Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay”
Thứ năm: 16:00 ngày 21/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cùng với đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, những bài viết trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đã góp phần tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong việc thực hiện đường lối đổi mới đất nước, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Cách đây 35 năm, Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội mở đầu cho đường lối đổi mới đất nước - đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư của Đảng. Kế tục tư tưởng đổi mới đất nước đã được người tiền nhiệm - Tổng Bí thư Trường Chinh khởi xướng, trên cương vị Tổng Bí thư vào giai đoạn đặc biệt của đất nước, ông Nguyễn Văn Linh đã “bắn súng lệnh” đổi mới bằng “Những việc cần làm ngay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc Báo Nhân Dân .

Sau Đại hội VI của Đảng, tình hình quốc tế và trong nước xuất hiện ngày càng nhiều những nguy cơ, những khó khăn, thách thức. Sau hơn 10 năm giải phóng đất nước, đời sống nhân dân không những không được cải thiện mà ngày càng khó khăn hơn: kinh tế khủng hoảng, lạm phát leo thang chóng mặt, đời sống nhân dân hết sức khó khăn.

Đặc biệt, những biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân, bảo thủ, trì trệ, giáo điều ngày càng “tự tung, tự tác”. Là một trong những nhà lãnh đạo nhạy cảm trước thời cuộc, am hiểu sâu sắc tình hình và đời sống nhân dân, chỉ sau một thời gian rất ngắn trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận thấy tất cả những biểu hiện nêu trên sẽ là rào cản đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là quá trình đổi mới đất nước.

Thư của Đồng chí Nguyễn Văn Linh gửi kèm bài báo đầu tiên

Từ thực tế muôn vàn khó khăn của đất nước, bằng bản lĩnh chính trị của một nhà lãnh đạo dạn dày kinh nghiệm, Nguyễn Văn Linh đã không né tránh, không giấu giếm sự thật cay đắng này. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra những mấu chốt căn bản để tháo gỡ và đặc biệt là nói đúng sự thật để đả phá, lên án những hiện tượng tiêu cực, tìm ra những đòn bẩy thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước.

Ngày 27.4.1987, phát biểu tại Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nói, một trong những nguyên nhân trì trệ các mặt của xã hội, đặc biệt là về kinh tế là do chúng ta đã duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính bao cấp. Đồng chí cũng kêu gọi phải thay đổi tư duy, đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm.

Là người coi trọng thực tiễn, với tư duy nhạy bén, năng động, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận thấy những phát biểu này vẫn chỉ giới hạn trong một phạm vi hẹp, đối tượng hẹp mà chưa có sức lan toả sâu rộng trong xã hội.

Ngược lại, nhiều vấn đề hạn chế lớn của xã hội khi ấy như giáo điều, xơ cứng, bảo thủ, trì trệ; tệ quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, nhũng nhiễu, cửa quyền, tiêu cực ở một số cán bộ lãnh đạo, một số cơ quan công quyền; những hiện tượng tiêu cực như quan liêu, tham nhũng có nguy cơ trở thành quốc nạn… nếu không ngay lập tức chỉ ra một cách công khai và rộng rãi sẽ làm cho lòng tin của nhân dân đối với Đảng suy giảm, trở thành lực cản cho đổi mới đất nước.

Vì vậy, chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đã xuất hiện trang trọng trên Báo Nhân Dân - Cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, diễn đàn tiếng nói của Nhân dân. Một loạt bài báo của chuyên mục này từ số đầu tiên ngày 25.5.1987 đến số cuối cùng 29.9.1990 dưới bút danh N.V.L đã vạch ra những tiêu cực của xã hội và biểu dương, nêu điển hình những nhân tố mới, có tác dụng tích cực trong công cuộc đổi mới, nhưng đặc biệt là các bài chống tiêu cực với mục tiêu “Phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy”.

Bằng lối viết ngắn gọn, súc tích, nhưng đầy tính chiến đấu, những bài báo ký tên N.V.L đã “tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước”.

Liên tiếp hàng loạt bài báo tiếp theo với những nội dung về chống tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, buôn lậu, lãng phí... xuất hiện trên mặt báo đã tạo nên hiệu ứng tích cực trong xã hội, làm cho lòng dân phấn chấn, khơi mào để một xã hội không chỉ còn là sự “im lặng đáng sợ” mà đã chuyển mình trong đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực xã hội; chuyển nhận thức của xã hội từ thói quen đánh bóng, tô hồng sang việc dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật - dù sự thật có thể không “hồng”.

