Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau khi kết thúc học kỳ 1, tôi nhận được nhiều cuộc gọi nhờ “tư vấn” có nên cho con (cháu) đi học chữ trước để năm sau vào lớp một? Một người cháu có con gái đang học lớp lá đến tận nhà tâm sự: Đợt nghỉ tết dương lịch vừa rồi, đi chơi gặp một số bạn bè làm nghề giáo nói rằng chương trình lớp một mới nặng lắm, nếu không cho con học trước, năm sau vào lớp một sợ không theo kịp, nay đến hỏi ý kiến ông xem sao? Tôi nói mấy ngày nay rất nhiều người hỏi về việc này, đối với họ, ông không dám khuyên, không dám trả lời dứt khoát mà chỉ nói nên cân nhắc, tuỳ ý gia đình, còn với cháu thì ông khuyên và trả lời dứt khoát là không nên, ép con học chữ sớm là sai lầm! Đây là một vấn đề khoa học, liên quan đến giáo dục sớm trong thời đại công nghệ, cần có những hiểu biết về vấn đề này để ứng xử cho hợp lý.
Thời gian gần đây, người ta thường nói đến vấn đề giáo dục sớm. Đây là một bước đột phá của khoa học giáo dục, có vai trò vô cùng quan trọng. Giáo dục sớm có tác động, dắt dẫn, bồi dưỡng tiềm năng cho trẻ trong thời kỳ thai nhi đến 6 tuổi, được tiến hành trong giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất (thời kỳ mẫn cảm) nên nó mang lại những ảnh hưởng sâu sắc nhất. Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng đắn, khoa học về giáo dục sớm.
Theo PGS - TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), hiện đang có ít nhất 4 quan điểm sai lầm về giáo dục sớm: Đầu tiên cần phải hiểu giáo dục sớm không phải là giáo dục thiên tài hay thần đồng, nhiều phụ huynh mong muốn con mình có tài năng đặc biệt, thúc đẩy con phát triển sâu về một lĩnh vực nào đó ngay từ nhỏ một cách cưỡng ép, khiến trẻ chịu nhiều áp lực, có khi không những không phát triển được mà còn mất đi cảm xúc về lĩnh vực đó.
Giáo dục sớm cũng không nhằm trang bị nhiều kiến thức khi trẻ còn rất bé bởi tiếp thu kiến thức là cả một quá trình dài, cả đời người, bộ não trẻ cần có những “khoảng trống” để học kiến thức trong tương lai, lấp đầy kiến thức ngay từ bé làm trẻ bị nhồi nhét, tắc nghẽn… dễ tạo nên căng thẳng, ức chế, vượt quá sức chịu đựng.
Giáo dục sớm cũng không phải là ép tất cả trẻ đều phát triển như nhau, theo một khuôn mẫu. Mỗi đứa trẻ có những năng lực riêng, nền tảng sinh học riêng, vì thế cần chú trọng những năng lực ấy và giúp phát triển một cách tự nhiên, không nên ép tất cả các cháu đều phát triển như nhau, phải học và đạt được kết quả giống nhau.
Cuối cùng là giáo dục sớm không phải là dạy trước chương trình học của các lớp lớn hơn, nhiều gia đình cứ muốn con mình phải phát triển vượt bậc hơn các bạn đồng trang lứa, muốn con không bỡ ngỡ với kiến thức khi vào lớp một nên cho con đi học trước, tức là bắt trẻ phải “chín ép”.
Theo các nhà khoa học, cách giáo dục sớm tốt nhất là dạy trẻ học thông qua các hoạt động trải nghiệm chủ yếu bằng các hoạt động vui chơi với các trò chơi, để qua đó trẻ tiếp nhận kiến thức, kỹ năng. Khi dạy về quả bóng, cần có quả bóng thực cho trẻ nhận biết bằng các giác quan, nói về chức năng, tác dụng của nó...
