Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải với Hà Tĩnh thuở đầu tái lập
Thứ hai: 23:13 ngày 19/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong căn nhà số 04, ngõ 198, đường Hà Huy Tập, ông Nguyễn Ký (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) vẫn còn lưu nhiều bút tích của cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Lúc còn đương nhiệm, cố Thủ tướng đã có nhiều quyết sách để đưa Hà Tĩnh vượt qua những khó khăn thuở đầu tái lập...

co thu tuong phan van khai voi ha tinh thuo dau tai lap

“Ưu ái” nhiều công trình xây dựng cơ bản

Năm 1991, Hà Tĩnh được tách ra từ Nghệ Tĩnh. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải lúc ấy là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) - người trực tiếp giải quyết những chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Bằng tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đối với Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phan Văn Khải đã trực tiếp chỉ đạo các ngành có những ưu tiên đối với Hà Tĩnh, nhằm giải quyết khó khăn, kịp thời ổn định tình hình sau tái lập.

Ngoài khó khăn về lương thực, tiền lương cho cán bộ…, vấn đề cấp bách nhất đối với người dân Hà Tĩnh lúc bấy giờ là nước sinh hoạt. Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phan Văn Khải đã chỉ đạo Bộ Tài chính cấp kinh phí giúp Hà Tĩnh kịp thời xây dựng hệ thống nước sinh hoạt.

Những khó khăn về điện cũng được giải quyết kịp thời khi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho Hà Tĩnh xây dựng Trạm hạ thế 110 kV Thạch Linh. Từ đây, người dân các vùng Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê… bắt đầu có điện sử dụng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phan Văn Khải cũng là người cho chủ trương về hàng loạt dự án như: Xây dựng bệnh viện, tiền thân của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh ngày nay; xây dựng cầu Đò Hà (Thạch Hà), hệ thống đê sông Rác (Cẩm Xuyên), hệ thống thủy lợi sông Tiêm (Hương Khê), mở rộng khu vực tưới tiêu Bắc Thạch Hà của hồ Kẻ Gỗ; thành lập và xây dựng Trường Năng khiếu tỉnh (Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh); thành lập các trường dạy nghề trên địa bàn…

co thu tuong phan van khai voi ha tinh thuo dau tai lap

co thu tuong phan van khai voi ha tinh thuo dau tai lap

Ông Nguyễn Ký còn lưu nhiều bút tích của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Trong một lần về thăm Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phan Văn Khải lúc ấy nhấn mạnh: “Hà Tĩnh phải làm sao khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương, phải tổ chức cho nhân dân sản xuất để đảm bảo đời sống vững chắc trên mảnh đất của mình”.

Ông hướng dẫn cụ thể về những thế mạnh Hà Tĩnh chưa khai thác được như: Rừng và đất rừng, biển và tài nguyên biển… Từ những chỉ đạo đó, Hà Tĩnh đã thực hiện quy hoạch lại đất rừng và thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân sản xuất, bảo vệ. Cũng từ chuyến thăm này, ông đã chỉ đạo Hà Tĩnh đi học tập các tỉnh để đưa vào sản xuất vụ đông.

“Hà Tĩnh không nên đặt tôi vào tình thế đã rồi!”

Trong ký ức của ông Nguyễn Ký, câu nói: “Hà Tĩnh không nên đặt tôi vào tình thế đã rồi!” của cố Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn còn văng vẳng bên tai như một lời dạy sâu sắc, đúng đắn về công tác quản lý hành chính nhà nước.

Lúc bấy giờ, Hà Tĩnh đề xuất xây dựng 2 công trình vô cùng cấp bách đối với việc phát triển KT-XH của địa phương. Đó là nâng cấp đường Phan Đình Phùng (thị xã Hà Tĩnh) và xây dựng cầu cảng Xuân Hải (Nghi Xuân). Theo quy định, phải có ý kiến của Trung ương thì Hà Tĩnh mới được phép xây dựng.

Tuy nhiên, do yêu cầu cấp bách, tỉnh đã vay vốn các chủ thầu xây dựng triển khai. Sau khi hoàn thành, đích thân ông Nguyễn Ký ra xin Trung ương để thanh toán. Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phan Văn Khải lúc đó đã phê bình và yêu cầu tỉnh phải kiểm điểm nghiêm túc.

Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phan Văn Khải đã vào Hà Tĩnh kiểm tra thực tế. Quá trình kiểm tra, ông nhận thấy tính cấp bách cũng như hiệu quả của công trình sau khi triển khai nên đã đồng ý cho Hà Tĩnh kinh phí để thanh toán.

Mặc dù đã ký quyết định cấp vốn, nhưng ông vẫn nhắc nhở: “Trong công tác quản lý hành chính, chúng ta làm như thế này là vi phạm. Cho nên, Hà Tĩnh không nên đặt tôi trước tình thế đã rồi!”. Có thể thấy, dù điều hành chỉ đạo theo nguyên tắc, nghiêm khắc nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải không hề cứng nhắc, máy móc. Đây chính là nguyên nhân mà nhiều người gọi cố Thủ tướng Phan Văn Khải là vị Thủ tướng kỹ trị.

Không chỉ trong giai đoạn tái lập tỉnh gặp nhiều khó khăn, mà mãi những năm về sau, Hà Tĩnh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Năm 1997, khi ông bắt đầu làm Thủ tướng Chính phủ, Hà Tĩnh tiếp tục được ưu tiên giải quyết nhiều chính sách thông thoáng.

Trong đó, việc Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét giải quyết đặc cách đối với thuế nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, qua đó, giúp địa phương có cơ hội để phát triển KT-XH.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người trực tiếp cấp kinh phí, chỉ đạo Hà Tĩnh đầu tư xây dựng cảng Vũng Áng. Theo đó, năm 2002, cảng Vũng Áng đi vào hoạt động, mở ra cửa ngõ để Hà Tĩnh vươn ra biển lớn.

Đặc biệt, ngày 3/4/2006, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã trực tiếp ký quyết định về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế Vũng Áng. Từ đây, một loạt các chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh phát triển, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về địa phương.

Có thể thấy, dấu ấn của cố Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ hiển hiện trong mỗi công trình mà ông chắp bút ký tên, mà đó còn là tầm nhìn chiến lược để Hà Tĩnh phát triển như hiện nay.

 

Nguồn BHT

data:
  • Kết quả SXMT nhanh nhất
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục