng chỉ cần nghe tiếng “chiếp chiếp” chim non thì ắt hẳn phải chùng tay.

Bạn đã bao giờ trông thấy một đàn chim dồng dộc đang bay? Ðấy mới là điều kỳ lạ nhất. Chúng bay mà vẫn quấn quýt bên nhau như một đám mây. Phát hiện một mảnh ruộng đã vàng ươm màu lúa chín, thế là “đám mây” ấy sà xuống. Rất nhanh như “rụng” xuống.

Vậy mới có thêm một danh xưng là chim Lá Rụng. Chúng có biết đâu, chính cái tập tính bầy đàn ấy đã trở thành điểm yếu trước mắt con người. Ðể họ chọn nơi giăng lưới, khi bắt được là có nguyên cả một bầy.

Họ có biết khi ấy, nhiều chú chim non trong những tổ chim đã đợi chờ chim bố mẹ trở về trong vô vọng.

NGUYỄN