Về chính trị, từ những lập luận lý lẽ vững chắc có cơ sở khoa học và sâu sát với thực tiễn, N.V.L đã nhận thấy rõ những nguyên nhân cơ bản gây cản trở quá trình đổi mới, từ đó ông đã thẳng thắn phê phán lên án một cách rất mạnh mẽ về những nhận thức sai lầm của xã hội, tư duy lãnh đạo còn giáo điều, bảo thủ; công tác quản lý của nhà nước còn lỏng lẻo, chưa sâu sát, chưa phát huy được vai trò định hướng nền kinh tế xã hội; tệ nạn tham ô, nhũng nhiễu, tiêu cực của một số cán bộ lãnh đạo, một số cơ quan công quyền của nhà nước vẫn đang diễn ra hằng ngày.

Những bài báo phê phán hành vi quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, hách dịch, tham nhũng, ức hiếp quần chúng của một số cán bộ có chức, có quyền được thể hiện trong bài viết: Nạn ngăn sông cấm chợ (ngày 11.6.1987), nạn buôn lậu hàng hoá (ngày 19.11.1987), Nhập khẩu tràn lan hàng tiêu dùng xa xỉ làm tăng phí ngoại tệ (ngày 20.9.1989)…

Ngày 21.6.1987, nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tác giả “Những việc cần làm ngay” đã có bài viết trên Báo Nhân Dân, nói về những vấn đề đang đặt ra với báo chí trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, tác giả khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của nhà báo và báo chí trong công cuộc đấu tranh chống tiêu cực.

Bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh trên Báo Nhân Dân đăng ngày 24.5.1987

Về kinh tế, loạt bài viết “Những việc cần làm ngay” là những văn bản được cho là sớm nhất, có nhiều nhận định sâu sắc và xác đáng về những bất cập của nền kinh tế tập trung bao cấp của Việt Nam thời kỳ này. Trong các bài viết, tác giả đã phê phán những hành vi cản trở cho công cuộc phát triển kinh tế như: Thất thoát tài sản và thiếu điện sản xuất (ngày 20.6.1987), Lãng phí tài sản công của nhà nước, bất hợp lý trong phân phối lưu thông, vật tư, nguyên nhiên liệu (ngày 1.6.1987; ngày 2.6.1988; ngày 3.6.1988); Nạn hàng ngoại tràn ngập lấn chiếm hàng nội (ngày 21.3.1989; ngày 20.9.1989; ngày 12.9.1990)... Trong các bài viết của mình, tác giả đưa ra nhiều dẫn chứng rất cụ thể của nền kinh tế Việt Nam để rồi qua đó phân tích, đào sâu khoét rộng vào từng vấn đề bất cập này và chỉ ra được những nguyên nhân gây nên và phương hướng nhiệm vụ cần thực thi để đề phòng và giải quyết những bất cập ấy.

Về công tác xây dựng Đảng, khi bàn về một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất có tính chất sống còn của Đảng, ông đã nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu quyết tâm đổi mới, quyết đấu tranh chống hư hỏng, tiêu cực, cản trở công cuộc đổi mới, góp phần “xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, có năng lực, có trình độ và kinh nghiệm thực tế”.

Cũng trên Báo Nhân dân ngày 9.6.1987, ông đã kêu gọi các đồng chí lãnh đạo ở các cấp cần nêu gương tốt, giữ mình trong sạch, không quan liêu, không bè phái để có đủ uy tín và sự nghiêm minh trong công việc để củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Đặc biệt, bài viết ra ngày 1.10.1987, tác giả N.V.L đã nhắc đến 2 văn kiện của Bộ Chính trị và Ban Bí thư chỉ thị cho các ban, ngành, đoàn thể “cần làm ngay” đó là: Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội” và chỉ thị của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm sử dụng tốt hơn báo chí trong công cuộc chống tiêu cực”…

Về công tác dân vận, phát huy mạnh mẽ tinh thần “lấy dân làm gốc”, tạo nên “sức mạnh vật chất” để thu được thắng lợi trong công tác xây dựng Đảng. Với phương châm “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”, “Những việc cần làm ngay” mang đậm tính nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, dẫn dắt mọi người tham gia cuộc vận động với động cơ đúng, thái độ đúng, cách ứng xử xây dựng và tinh thần kiên trì… như tác giả mong muốn trong bài viết ngày 9.6.1987: “Tiêu chuẩn quan trọng nhất của cán bộ hiện nay là gần dân, nghe dân, lo cho dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”…

Cùng với đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, những bài viết trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đã góp phần tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong việc thực hiện đường lối đổi mới đất nước, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, tạo nên một xã hội cởi mở, dân chủ, công khai, kỷ cương với tiếng nói của nhân dân được trân trọng lắng nghe.

Hồng Phúc

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục