Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Con Ki
Thứ bảy: 14:56 ngày 24/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đêm qua trời nổi trận mưa rào, sấp chớp ùng oàng, con gái út rúc vô nách mẹ, mếu máo:

- Má! Con sợ!

- Không có gì đâu con gái! Là ông trời gầm để đuổi mấy con chuột phá ruộng bắp nhà bà nội thôi!

Lời giải thích chẳng làm con bé sáu tuổi tin tưởng cho lắm. Nó chìm vào giấc ngủ chập chờn, giật mình thon thót. Vậy mà khi thức dậy, vừa bước ra cửa, nó bỗng la lên vui mừng.

- Má! Bạn Ki kìa!

Có một con chó lông xám pha vàng ướt sũng, đang ngồi trước cửa. Nó to hơn con chó Ki nhà tôi bị bệnh chết mấy tháng trước, nhưng có vẻ hiền lành hơn. Thấy con bé út reo lên, nó dợm vẫy đuôi, rùng mình rũ những hạt mưa bám trên lông văng tung toé.

-Ki ơi! Ki à!

Con bé ngồi xuống, giơ hai tay ra. Tôi vừa chải tóc, tính đuổi con chó ra khỏi sân nhà. Chó lạ, lại to như con bê, lỡ nó táp một miếng là mang hoạ. Tôi xua tay, hối:

- Đi về nhà mày đi! Về đi con! Mưa ướt hết bi giờ!

Lạ lùng, nó thấy chồng tôi vừa ngáp vừa vung tay đi ra thì cuống lên, vẫy đuôi mừng rối rít, mạnh dạn chạy tới hít hít đôi dép cũ của ổng. Chồng tôi xoa đầu con chó, ngạc nhiên:

- Hả! Bạn nào đây?

Con Út lanh chanh:

- Bạn Ki nhà mình đó ba!

- Không phải bạn Ki đâu con! Nhưng bạn í đến chơi thì cứ cho vô hè trú mưa đã.

Ông chồng tôi là người cưng chó mèo đến phát bực. Chỉ còn nước ẵm chó mèo lên giường ngủ chung. Ổng mang ra cho con chó một chén cơm nguội, dẫn nó tới gần chỗ cửa bếp.

- Cứ ở đây mà chơi nghen cưng!

Từ lúc đó, con chó được gọi là Ki, được tự do trú ngụ trong khuôn viên nhà tôi. Nó quanh quẩn chạy ra chạy vô mấy ngày liền, nhưng không bỏ đi. Chồng tôi muốn cột nó lại, nhưng tôi không cho. Chó nhà người ta sao cột lại, hàng xóm đi kiếm lỡ thấy nói mình trộm chó thì sao?

Nhà tôi mỗi người một việc khác nhau. Chồng tôi làm tự do, quanh năm rong ruổi trong thôn, ngoài xã với chiếc máy cày. Tôi là giáo viên dạy văn lớp chín. Hai đứa con một trai, một gái đang đi học. Thằng anh mới mười ba tuổi mà bự như con voi cao hơn cả ba, cứ sểnh ra là cắm đầu vô máy tính chơi game. Con út mới nứt mắt mà đã ưa se sua ăn diện. Đến ăn uống trong nhà cũng khác nhau. Chồng tôi không thích nhậu nhưng thích lỗ tai heo trộn gỏi. Thằng Hai chỉ thích thịt kho tàu, không bao giờ ăn rau. Con út thích canh chua cá diêu hồng. Còn tôi thích nghi với tất cả, vì mỗi bữa phải tự tay nấu mấy món đó. Nói vậy để biết, nội tình nhà tôi khá “phức tạp”, duy chỉ một việc rất đồng thuận, là yêu chó mèo. Con vật nào ở với nhà tôi, coi như đội chữ thọ trên đầu. Một tháng qua, kể từ khi con Ki tìm đến, mọi sự trong nhà hình như hanh thông, may mắn hơn. Tỉ như hai đứa con không giành nhau chiếc ti vi. Tôi có lỡ quên quét nhà, thu đồ phơi sau nhà, lão chồng không thấy cằn nhằn khó chịu mà tự đi làm mấy việc đó. Con Ki ăn khá nhiều, nên mỗi khi nấu cơm, tôi phải đổ thêm nửa lon gạo, đi chợ phải mua thêm mớ cá vụn, xương xẩu. Mỗi ngày chỉ một chút thôi, rất khó phát hiện ra, nhưng với linh tính của một bà nội trợ, tôi thấy tiền ăn hằng tháng đang tăng dần. Nhất là chồng tôi nổi máu cưng chó, toàn nhường đồ ăn ngon cho con Ki. Nhìn những cục xương sườn cạp qua loa, cục thịt heo kho tàu ăn dở, cố ý chừa lại cho con chó, tôi xót ruột.

- Nuôi con Ki cũng tiện, vì chó tới nhà là hên lắm. Nhưng má đề nghị mấy ba con ăn uống hết sức tiết kiệm. Đã có nồi thức ăn cho chó dưới bếp rồi.

Ba con nhà này cũng ngại tôi, nên mỗi lần chừa thức ăn cho chó cũng dè dặt. Hình như có một sự thoả thuận ngầm giữa ba con nhà họ. Tôi thường ăn xong trước, rồi tranh thủ dọn dẹp trong bếp. Một lần bất chợt quay vào phòng ăn, tôi nghe con út đành hanh:

- Anh Hai kỳ quá! Đã nói mỗi người góp một cục xương mà sao anh Hai ăn hết trơn?

Thằng anh ngần ngừ nhìn cục sườn ram đang cạp dở, vẻ tiếc nuối  thả vô cái tô dưới gầm bàn. Hôm sau tôi cho cả nhà ăn chay một bữa. Trên bàn toàn rau, đậu phụ chiên, mắm thái. Thằng Hai ngắc ngứ không nuốt nổi, xin má chiên hai cái trứng vịt. Bữa đó, rồi bữa sau, không có chút đồ ăn nào được giấu giếm dành cho con Ki, chỉ có nồi đầu cá tôi để sẵn dưới bếp. Chồng tôi cự nự:

- Người ăn rau đậu còn được. Chó bắt ăn đầu cá hoài sợ nó đau bụng!

Bữa sáng nay nấu ăn tại nhà, món bún giò heo mấy ba con đều thích. Ba người ăn mà mắt cứ lấm lét nhìn tôi. Chắc lại muốn biển thủ mấy cục xương cho con chó chứ gì? Tôi giả bộ vô nhà vệ sinh, khi bước ra đã thấy mấy cục giò heo trong tô bún của chồng và con Út biến đi đằng nào, thằng Hai vẫn ráng sức cạp cái móng giò.

Vụ lùm xùm chuyện nuôi chó chưa dứt thì biến cố lớn xảy ra với con Ki. Buổi trưa, tôi đứng chải tóc trước thềm, con Ki lúc thúc chạy ra, dạng hai chân sau tè lên bãi cỏ ven đường. Đơn vị bộ đội trước nhà vừa đi thao trường về tới cổng doanh trại, tiếng mấy chú lính trẻ la lên:

- Kìa, con Tô! Ê Tô ơi!

Con Ki chững lại nhìn toán bộ đội, dè dặt vẫy đuôi. Một loáng sau đó, mấy chú lính đã vây xung quanh nó, tròng dây buộc cổ lôi vô doanh trại. Con Ki cố ghìm bốn chân, trì lại không chịu đi, nhưng sau khi bị mấy cái đá vô đít thì đành thúc thủ, cúp đuôi theo toán bộ đội về nhà cũ. Tôi đứng chết trân nhìn con chó, trong lòng ngổn ngang thương xót. Vậy là con chó của đơn vị bộ đội, xổng xích trốn đi chơi, gặp đêm mưa gió sấm sét thì chui đại vô nhà tôi. Có lẽ đang ở môi trường tập thể, không được chăm sóc thường xuyên, nên khi gặp sự cưng chiều thái quá của chồng tôi và tụi nhỏ nên nó thích quá mà ở lại chăng. Bữa cơm chiều nhà tôi, chẳng ai buồn động đũa ngoài thằng Hai. Thằng cu này trời sập nó cũng không bỏ ăn, có chăng vừa ăn vừa chảy nước mắt vì thương con Ki. Chồng tôi đi ra đi vô, mắt ngóng sang bên kia đường, nơi doanh trại bộ đội. Con Út thì ỉ ôi khóc đòi ba đi tìm con Ki về. Đêm ấy mới thực sự là thảm hoạ, khi màn đêm buông trùm xuống những tiếng thở dài buồn bã từ hai phòng ngủ. Đêm thanh vắng, từ nhà tôi có thể nghe rất rõ tiếng sủa của con Ki. Chắc nó bị cột lại, đang buồn bã ngửa cổ lên sủa từng tiếng, như kêu cứu. Chồng tôi giữa khuya ra nằm võng ngoài hiên, hút thuốc, ho khúc khắc. Thằng Hai trằn trọc lăn qua lăn lại, ngủ được một lát lại làu bàu:

- Phải con Ki nó kêu hông ba?

- Ngủ đi! Hông phải nó đâu!

- Ngủ gì được mà ngủ...

Chồng tôi lò dò vô phòng tôi, ngồi xuống mép giường.

- Anh nói nghe nè!

Tôi đẩy con Út sát vô tường, lùi lại chừa chỗ cho ổng.

-Vụ gì nữa đây?

- Anh tính ngày mai qua đơn vị bộ đội, năn nỉ họ bán lại cho con Ki!

Tôi chép miệng, thở dài. Ông chồng tôi đôi lúc có những ý tưởng hông giống ai. Nếu đã là chó của bộ đội, dễ gì họ bán. Lạng quạng tới hỏi, lại lòi ra cái lỗi “chứa chấp tài sản của người khác”, mang tiếng gia đình giáo viên mà gian dối, chứ ai hiểu là con chó tự chạy tới xin trú ngụ đâu. Buổi lên lớp hôm ấy, giáo án của tôi rơi đúng vào bài giảng về truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao. Tôi phân tích tới hoàn cảnh xã hội, nguyên nhân đưa tới sự nghèo khổ, cô đơn của lão Hạc và tình cảm gắn bó của lão với cậu Vàng, một con chó trung thành, có nghĩa. Rồi tự nhiên chợt nhớ tới con Ki, cố lý giải việc nó trốn chủ tới nhà tôi ở. Tôi theo đạo Phật, nên tin trong mỗi con vật đều có linh hồn. Phải vì vậy mà con Ki linh cảm được gia đình tôi là nơi luôn sẵn sàng tình yêu thương nó? Dân gian thường nói chó tới nhà thì gia chủ gặp nhiều may mắn. Vợ chồng tôi đã từng vui mừng vì có một con chó khá dễ thương vô ở nhà mình. Giờ thì nỗi lo lắng lại lục đục kéo tới. Con chó bị bắt trở lại với chủ cũ không biết có ảnh hưởng gì tới sự an nhiên của chúng tôi. Ở nhà, chồng tôi lén qua đơn vị bộ đội thực hiện ý nguyện có được con chó. Chú lính trẻ gác ngoài cổng đơn vị ngạc nhiên.

- Anh lái máy cày, nhà ở bên kia đường phải hông?

- Đúng rồi chú! Tôi muốn qua nói chuyện với chỉ huy, xin mua lại con chó Ki!

- Dạ đơn vị hông bán chó đâu anh! Tui em còn đang muốn nuôi thêm! Anh muốn nói tới con Tô phải hông? Chó của đại đội trưởng tụi em đó. Tội nghiệp! Nó đi lạc đâu cả tháng mới về.

Khỏi nói tới nỗi thất vọng của chồng tôi. Ổng bỏ buổi cày đất đậu, nằm chèo queo trên võng hút thuốc lá. Tôi không nhớ chuyện con chó lạc tới nhà rồi bị chủ cũ bắt lại nữa. Những ngày bận rộn với việc kèm cặp cho thằng Hai chuẩn bị thi vô lớp mười, việc lo chữa trị cho con Út bị bệnh dị ứng sao đó mà lở ngứa khắp người. Cuối tuần, mấy ba con họ kêu thèm ăn bánh  thuẫn và tôi hứa chủ nhật tới sẽ làm bánh. Thứ bánh này tôi cũng thích ăn từ hồi nhỏ. Hồi là sinh viên đại học sự phạm, về nhà nhỏ bạn ở thành phố, nhỏ cũng mời tôi ăn mấy lần, nhưng thấy ở đó người ta kêu là bánh trứng. Ừa thì bánh nào cũng là bánh, vẫn là bột tinh trộn trứng gà với đường, trộn đều lên bỏ vô khuôn nướng. Tôi ra khuôn tới đâu, cha con nhà họ chén tới đó, vừa ăn vừa kêu nóng. Thằng Hai kịp ăn tới chiếc bánh thứ hai mươi, kêu no quá rồi, nghỉ chút ăn tiếp. Con Út cầm chiếc bánh đưa lên miệng mà không kịp ăn, la lên á á, vừa khi một bóng màu vàng sẫm lao sầm sập vô nhà. Mọi người lặng đi vì bất ngờ, chồng tôi bị bóng vàng sẫm kia đè ngửa ra. Đó là con Ki. Nó cuống cuồng vẫy đuôi, lao tới mừng từng người trong nhà, riêng chồng tôi thì bị liếm lia lịa lên mặt.

Chúng tôi không xích con Ki vì biết đó là chó của bộ đội, nhưng cũng không đuổi nó đi. Hằng bữa, mấy ba con nhà kia lại lén lút giấu bớt phần ăn dành cho chó. Cũng không thấy có ai tới tìm bắt con chó về. Tôi phát hiện con Ki đang có bầu, nó chọn một chỗ nằm khuất sau chuồng gà, nơi chồng tôi để mấy cái bao phân rách. Chừng một tháng sau thì nó đẻ. Năm con cún mũm mĩm dễ thương nằm xếp lớp rúc vú mẹ.

Người sĩ quan Biên phòng cao lớn, có khuôn mặt sạm đen và nụ cười trắng loá.

- Chào chị! Tôi xin lỗi vì tới thăm gia đình hơi đột ngột!

Chồng tôi đi cày đất, thằng Hai đi học thêm, chỉ có tôi và con Út ở nhà. Thấy tiếng người lạ, con Ki lúc lắc hai bầu sữa chạy ra, vẫy đuôi mừng tíu tít, đàn con cắn đuôi mẹ chạy theo. Linh tính cho tôi biết đây là chủ nhân của con chó. Tôi mời anh ta vô nhà.

- Mời anh uống nước! Có lẽ anh là người có con chó đi lạc?

- Vâng! Tôi xin con Tô từ Phú Quốc, trong đợt công tác năm ngoái. Vừa hồi nào nhỏ xíu, nay đã thành mẹ rồi.

Tôi thanh minh với người sĩ quan rằng gia đình không có ý định bắt trộm chó. Con Ki hay con Tô như anh nói tự đến nhà tôi ở hai lần rồi. Nụ cười chất phác của khách làm tôi tạm yên lòng:

- Giống chó này khôn lắm cô giáo ạ! Nó trung thành với chủ theo cách của nó, chứ không mù quáng đâu!

Khách lại cất tiếng cười vang vì kiểu ví von nhân cách hoá của mình. Anh nói rằng, con chó biết lựa chọn khi trong bụng đang có đàn con. Ở nơi tập thể, đói khát thì không sợ, mà sợ bị bỏ quên.

- Mấy lần đi công tác đột xuất, tôi đành bỏ nó lại đơn vị. Xem ra nó biết tìm về nơi bình yên cô giáo ạ! Ở với chúng tôi, nay đây mai đó, cực lắm.

Tôi cười gượng, sốt ruột chờ khách mở lời xin đón đàn chó về đơn vị.

- Tôi sắp đi công tác biên giới xa, chắc còn lâu mới về đơn vị cũ. Xin giao lại con chó cho gia đình. Hôm nào chuyển công tác, anh chị cho tôi mang theo một con chó con nhen?

Con chó hình như hiểu được cuộc trò chuyện, đang nằm trước sân, nó dẫn đàn con chạy tuốt vô sau bếp. Tiễn khách xong, tôi đứng ngồi không yên, chờ chồng con về để khoe một niềm vui. Con chó Ki đã thực sự thuộc về chúng tôi.

P.P.Q

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục