Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhu cầu gửi trẻ của người lao động ở các khu công nghiệp, khu kinh tế rất lớn, trong khi hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo ở khu vực này đang bị quá tải.
Trường mẫu giáo Phước Đông, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu.
Tây Ninh hiện có 5 khu công nghiệp và 2 khu kinh tế với hơn 112.752 lao động đang làm việc. Trong đó, số lao động nữ chiếm hơn 68% và số lao động nữ có con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là hơn 60%. Nhu cầu gửi trẻ của người lao động ở các khu công nghiệp, khu kinh tế rất lớn, trong khi hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo ở khu vực này đang bị quá tải.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Linh Trung III (huyện Trảng Bàng) đang nuôi con nhỏ tỏ vẻ lo lắng, vì sắp tới hết thời gian nghỉ hậu sản 6 tháng rồi mà chị vẫn chưa biết gửi con ở đâu để đi làm trở lại. Cha mẹ ở xa nên không thể phụ một tay chăm cháu. Vì vậy, vợ chồng chị Trang đã nghĩ tới việc một trong hai người phải nghỉ làm để ở nhà chăm con.
Hoàn cảnh tương tự, vợ chồng chị Trần Thị Bích Trâm, công nhân KCN Phước Đông (huyện Gò Dầu) đang phải chật vật tìm nơi gửi cháu nhỏ mới 18 tháng tuổi. Chị Trâm băn khoăn: lúc cháu còn nhỏ thì còn gửi ông bà chăm giúp, nhưng nay bé đã biết đi, biết chạy nhảy, ông bà thì già yếu, lại còn bị đau khớp nên không theo nổi cháu. Vợ chồng chị phải thay phiên xin nghỉ ở nhà để vừa chăm con, vừa chăm ba mẹ. Chị Trâm cũng muốn gửi cháu vào nhóm mầm non tư thục gần công ty mình làm nhưng còn phân vân, lo sợ vì từng nghe báo đài đưa tin về các vụ bạo hành ở các cơ sở nuôi giữ trẻ.
Lo không xuể!
Nỗi lo của chị Trang và chị Trâm cũng chính là nỗi lo chung của số đông công nhân nữ ở các KCN, KKT. Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh Tây Ninh đã thu hút hàng trăm ngàn công nhân lao động từ các nơi đến đây. Kết quả khảo sát của ngành Giáo dục và tổ chức công đoàn các KCN cho thấy nhu cầu gửi trẻ (nhất là trẻ dưới 24 tháng tuổi) ở khu vực này rất lớn.
Với mức lương còn thấp và thường xuyên phải tăng ca, nên đa số công nhân thường chọn các nhóm gửi trẻ tư thục vì chi phí ở đây thấp, thời gian giữ trẻ lại linh hoạt. Nếu không, chỉ còn cách gửi trẻ về gia đình nhờ người thân chăm sóc.
Hiện nay, toàn tỉnh Tây Ninh có 136 trường mầm non và mẫu giáo, trong đó có 122 trường công lập và 14 trường, 96 nhóm lớp tư thục (tập trung nhiều ở các huyện có KCN, KKT). Huyện Trảng Bàng- nơi tập trung nhiều KCN nhất tỉnh, hiện có 11 trường mẫu giáo và 2 trường mầm non (1 trường tư thục).
Tháng 3.2017, UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn, giai đoạn 2017-2020. Hiện tại, các huyện đang triển khai thực hiện đề án xây trường mầm non đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ở vùng nông thôn. Như vậy, nếu đến năm 2020 đề án này hoàn thành như dự kiến thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu gửi trẻ của số công nhân có hộ khẩu tại địa phương mà thôi.
Theo cô Lê Thị Bạch Lê- Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Phước Đông (huyện Gò Dầu), nhà trường nằm trên địa bàn có KCN lớn của tỉnh nên nhu cầu gửi trẻ của công nhân rất lớn. Thế nhưng hiện nay, trong trường chỉ có 9 lớp đang hoạt động với 316 học sinh. Do nhà trường luôn trong tình trạng quá tải nên chỉ ưu tiên nhận số trẻ có hộ khẩu tại địa phương; con em công nhân phải vào các trường, các nhóm trẻ mầm non tư thục. Nhưng thực tế thì các cơ sở này cũng chỉ giải quyết được phần nào nhu cầu gửi con của công nhân mà thôi.
Chị Phạm Thị Huyền Nhung, quản lý Trường mầm non Hạnh Phúc ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng cho biết, toàn bộ trẻ theo học ở trường đều là con em công nhân, từ đầu năm học mới đến nay, rất nhiều phụ huynh tìm đến gửi con nhưng nhà trường không thể nhận thêm do điều kiện cơ sở vật chất của trường còn hạn chế. Để thành lập và duy trì được trường mầm non đòi hỏi rất nhiều điều kiện, trong khi giá thuê mặt bằng hiện khá đắt đỏ, giáo viên cũng thiếu. Mặt khác, công nhân thường hay tăng ca đến tối, trong khi trường cố gắng lắm cũng chỉ có thể giữ trẻ đến 17g30.
Tuy số lượng trường mầm non tư thục ngày càng tăng nhưng trường đủ tiêu chuẩn theo quy định rất ít. Đa số các trường đều không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng chuyên môn. Nhằm tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc, nhiều doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ về chỗ ở hoặc chi phí sinh hoạt, ăn uống... Tuy nhiên, việc xây dựng nhà trẻ, trường học dành cho con em công nhân cho đến nay vẫn còn là vấn đề nan giải, mặc dù hầu hết các KCN, KKT khi triển khai xây dựng đều có chừa quỹ đất dành cho phát triển giáo dục.
Giờ ăn trưa của các bé Trường mẫu giáo Rạng Đông, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng.
Cần sự chung tay của chính quyền và doanh nghiệp
Theo Đề án Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của UBND tỉnh Tây Ninh, trong 2 năm 2017-2018 tỉnh sẽ triển khai xây dựng 6 trường mầm non công lập tại các huyện có KCN, KKT như Trảng Bàng 3 trường, các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Bến Cầu mỗi huyện 1 trường. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có huyện nào triển khai thực hiện.
Ông Huỳnh Thanh Hải- Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Trảng Bàng cho biết, huyện đã tiến hành rà soát về quỹ đất tại 3 KCN trên địa bàn và hiện đang kêu gọi đầu tư nhưng chỉ mới có một chủ đầu tư là Trường trung cấp Tân Bách Khoa đăng ký. Đơn vị này muốn đầu tư xây dựng 1 trường mầm non ngay tại KCN Trảng Bàng. Do còn một số vướng mắc về thủ tục hồ sơ xây dựng nên đến nay công trình vẫn chưa được khởi công.
Ông Đỗ Văn Minh- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Gò Dầu cũng cho biết, Phòng đang triển khai kêu gọi đầu tư xây dựng trường mầm non tại KCN Phước Đông nhưng chưa có kết quả. Hiện tại, xã Phước Đông có 1 trường mẫu giáo công lập, 1 trường mầm non tư thục và 3 nhóm trẻ tư thục nhận nuôi, giữ trẻ cho con em công nhân.
Còn theo ông Phan Thành Nhân- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Dương Minh Châu, hiện tại KCN Chà Là đang rà soát quỹ đất dành cho giáo dục. Công ty TNHH Can Sport Việt Nam (xã Truông Mít) đã gửi kế hoạch, xin phép xây dựng trường mầm non nhưng quỹ đất của công ty không đủ cho xây dựng nên phải tạm hoãn kế hoạch chờ tìm quỹ đất mới.
Thông tin do bà Bùi Thị Mỹ Hạnh- Trưởng Ban Nữ công Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tây Ninh cung cấp: việc triển khai thực hiện đề án trên còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do thiếu quỹ đất và khó kêu gọi sự đầu tư từ phía doanh nghiệp. Và hiện nay, chỉ một số ít doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ chi phí nuôi trẻ. Vì thế, đây vẫn còn là mối bận tâm, lo lắng của công nhân lao động.
LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành nghiên cứu chính sách, đề xuất giải pháp hỗ trợ cho công nhân có con nhỏ. Mặt khác, vận động các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ dành quỹ phúc lợi hỗ trợ việc xây dựng phát triển các nhóm trẻ tư thục nói riêng và trường mầm non nói chung.
Để giải quyết bài toán khó nêu trên, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp trong việc thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các KCN, KKT. Qua đó, giảm bớt nỗi lo âu và cả nhọc nhằn cho người lao động, giúp họ yên tâm làm việc.
Minh Dương - Ngọc Bích