Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Người mua tài sản bán đấu giá bị thiệt hại, mà nguyên nhân chính là do cách làm không đúng quy định pháp luật của cơ quan Thi hành án...

(BTN)- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh xảy ra nhiều trường hợp người dân mua tài sản đấu giá của cơ quan thi hành án, nhưng sau đó không nhận được tài sản làm người dân bức xúc khiếu kiện khắp nơi. Hai trường hợp dưới đây cho thấy, người mua tài sản bán đấu giá bị thiệt hại, mà nguyên nhân chính là do cách làm không đúng quy định pháp luật của cơ quan Thi hành án.
Nhà cất trên đất của người khác
Ông Trần Văn Hên (ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Biên) và bà Phạm Thị Hiền là vợ chồng. Năm 2009, ông Hên và bà Hiền được TAND tỉnh xét xử công nhận thuận tình ly hôn. Sau đó, TAND huyện Tân Biên xét xử ở một vụ án khác về tranh chấp quyền sở hữu chung của vợ chồng, nội dung bản án tuyên giao cho bà Hiền một phần đất 384m2 đã được UBND huyện Tân Châu cấp giấy CNQSDĐ, do bà Hiền đứng tên. Trên đất xây một căn nhà cấp 2B (5m x15,9m) + (5m x 11,4m).
Ngày 23.2.2012, Chi cục THADS huyện Tân Biên uỷ quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Tây Ninh bán tài sản là phần đất và căn nhà nêu trên để đảm bảo thi hành án. Ông Hên trúng đấu giá phần đất và căn nhà trên với giá 690.900.000đ. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, ông Hên yêu cầu giao tài sản thì Chi cục THADS huyện Tân Biên không thể giao được. Ông Hên gửi đơn khiếu nại, ngày 12.6.2012, Chi cục THADS huyện Tân Biên ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cho rằng, bà Hiền tự nguyện giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Tuy nhiên, khi đo đạc QSDĐ và căn nhà thì xác định căn nhà của bà Hiền xây dựng không đúng vị trí diện tích đất bà Hiền được cấp. Vì vậy, việc giao nhận tài sản trúng đấu giá giữa ông Hên và bà Hiền không tiến hành được.
![]() |
Ngày 22.5.2012, Chi cục THADS huyện Tân Biên tiến hành khảo sát thực trạng QSDĐ và nhà ở xây dựng trên đất nêu trên và xác định, một phần công trình xây dựng nhà ở của bà Hiền xây dựng không đúng trên diện tích đất của bà. Cụ thể, căn nhà được xây dựng đúng trên diện tích đất của bà Hiền, ở hướng Đông có chiều ngang 1,45m, chiều dài 15,8m; phần căn nhà ngoài diện tích đất của bà Hiền ở hướng Đông có chiều ngang 3,74m, chiều dài 15,8m, lấn sang đất của ông Phạm Văn Thông (cha của bà Hiền).
Giao tài sản không được nên kiến nghị giám đốc thẩm (!?)
Sau khi xác định diện tích căn nhà lấn sang đất ông Thông, Chi cục THADS huyện Tân Biên gửi công văn đến TAND tỉnh kiến nghị xem xét giám đốc thẩm bản án. Cơ sở mà Chi cục THADS huyện Tân Biên kiến nghị là Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC. Chi cục THADS huyện Tân Biên không chấp nhận đơn khiếu nại của ông Hên và yêu cầu ông Hên “phải chờ kết quả giải quyết của toà án”(!?)
Sau đó, ông Hên khiếu nại đến Cục THADS tỉnh. Ngày 19.7.2012, Cục THADS tỉnh ban hành quyết định giải quyết nêu rõ: Chấp hành viên khi tiến hành các thủ tục trình tự thi hành án kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản của bà Hiền không thực hiện đúng theo trình tự được quy định tại Khoản 3 Điều 111 Luật THADS: “Việc kê biên QSDĐ phải lập biên bản ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được kê biên, có chữ ký của những người tham gia kê biên”. Do không làm đúng theo quy định nêu trên nên không phát hiện căn nhà cất sai vị trí đất, từ đó dẫn đến việc không giao tài sản được cho người trúng đấu giá. Cục THADS tỉnh cho rằng, Chi cục THADS huyện Tân Biên không chấp nhận đơn khiếu nại của ông Hên với lý do đã có văn bản kiến nghị toà án xem xét giám đốc thẩm bản án là không thoả đáng. Cục THADS tỉnh cho biết, đối với việc xử lý kết quả bán đấu giá tài sản, Chi cục THADS huyện Tân Biên phải căn cứ theo Điều 102 Luật THADS và Điều 48 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Từ những căn cứ trên, Cục THADS tỉnh quyết định huỷ quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục THADS huyện Tân Biên, giao Chi cục THADS huyện Tân Biên chỉ đạo chấp hành viên thi hành dứt điểm vụ việc theo đúng quy định pháp luật, đồng thời tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của chấp hành viên và những cán bộ có liên quan đến những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án.
Rõ ràng trong trường hợp này, đáng lý ra, khi tổ chức thi hành án, tiến hành kê biên, Chi cục THADS huyện Tân Biên nếu phát hiện những sai sót của bản án, kiến nghị TAND tỉnh xem xét giám đốc thẩm là phù hợp, còn việc tài sản đã đem đi bán đấu giá xong mới phát hiện bản án sai, kêu người mua phải chờ toà án giải quyết là điều hết sức vô lý.
Không thuộc thẩm quyền của toà án?
Sau khi có quyết định của Cục THADS tỉnh, ông Hên liên hệ Chi cục THADS huyện Tân Biên yêu cầu giải quyết vụ việc. Cơ quan này đề nghị giải quyết bằng cách trả lại tiền mà ông Hên đã mua đấu giá tài sản (!?). Không đồng ý, ông Hên khởi kiện ra toà với nội dung “Yêu cầu Chi cục THADS huyện Tân Biên tổ chức giao nhà theo hợp đồng đấu giá tài sản thi hành án”. Tuy nhiên, ngày 27.8.2012, thẩm phán Nguyễn Thị Oanh của TAND huyện Tân Biên có văn bản thông báo trả lại đơn kiện, với lý do “không thuộc thẩm quyền của toà án”. Ngày 13.9.2012, ông Hên tiếp tục kiện ra toà với nội dung: “Yêu cầu Chi cục THADS huyện Tân Biên bồi thường 1.381.800.000đ do vi phạm hợp đồng bán đấu giá tài sản”. Ngày 14.9.2012, thẩm phán Nguyễn Thị Oanh tiếp tục có văn bản thông báo trả đơn kiện lại cho ông Hên. Thông báo cho biết ngày 19.7.2012, Cục THADS tỉnh có văn bản số 734 trả lời trong đó có nội dung: “Giao cho Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Tân Biên tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc trên theo đúng quy định pháp luật”. Thẩm phán Oanh đối chiếu các quy định tại Điều 25 BLTTDS, cho rằng sự việc nêu trên không thuộc thẩm quyền của toà án.
Mua tài sản đấu giá thiếu gần 10.000m2 đất
Tương tự như trường hợp của ông Hên, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý (ngụ khu phố 1, thị trấn Châu Thành) liên tục khiếu nại Chi cục THADS huyện Tân Châu “bán tài sản đấu giá nhưng không giao đủ”. Bà Thuý trình bày, ngày 8.7.2011, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tỉnh Tây Ninh tổ chức bán đấu giá tài sản là 5 QSDĐ ( ở huyện Tân Châu) của vợ chồng ông Lê Văn Méo, bà Nguyễn Thị Lợi với số tiền gần 2 tỷ đồng. Bà Thuý là người trúng đấu giá. Bà Thuý nộp đủ tiền theo quy định, nhưng khi giao tài sản, Chi cục THADS Tân Châu giao thiếu gần 10.000m2. Bà Thuý khiếu nại, Cục THADS tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại khẳng định: “Trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên đã không xác định hiện trạng thực tế thửa đất mà tiến hành kê biên theo giấy CNQSDĐ nên dẫn đến việc giao đất cho người mua trúng đấu giá không đủ diện tích để giao”. Cũng giống như ông Hên, khi không có đất giao, Chi cục THADS huyện Tân Châu đề nghị trả lại tiền. Bà Thuý cho biết, bà đã sang nhượng phần đất trên (trên giấy) cho người khác với giá 1 tỷ đồng. Vì vậy, nếu không có đất giao, bà Thuý yêu cầu Chi cục THADS huyện Tân Châu đưa cho bà 1 tỷ đồng để trả lại cho người đã mua đất của bà (!?). Hơn 1 năm trời khiếu nại khắp nơi bà Thuý vẫn chưa được giải quyết, mặc dù UBND tỉnh chỉ đạo Cục THADS tỉnh phải xem xét giải quyết.
