Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp:
Cơ quan nào cấp giấy phép thì có trách nhiệm hậu kiểm và thông báo vi phạm
Thứ sáu: 06:24 ngày 29/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cấp tổng cộng 22 giấy phép các loại liên quan đến các hoạt động trong khu vực hồ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì buổi làm việc.

Trước phản ánh về những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác hồ chứa nước Dầu Tiếng, chiều 27.7, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (nay là Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam) và các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này. Tham dự có ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (Công ty) Trần Quang Hùng cho biết, hồ chứa nước Dầu Tiếng là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, phục vụ khai thác đa mục tiêu, có nhiệm vụ phòng, giảm lũ cho vùng hạ du sông Sài Gòn; tích, cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Các hoạt động khai thác khoáng sản cát xây dựng, kết hợp phát điện năng lượng mặt trời, trồng rừng, du lịch sinh thái… đã được các địa phương và các cơ quan có thẩm quyền quy hoạch, cấp phép và quản lý theo quy định của pháp luật về thuỷ lợi và các luật chuyên ngành.

Hiện nay, UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cấp tổng cộng 22 giấy phép các loại liên quan đến các hoạt động trong khu vực hồ. Trong đó, tỉnh Tây Ninh cấp 14 giấy phép khai thác khoáng sản (hiện còn 11 giấy phép đang hoạt động); tỉnh Bình Dương cấp 7 giấy phép, tỉnh Bình Phước cấp 1 giấy phép. Tổng công suất 803.600m3/năm.

Để hoạt động khai thác cát gắn với nhiệm vụ nạo vét, phòng chống bồi lắng lòng hồ, tận dụng vật liệu xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đúng theo quy định pháp luật về khai thác khoáng sản trong môi trường hồ chứa, thời gian qua, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với tổ liên ngành các địa phương theo chỉ đạo của UBND các tỉnh tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng đi vào nề nếp, bảo đảm chất lượng nguồn nước phục vụ các nhu cầu.

Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định của các giấy phép; camera bến bãi, trạm cân được trang bị nhưng chưa đồng bộ và đặt chưa đúng vị trí, không bật thường xuyên thiết bị định vị tàu khai thác truyền dữ liệu trực tuyến về phần mềm cơ sở dữ liệu để các cơ quan đơn vị có thẩm quyền theo dõi, giám sát hoạt động. Ngoài ra, một số khu vực trong lòng hồ chưa có sóng điện thoại, gây khó khăn trong công tác kết nối dữ liệu.

Trên lưu vực hồ Dầu Tiếng và hệ thống kênh có 92 cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động xả thải trực tiếp hoặc gián tiếp từ các trại chăn nuôi, nhà máy chế biến tinh bột mì, mủ cao su… Trong đó, tỉnh Bình Phước có 53 cơ sở, tỉnh Tây Ninh có 29 cơ sở, tỉnh Bình Dương có 10 cơ sở. Trước tình hình đó, để quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước,

Công ty đã lấy mẫu phân tích nước định kỳ, thực hiện khảo sát, điều tra các hoạt động sản xuất kinh doanh có xả thải để khoanh vùng ô nhiễm, đề xuất giải pháp bảo vệ nguồn nước; kiểm soát chất lượng nguồn nước, ứng dụng công nghệ WebGIS quản lý cơ sở dữ liệu về nguồn nước lưu vực hồ.

Ông Hùng cho biết thêm, tới đây, Công ty sẽ lắp đặt các trạm quan trắc chất lượng nước tự động tại các vị trí có nguồn xả thải vào các nhánh sông suối đổ về hồ, kịp thời cảnh báo khi nước hồ có nguy cơ ô nhiễm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Tình hình nuôi cá lồng bè tự phát trong lòng hồ Dầu Tiếng tồn tại từ năm 2005 đến nay với 86 hộ đang nuôi khoảng 272 lồng cá các loại (tỉnh Bình Dương 75 hộ, tỉnh Tây Ninh 11 hộ) chưa được các địa phương quy hoạch, quản lý cấp phép, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, chất lượng nguồn nước, cản trở dòng chảy, nhất là mất an toàn về tính mạng người và tài sản. Các địa phương đã có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp này.

Mới đây, quy chế phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với UBND 5 tỉnh, thành phố có liên quan đã được ký kết; quy chế phối hợp giữa Công ty với 18 xã trong quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà đã được thông qua, sắp được ký kết để đi vào thực hiện. Với việc quy chế xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bên liên quan từ công tác quản lý, bảo vệ, cấp phép đến xử lý các trường hợp vi phạm hy vọng sẽ nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa Trần Quang Hùng báo cáo với đoàn công tác.

Để khai thác, sử dụng đa mục tiêu, phát huy hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ đập, hồ chứa, bảo đảm an ninh nguồn nước, ông Trần Quang Hùng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành nhiều vấn đề.

Trong đó, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công an trình phê duyệt phương án bảo vệ hồ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê quyệt đề cương Nhiệm vụ xây dựng đường đặc tính hiện trạng lòng hồ và đánh giá bồi lắng lòng hồ làm cơ sở điều chỉnh lại quy trình vận hành hồ Dầu Tiếng, các địa phương có cơ sở điều chỉnh quy hoạch khoáng sản và phân vùng khai thác; quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác quản lý bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước và an ninh nguồn nước, lắp đặt hệ thống camera dọc tuyến đập chính, đập phụ để hoàn thiện hệ thống giám sát, bảo vệ lòng hồ. UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước phối hợp xây dựng đề án phát triển tổng thể đa mục tiêu hồ Dầu Tiếng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả khai thác công trình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cùng trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn hồ đập, phương thức quản lý bảo đảm chất lượng, lưu lượng nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đề xuất, bên cạnh việc đã có quy chế phối hợp, cần thành lập trạm kiểm soát liên ngành có sự tham gia của Bộ và các địa phương- đây sẽ là lực lượng chuyên trách thực hiện việc tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động khu vực hồ để mang lại hiệu quả cao hơn. Đối với phản ánh còn một số khu vực sóng wifi yếu, tỉnh sẽ đề nghị các nhà mạng tăng cường phủ sóng để công tác kết nối dữ liệu được tốt hơn.

Đồng tình với việc phát triển đàn cá tự nhiên trong lòng hồ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc thống nhất không nuôi lồng bè cá trong hồ. Bên cạnh đó, cần xác định rõ cột mốc của lòng hồ để giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn hồ đập; cần quan tâm đầu tư bảo đảm an toàn hồ đập.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định, Tây Ninh rất có trách nhiệm trong quản lý, khai thác, bảo vệ hồ chứa nước Dầu Tiếng, tỉnh sẽ phối hợp các địa phương thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới; đồng thời mong các tỉnh chung tay rà soát chặt chẽ các dự án, không để xả thải dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trong 7.000 hồ chứa trên cả nước với 70 tỷ mét khối nước thì có 6.500 hồ chứa thuỷ lợi với dung tích 15 tỷ mét khối cho thấy, số hồ nhiều nhưng lượng nước không lớn. Tuy nhiên, chỉ riêng hồ Dầu Tiếng đã có 1,5 tỷ mét khối nước (chiếm 10% tổng dung tích các hồ thuỷ lợi cả nước). Với vị trí vô cùng quan trọng, hồ Dầu Tiếng được Trung ương đưa vào công trình an ninh cấp quốc gia. Thực tế, dù đã nỗ lực quản lý nhưng hiện nay vẫn xảy ra một số trường hợp vi phạm.

Theo Thứ trưởng, vấn đề cần quan tâm hiện nay là Tổng cục Thuỷ lợi kết hợp với Công ty xác định vùng bán ngập để đưa vào quản lý. Tây Ninh là địa phương có diện tích đất bán ngập lớn nhất nên cần quan tâm quản lý nghiêm ngặt hơn.

Về xác định trách nhiệm trong quản lý khai thác cát, Thứ trưởng khẳng định quan điểm “cơ quan nào cấp giấy phép thì có trách nhiệm hậu kiểm và thông báo vi phạm”, đồng thời, bảo đảm thực hiện nghiêm kết luận trước đây của Bộ về vấn đề này. Đó là, đơn vị chỉ được thực hiện khai thác cát khi đã xác định được chính xác trữ lượng mỏ; xác định được sản lượng và kiểm soát được tàu khai thác; thiếu một trong ba điều kiện này là rút giấy phép ngay. Thứ trưởng cũng thống nhất không nuôi trồng thuỷ sản trong lòng hồ và đề nghị các địa phương cần có biện pháp xử lý số lồng bè cá đang nuôi trong hồ một cách quyết liệt.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, là tỉnh có số cơ sở xả thải nhiều nhất, Bình Phước cần kiểm soát tốt hơn nguồn xả thải không đạt chuẩn.

Đồng tình với kiến nghị của Công ty, Thứ trưởng chỉ đạo cần thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ, đập và mong rằng, với quy chế đã ký kết, các địa phương sẽ có sự phối hợp nhịp nhàng hơn để giải quyết dứt điểm các tồn tại hiện nay, tăng hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và khai thác hồ chứa nước Dầu Tiếng trong thời gian tới.

C.T

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục