"Tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp nhưng không có nghĩa là các bên không thể giải quyết được bằng luật pháp quốc tế”, các học giả kết luận tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông hôm 27.11.
"Tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp nhưng không có nghĩa là các bên không thể giải quyết được bằng luật pháp quốc tế”, các học giả kết luận tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông hôm 27.11.
Hàng rào tốt giúp có láng giềng tốt
Cho rằng “Biển Đông không chỉ là vấn đề khu vực mà có hệ lụy toàn cầu", GS Leszek Buszynski, ĐH quốc tế Nhật Bản lưu ý “phải xác định đường hướng tương lai và xác định cách thức để cải thiện tình hình".
“Hàng rào tốt sẽ giúp có láng giềng tốt, nhưng với vấn đề Biển Đông, khi các nước là láng giềng tốt, liệu có thể có được hàng rào biên giới tốt hay không?”, GS Leszek Buszynski đặt vấn đề.
Các bên cần giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật pháp lý cũng như thu thập bằng chứng lịch sử. |
Các học giả cho rằng, “tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp nhưng không có nghĩa là các bên không thể giải quyết được bằng luật pháp quốc tế”.
Luật quốc tế có các điều khoản và thủ tục cũng như có các cơ chế như toà án công lý quốc tế, toà án luật biển quốc tế, cơ chế trọng tài quốc tế có thể được áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông. Các bên cần giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật pháp lý cũng như thu thập bằng chứng lịch sử.
Muốn dựa vào luật pháp quốc tế, các bên có thể tiến hành đàm phán song phương và đa phương. Hai tiến trình này cần có tính tương hỗ cao, các học giả kết luận.
“Nếu xác định được biên giới, bỏ được những điểm thiếu rõ ràng trong xung đột Biển Đông, thì sẽ xoá được căng thẳng ở khu vực này”, ông Leszek Buszynski nói.
Trước khi tiến hành đàm phán giải quyết tranh chấp hoặc hợp tác trong khu vực có tranh chấp, cần xây dựng những điều kiện ban đầu thuận lợi: Đồng thuận bên trong từng nước để có chính sách ổn định và nhất quán, quan hệ tốt và ổn định giữa các bên trên các mặt để tạo bầu không khí và mối quan hệ hợp tác nói chung cũng như trong vấn đề Biển Đông.
Trong quá trình đó, theo các học giả, ASEAN cần vững mạnh, nắm vai trò chủ đạo trong các vấn đề hợp tác quốc tế và giải quyết xung đột ở khu vực. Quá trình giải quyết tranh chấp Biển Đông phải được gắn với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.
Biển Đông phải được gắn với vấn đề an ninh, hoà bình ổn định và thịnh vượng khu vực với sự phát triển hoà bình của Trung Quốc.
Hơn nữa, theo ông Ian Towsend-Gault, ĐH Bristish Columbia, Canada, “sẽ là sai lầm nếu chỉ có một cơ chế đàm phán. Bên thứ ba có thể cùng ngồi lại cùng hợp tác, tham gia giải quyết với các nước trong khu vực”.
Tạo dựng lòng tin
Điều quan trọng là xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan. Trong đó, theo một học giả, cần tăng tính công khai, minh bạch về chiến lược và chi phí quân sự, nhất là với Trung Quốc, chủ thể đóng vai trò quan trọng trong xung đột Biển Đông.
Việc tăng cường hợp tác cùng khai thác, cộng với trao đổi thông tin, tổ chức hội thảo, thảo luận cũng chính là cách thức để tạo dựng lòng tin giữa các bên.
Trong đó, hợp tác cùng khai thác là cách xây dựng lòng tin cụ thể và hữu hiệu nhất, góp phần xoá bỏ nghi kị, tạo lợi ích kinh tế cho từng bên và đan xen lợi ích giữa các bên,
Ngay cả khi tranh chấp, các bên vẫn có thể hợp tác cùng khai thác. Tuy nhiên, “các bên phải nhất trí được những nguyên tắc cơ bản”, GS Hasjim Djalal từ trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Indonesia nói.
“Các bên cần phải nhất trí về các điểm chính như khu vực địa lý, lĩnh vực hợp tác, chủ thể hợp tác và cơ chế hợp tác. Đây là điểm mấu chốt và cũng là khó khăn nhất, đòi hỏi ý chí chính trị của các bên liên quan, nhất là ý chí chính trị của phía Trung Quốc cũng như ý nghĩa hành vi ứng xử của nước này", ông Djalal nhấn mạnh.
Theo ông Djalal, Trung Quốc nên đóng vai trò chủ đạo trong khai thác chung. Cần có động thái tích cực cũng như biện pháp khuyến khích để các nước tham gia vào.
“10 - 15 năm trước, khó ai dự đoán các nước trong khu vực có thể cùng ngồi lại để thảo luận về vấn đề Biển Đông. Thế nhưng, bây giờ, việc thảo luận đã và đang diễn ra. Chỉ trong vài năm, các nước đã tạo dựng được cơ chế hợp tác. Bây giờ, để đẩy nhanh hơn, mạnh hơn, các nước cần ngồi lại với nhau, gạt sang một bên những thành kiến, định kiến để thảo luận”, ông Ian nói.
Trước mắt, quá trình xây dựng Bộ Quy tắc ửng xử cho Biển Đông cần được tiếp tục và Diễn đàn an ninh khu vực với các bước xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột cần được áp dụng tại Biển Đông, các học giả tư vấn.
Định hình khuôn khổ hợp tác
Trưa ngày 27.11, Hội thảo quốc tế “Biển Đông: Tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” đã kết thúc sau một ngày rưỡi làm việc với 25 tham luận trong 4 phiên thảo luận.
Phát biểu bế mạc, Giám đốc Học viện Ngoại giao Dương Văn Quảng nhấn mạnh, sự tham gia của các học giả hàng đầu khu vực và thế giới tại hội thảo đã giúp các bên nhận thức rõ hơn về vai trò của Biển Đông, cảnh báo về những diễn biến gần đây liên quan đến xung đột, thông tin thêm về các hành vi cũng như mô hình hợp tác... có giá trị tham khảo tốt cho các nhà hoạch định chính sách cũng như công luận.
Hội thảo cũng tạo tiền đề để xây dựng lòng tin, xoá bỏ nghi kị, hiểu lầm giữa các bên có tranh chấp, chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác để duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông.
Hơn nữa, hội thảo đã giúp định hình khuôn khổ hợp tác hợp lý cho giới học giả và các nhà làm chính sách có thể ngồi lại, thảo luận, trao đổi thẳng thắn, trình bày kết quả khoa học cũng như gợi ý giải pháp cho những vấn đề phức tạp như Biển Đông.
"Những gợi ý, phân tích, kiến nghị tại hội thảo cần được giới xây dựng chính sách tiếp tục nghiên cứu sâu thêm", Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh nhắc.
Các học giả đều tin tưởng, hội thảo lần này sẽ là sự khởi đầu cho những hợp tác tiếp theo, nhất là trong khuôn khổ đối thoại phi chính thức.
(Theo Vietnamnet)