Căn cứ pháp lý nào để giải quyết?
Theo ông Hên, việc Chi cục THADS huyện Tân Biên không giao tài sản bán đấu giá được mà chỉ trả lại tiền là ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Ông Hên cho rằng, việc không thực hiện đúng hợp đồng mua bán nhà của Chi cục THADS huyện Tân Biên phải được xử lý theo Điều 358 Bộ luật Dân sự và các quy định có liên quan về mua bán tài sản.
Tuy nhiên, trường hợp của ông Hên, Cục THADS tỉnh xác định rằng, Chi cục THADS huyện Tân Biên phải căn cứ theo Điều 102 Luật THADS và Điều 48 Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Điều 102 Luật THADS quy định “đương sự, chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ theo bản án, quyết định của toà án thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật THADS. Việc xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ được giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Trong khi đó, tại Khoản 2, Điều 48 Nghị định 17/2010/NĐ-CP nêu rõ: “Trong trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ theo quy định tại điều này thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Phải chăng căn cứ vào các quy định trên, trường hợp của ông Hên, bà Thuý phải được giải quyết bằng con đường toà án? Nếu vậy, tại sao TAND huyện Tân Biên lại từ chối đơn kiện của ông Hên? Theo thẩm phán Oanh, việc từ chối đơn kiện của ông Hên là căn cứ vào Điều 25 BLTTDS. Tuy nhiên, tham khảo Khoản 11, Điều 25 chúng tôi thấy điều này quy định rõ những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án, trong đó có quy định “tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”. Tại sao thẩm phán Oanh không áp dụng quy định này để hướng dẫn ông Hên yêu cầu toà án huỷ kết quả bán đấu giá tài sản? Bởi vì tài sản mà Chi cục THADS huyện Tân Biên đem bán, thực tế không thể bán được (vì căn nhà nằm trên đất người khác).
Điều 102 Luật THADS trên nêu rõ: “Việc xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ được giải quyết theo quy định của pháp luật”. Phải chăng trong trường hợp ông Hên, bà Thuý kiện yêu cầu huỷ kết quả bán đấu giá được toà chấp nhận, Chi cục THADS huyện Tân Biên, Tân Châu sẽ hoàn trả tiền lại cho ông Hên, bà Thuý? Lúc này, căn cứ vào Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nếu các bên không tự thoả thuận được phần bồi thường thiệt hại thì toà án sẽ là nơi giải quyết?
Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước nêu: Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ sau đây: Có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại. Như vậy, trường hợp của ông Hên, bà Thuý, được Cục THADS tỉnh xác định rằng Chi cục THADS huyện Tân Biên và Tân Châu đã không tuân thủ Khoản 3, Điều 111 Luật THADS khi tiến hành kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản, chính là việc làm trái pháp luật, gây thiệt hại cho người mua đấu giá tài sản cần phải xem xét bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước.
Rõ ràng, việc người dân mua tài sản bán đấu giá nhưng không nhận được tài sản, nguyên nhân là do chính cơ quan Thi hành án thực hiện không đúng quy định của Luật THADS. Mặc dù, việc xác định nguyên nhân đã rõ, nhưng ai và cơ quan nào có thẩm quyền xem xét, bảo vệ quyền lợi người mua tài sản bán đấu giá vẫn còn chưa rõ, đã gây bức xúc cho người dân.
Đức Tiến