BAOTAYNINH.VN trên Google News

Có thể thông qua Luật Nuôi con nuôi tại Kỳ họp lần này

Cập nhật ngày: 03/11/2009 - 05:56

Chiều 3.11, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật Nuôi con nuôi. Trong buổi thảo luận này, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh của luật; thẩm quyền quyết định việc nuôi con nuôi và chấm dứt nuôi con nuôi; phí và lệ phí nuôi con nuôi; điều kiện để trẻ em được nhận làm con nuôi; việc xác lập quyền và nghĩa vụ giữa con nuôi và các thành viên khác trong gia đình; các căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi; vấn đề nuôi con nuôi ở khu vực biên giới; quyết định chuyển tiếp về nuôi con nuôi thực tế.

Việc ban hành Luật Nuôi con nuôi nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật về nuôi con nuôi trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, thống nhất các vấn đề liên quan đến nuôi con nuôi hiện được quy định tản mát trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

Việc ban hành một đạo luật riêng về nuôi con nuôi cũng nhằm tạo khung pháp lý thống nhất, ổn định, có giá trị áp dụng lâu dài để thu hút sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em. Nâng cao trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức và xã hội trong việc bảo đảm quyền của trẻ…

Các ý kiến thảo luận tại tổ đều thống nhất với đánh giá trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật của Quốc hội rằng, đây là một trong số dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, có đầy đủ các tài liệu cần thiết theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (ngoài Tờ trình, dự thảo Luật còn có bản thuyết minh, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo thẩm định, báo cáo tổng kết, bản đối chiếu so sánh các quy định của pháp luật hiện hành, tài liệu tham khảo nước ngoài...).

 

Các cháu tại trại trẻ mồ côi Lập Thạch, Vĩnh Phúc

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) tán đồng với ý kiến của Uỷ ban pháp luật nên quy định độ tuổi trẻ em được nhận làm con nuôi là người từ 16 tuổi trở xuống chứ không nên quy định theo dự thảo Luật là từ 15 tuổi trở xuống. Theo đại biểu, điều này sẽ phù hợp với quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi). Quy định này cũng nhằm phù hợp với công ước Lahay (xác định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi) mà Việt Nam chuẩn bị ký phê chuẩn.

Ngoài ra, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị bổ sung thêm vào Điều 13 quy định các hành vi bị cấm một khoản là cấm: “Hành vi phân biệt đối xử giữa con nuôi và con đẻ, vấn đề hành hạ, ngược đãi, bạo lực, xao nhãng hoặc bỏ mặc con nuôi hoặc can thiệp tuỳ tiện vào việc riêng của người con nuôi”. Theo đại biểu, điều này nhằm bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em được nhận làm con nuôi.

Về phí, lệ phí quy định tại điều 12 của dự thảo Luật, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) đồng tình với quan điểm của Uỷ ban pháp luật đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ mục đích của việc thu “phí giải quyết việc nuôi con nuôi” và tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thu khoản phí này. Bởi Công ước Lahay năm 1993 và thỏa thuận của Việt Nam trong các Hiệp định hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi đều khẳng định việc nuôi con nuôi chỉ nhằm mục đích nhân đạo và “không có bất kỳ sự trả tiền hay bồi thường nào” cho việc đồng ý nuôi con nuôi.

Đại biểu Ngô Văn Minh cũng đề nghị xem xét lại một số điều trong dự thảo. Ví dụ Điều 5 về Mục đích nuôi con nuôi quy định “Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho trẻ em không có gia đình được thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường gia đình thay thế.”. Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa đúng, bởi trong thực tế không phải chỉ có đối tượng trẻ em không có gia đình mới được nhận làm con nuôi, mà ngay cả trẻ em có gia đình cũng có thể được nhận làm con nuôi. Đại biểu đề nghị nên bỏ 4 từ “không có gia đình” trong điều này.

Một điểm nữa cũng được đại biểu quan tâm là Điều 38 về thành lập Hội đồng tư vấn giới thiệu trẻ em làm con nuôi quy định: Hội đồng tư vấn hoạt động theo Quy chế do Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành. Theo đại biểu không nên quy định như vậy mà Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn nên do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Tư pháp ban hành thống nhất trên cả nước. Từng tỉnh có thể vận dụng thêm một số điểm cho phù hợp với tình hình của địa phương không trái với quy chế chung.

Ngoài các điểm trên, nhiều đại biểu cũng nhất trí quy định thẩm quyền quyết định nuôi con nuôi và chấm dứt nuôi con nuôi. Theo đó, trình tự, thủ tục cho - nhận con nuôi do cơ quan hành chính thực hiện, nhưng Tòa án là cơ quan ra quyết định công nhận. Điều này cũng phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế; theo đó các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân thường được xem xét và quyết định bởi Tòa án, chứ không nên quy định như dự thảo Luật là “cơ quan hành chính thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi, Tòa án quyết định việc chấm dứt nuôi con nuôi”.

Các đại biểu cũng thảo luận về điều kiện để trẻ em được nhận làm con nuôi; việc xác lập quyền và nghĩa vụ giữa con nuôi và các thành viên khác trong gia đình; các căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi; vấn đề nuôi con nuôi ở khu vực biên giới; quyết định chuyển tiếp về nuôi con nuôi thực tế… trong đó đa số ý kiến đều tán thành với những quan điểm của Uỷ ban pháp luật tại báo cáo thẩm tra trình Quốc hội.

Thảo luận về dự thảo Luật này, đa số các đại biểu đều cho rằng, nếu Ban soạn thảo tiếp thu kịp thời các ý kiến của Uỷ ban pháp luật cũng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, thì Luật Nuôi con nuôi có thể trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 này, mà không cần chờ đến Kỳ họp lần sau.

Ngày 4.11, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án; Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Đồng thời nghe báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp về các báo cáo trên. Các đại biểu cũng thảo luận tại Hội trường về các báo cáo này.

(Theo VOV News)