Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Có nên lắp đặt camera trong trường mầm non
Thứ tư: 05:43 ngày 27/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Công văn số 2860 ngày 6.12.2017 yêu cầu Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung liên quan. Theo đó, khuyến khích các cơ sở GDMN lắp đặt hệ thống camera quan sát tại nhóm, lớp.

Trường mầm non tư thục Đặng Phước quan sát hoạt động của giáo viên, trẻ em thông qua màn hình.

Từ khi các video clip phản ánh hành vi các bảo mẫu, giáo viên có hành vi bạo lực, gây thương tích, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tâm lý trẻ mầm non phổ biến trên các trang mạng xã hội, khiến dư luận bức xúc, lên án gay gắt. Để làm yên lòng các bậc phụ huynh,việc lắp đặt camera được coi là giải pháp hữu hiệu được nhiều trường mầm non áp dụng.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa xảy ra tình trạng bạo hành trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), nhưng để phòng ngừa và tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Công văn số 2860 ngày 6.12.2017 yêu cầu Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung liên quan. Theo đó, khuyến khích các cơ sở GDMN lắp đặt hệ thống camera quan sát tại nhóm, lớp.

Hiện nay, đã có 6 trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh được lắp đặt camera theo chương trình thử nghiệm camera-cam của VNPT.

ĐỂ PHỤ HUYNH YÊN TÂM

Về lợi ích của việc lắp đặt camera giám sát tại các trường mầm non, theo cô Lưu Thị Thu, Phó trưởng Phòng GD-ĐT thành phố Tây Ninh, do số lượng các bé nhiều, giáo viên không thể giám sát được hết các hoạt động của từng bé. Việc gắn camera giúp các cô có thể xem lại những hoạt động của bé để có cách dạy dỗ, chỉ bảo đúng mực. Đồng thời qua đó, có thể ngăn ngừa, trường hợp các giáo viên có ý định bạo lực, hoặc có hành vi không đúng mực.    

Một phụ huynh- chị N.T.N.T chia sẻ, thời gian qua, việc bảo mẫu, giáo viên đánh đập, ngược đãi trẻ em, bản thân chị cảm thấy lo lắng khi giao con cho các trường mẫu giáo. Do đó, chị hy vọng nhà trường sẽ có hệ thống camera để kiểm soát chặt chẽ quá trình chăm sóc trẻ của giáo viên. Theo chị, tốt nhất là nhà trường sử dụng phần mềm kết nối camera, phụ huynh chỉ cần mở màn hình điện thoại hay máy vi tính là có thể quan sát của con em tại trường.

Cô Nguyễn Thị Kiêm, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Ngọc (phường 3, TP Tây Ninh) cho biết, chương trình thử nghiệm lắp đặt camera do Sở GD-ĐT phối hợp với VNPT Tây Ninh thí điểm tại trường vào tháng 4.2017 và đưa vào sử dụng từ tháng 6.2017, hiện đã có 16 máy được gắn ở các lớp học, hành lang và nhà ăn của trường. Từ khi lắp đặt hệ thống camera, công tác quản lý và giám sát tình hình an ninh trật tự của trường ngày càng hiệu quả. Qua đó, phụ huynh yên tâm hơn khi cho trẻ đến trường. Có lẽ nhờ vậy, số lượng các bé đến trường trong năm học 2017-2018 tăng hơn năm học trước.

Ban đầu, khi chương trình đưa vào thử nghiệm, nhà trường còn vấp phải sự phản đối từ một vài phụ huynh. Nhưng sau quá trình vận động, giải thích lợi ích của việc lắp đặt camera, nhà trường đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ phụ huynh. Trong năm học, phụ huynh đã đóng một khoản phí vận hành là 90.000 đồng/năm cho việc quan sát hoạt động của các bé thông qua phần mềm xem camera trên điện thoại và máy vi tính. 