Cho trẻ chơi trò chơi xếp hình để rèn luyện về cách đếm, phân loại; cho trẻ chơi trò chơi sắm vai, diễn kịch, vẽ tranh để tạo ra không gian rộng mở, khơi gợi trí tưởng tượng, đưa ra ý tưởng mới; cho trẻ tự tay làm ra một sản phẩm nào đó và trình bày, “thuyết trình” về sản phẩm để rèn luyện ngôn ngữ, rèn kỹ năng giao tiếp; cho trẻ tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng, laptop để hiểu biết về toán, tin học, khoa học công nghệ…
Có thể đặt cho trẻ những câu hỏi nếu… thì sao… để kích thích trí tưởng tượng, cách xác định vấn đề, giải quyết vấn đề, khả năng phản biện… Dạy trẻ nhận biết các tín hiệu cảm xúc qua các biểu hiện như ánh mắt, nhíu mày, lắc đầu…
Phụ huynh và các cô giáo mầm non cần tác động một cách khoa học để giúp trẻ phát triển tối đa tố chất, tạo nền tảng cho sự phát triển tốt hơn khi trưởng thành. Giáo dục sớm là giáo dục đúng thời điểm, đúng phương pháp để trẻ hoạt động một cách vừa sức, thoải mái và tự nhiên, giúp các cháu hình thành các giá trị, cảm xúc tích cực, chủ động sáng tạo, chứ không phải bắt trẻ học sớm, học nhiều tạo sức ép, căng thẳng.
Các nhà khoa học giáo dục cho rằng, việc chạy đua, đưa con đi học chữ trước khi vào lớp một là phản khoa học. Không nên cho trẻ đi học đọc, tập viết, luyện chữ. Tay của trẻ có vận động thô và vận động tinh.
Nếu chưa đủ tuổi, vận động thô chưa vững mà ép luyện tinh là sai phương pháp, dễ dẫn đến chán nản, trầm cảm, huỷ hoại tế bào thần kinh. Đó là chưa nói đến việc trẻ được học trước, biết trước so với các bạn khác, khi vào lớp dễ dẫn đến chủ quan, lười biếng.
Học trước, biết trước khiến kiến thức trên lớp, lời giảng của thầy cô sẽ không còn hấp dẫn, nhàm chán, không kích thích được sự khám phá, tìm tòi của trẻ. Nếu tình trạng này kéo dài thì có nguy cơ trẻ cứ đuối dần, kết quả còn tệ hơn những em không học trước.
PGS - TS Trần Thành Nam cảnh báo: “Nếu chúng ta cứ bắt con trẻ đi học thêm theo kiểu luyện thi, dạy trước, nhồi nhét sẽ làm cho con ghét học hơn. Bởi lẽ, những gì trẻ biết rồi sẽ không còn hứng thú để tư duy, để khám phá. Điều này vô hình trung làm thui chột sự sáng tạo của trẻ”.
Phụ huynh cũng cần biết rằng, chương trình giáo dục ở các trường mầm non đã hình thành cho trẻ nề nếp, kiến thức để các em chuẩn bị bước vào lớp một.
Ở lớp lá, một tuần cũng có vài tiết để cho các cháu làm quen với bảng chữ cái, các chữ số từ 1-10, cách thức cầm bút, ngồi học đúng quy cách, ý thức giữ gìn vệ sinh và tự giác làm những việc phù hợp với lứa tuổi của mình.
Năm học 2019-2020, do dịch bệnh, việc học bị gián đoạn, việc cho học sinh làm quen với chữ, số, cách cầm bút, tư thế ngồi… chưa hoàn thành, đó cũng là một nguyên nhân khi các cháu vào lớp một năm học 2020-2021 gặp những lúng túng, khó khăn, khiến phụ huynh lo lắng.
Giáo dục sớm cho trẻ từ 0-6 tuổi có vai trò vô cùng quan trọng, nhưng cần phải hiểu đúng để thực hiện một cách khoa học, làm sao cho trẻ phát huy được một cách tối đa nội lực về các lĩnh vực như thể chất, ngôn ngữ, tình cảm, tri thức, kỹ năng xã hội…
Giáo dục sớm không có nghĩa là bắt trẻ “chín ép”, không ép học sớm, học nhiều, không dạy trước chương trình. Việc cho trẻ mầm non đi học chữ trước khi vào lớp một là sai lầm, cần phải dừng lại khi chưa muộn!
D.M