Ở một số cơ sở, trường mầm non tư thục cũng đã lắp đặt camera quan sát, xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Trao đổi về vấn đề này, cô Đặng Thị Bảo Trân- Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Đặng Phước (phường IV, TP. Tây Ninh) cho biết, từ khi thành lập, nhà trường đã lắp đặt hệ thống camera, với 11 máy trang bị ở 7 lớp học, hành lang.

Toàn bộ chi phí do nhà trường đầu tư, không tính thêm vào mức học phí của các bé. Thông qua việc quan sát hoạt động của trẻ, phụ huynh có thể đóng góp ý kiến về các mặt hạn chế, giúp nhà trường có những điều chỉnh kịp thời, nâng cao chất lượng giảng dạy.

 NHƯNG CŨNG CÒN VƯỚNG MẮC

 Có thể nói, việc lắp đặt camera ở các trường mầm non là giải pháp khá hiệu quả trong việc tạo niềm tin cho phụ huynh đối với hoạt động quản lý, chăm sóc, giáo dục các bé tại trường. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng đặt niềm tin vào phương tiện ghi hình, ghi âm này.

Có phụ huynh cho rằng, camera dù có hiện đại tới đâu cũng không thể theo dõi toàn bộ hoạt động trong lớp học. Nếu cô giáo phạt hay đánh các bé ở vị trí máy camera không thể ghi hình được thì phụ huynh cũng phải “chào thua”. Mặt khác, chất lượng đường truyền hay hình ảnh phân giải kém cũng gây khó khăn cho việc quan sát hoạt động của trẻ.

Chị V.T.L.G, nhân viên văn phòng tâm sự, từ khi gia đình chị gửi cháu tại trường có gắn hệ thống camera, hằng ngày, trong giờ cháu ở trường, cũng là giờ cơ quan đang làm việc, chị thường mở laptop, điện thoại quan sát cậu con trai. Có lúc bị cấp trên bắt gặp, phê bình, thế là chị chẳng dám xem nữa. Cuối cùng, niềm tin vào cô giáo, nhà trường mới là hiệu quả nhất.

Còn đối với người trong cuộc- những giáo viên bị camera “dòm ngó” suốt ngày thì không phải ai cũng cảm thấy hào hứng. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng (Trường mầm non Tuổi Ngọc) cho hay, mặc dù việc lắp camera sẽ tạo được niềm tin cho phụ huynh nhưng bản thân giáo viên lại cảm thấy mình luôn bị “giám sát”, cũng dễ “tự ái”.

Đồng thời, các cô còn luôn phải ở trong tâm thế sẵn sàng nghe điện thoại bất kỳ lúc nào, nếu phụ huynh không nhìn thấy con mình trên màn hình (!), điều này, theo cô Hồng, ít nhiều cũng gây ảnh hưởng tâm lý trong việc chăm sóc, dạy dỗ các bé.

Theo một cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành, hiện nay chưa có chủ trương của cấp trên trong việc thực hiện việc lắp đặt “mắt thần” trong trường mầm non. Mặt khác, chi phí lắp đặt hệ thống camera quá tốn kém và cũng khó thực hiện vì không hẳn phụ huynh nào cũng hưởng ứng. Đặc biệt, với những trường ở vùng sâu vùng xa, các bậc cha mẹ không có điều kiện để chi trả cho việc lắp đặt, vận hành camera.

Có thể nói, việc lắp đặt camera chỉ là hình thức trấn an phụ huynh nhất thời. Vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, nhất là lòng yêu nghề, mến trẻ để người dân thực sự đặt trọn niềm tin vào ngành Giáo dục nước nhà.

Về vấn đề này, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho giáo viên mầm non.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, để nâng cao chất lượng hoạt động, chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Tập trung nguồn lực để bồi dưỡng, tập huấn giáo viên thực hiện chương trình GDMN sau chỉnh sửa; triển khai bồi dưỡng kỹ năng thực hành áp dụng mô-đun ưu tiên trong tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục và thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non “lấy trẻ làm trung tâm” có chất lượng; tiếp tục tập huấn chương trình e-learning nâng cao; tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non về đạo đức nghề nghiệp, tình thương, trách nhiệm đối với trẻ.

 PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục