Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Còn mãi là điểm tựa của cha
Thứ bảy: 15:13 ngày 30/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tác giả Phạm Trung Tuyến (bút danh Lão Phạm), sinh năm 1973, hiện là Phó Giám đốc kênh VOV giao thông quốc gia của Ðài Tiếng nói Việt Nam.

Phạm Trung Tuyến.

Bài thơ “Áp má tay con” đăng trên Báo Tổ Quốc điện tử là một trong những bài thơ hay của Phạm Trung Tuyến, mặc dù anh ít làm thơ.

Bài thơ đã gieo vào lòng người đọc những xúc cảm trong sáng về tình cha con qua những tâm sự, trăn trở của người cha lúc trở về bên sự hồn nhiên trong sáng của con. Ðó là nỗi lòng: “Ði chưa hết nỗi buồn cha gặp lại mùa thu/ Vết thương cũ quặn đau từng vệt gió/ Lũ trẻ hồn nhiên say giấc ngủ/ Cha trở về, áp má lạnh tay thơ” .

Nỗi buồn luôn thường trực trong số phận của con người, có thể là nỗi buồn không may trong cuộc sống, sự thất bại trên bước đường công danh hay nỗi buồn lo cơm, áo, gạo tiền...

Làm sao ta có thể “đi hết”, bởi vết thương cũ, vết thương của chiến tranh, mất mát, đau thương, mà người cha gặp phải khi “gặp lại mùa thu”, tức gặp lại ký ức của mình, của đời thường người lính, khi bên mình là thực tế “lũ trẻ hồn nhiên say ngủ”, và người cha trở về “áp má lạnh tay thơ”.

Một cụm từ diễn tả hình ảnh sinh động ám ảnh và cũng đa nghĩa, khi má người cha “lạnh”, áp vào đôi bàn tay thơ dại, bé bỏng của con, để mà chia sẻ, tìm chút hơi ấm bên giấc ngủ thiên thần của con.

Khổ thơ thứ hai, Phạm Trung Tuyến viết: “Tuổi thơ con giữ nổi đến bao giờ/ Khi nỗi buồn của cha ngấm qua từng hơi thở/ Qua những nụ hôn thầm thì ủ rũ/ Qua những lời tạ lỗi giấc mơ con” có chút gì đó hoài nghi khi nhà thơ viết “Tuổi thơ con giữ nổi đến bao giờ”.

Một câu hỏi đầy suy tư. Bởi tuổi thơ rồi cũng sẽ đi qua theo năm tháng và tuổi tác. Song cái lo của người cha là “nỗi buồn ngấm qua hơi thở, qua nụ hôn, qua lời tạ lỗi” bởi sự dằn vặt, không mang đến niềm vui cho con.

Người cha còn canh cánh bao chuyện đời thường: “Những khi buồn, cha bỏ phố trèo non/ Bỏ phù hoa, bỏ mất, bỏ còn/ Bỏ nốt niềm yêu không tiếng vọng/ Bỏ mình nơi vết lãng quên”.

Bốn câu thơ với sáu từ “bỏ” mà nguyên nhân là nỗi buồn hay vì sự mất mát mà cam chịu, muốn xa lánh mọi thứ để tìm về với chốn thanh tịnh, không “phù hoa, mất, còn” và cả “niềm yêu” thành “vết lãng quên”. Có vẽ như sự thất vọng, muốn rũ bỏ.

Nỗi niềm tâm sự u ẩn song chưa tới mức độ tiêu cực vì bởi: “Những nỗi buồn không thể gọi thành tên/ Bởi thiếu cả một cái tên để gọi/ Ðêm nay lòng cha mỏi/ Trở về áp má tay con”.

Câu thơ với sự phát hiện tinh tế, thú vị “Nỗi buồn không thể gọi thành tên” và “Thiếu cả một cái tên để gọi”, vì rằng trong cuộc sống chưa có ai gọi được tên nỗi buồn bao giờ? Song dù thế nào, dù “Ðêm nay lòng cha mỏi” nhưng hạnh phúc và ấm êm làm sao khi được “Trở về áp má tay con”, bàn tay thiên thần, bàn tay trẻ thơ sẽ xua tan mọi chán chường mệt mỏi, đem lại hơi ấm cho lòng cha mỗi khi buồn đau, mất mát...

Tình cha con là niềm động viên an ủi lớn nhất trong đời. Chỉ cần ôm con vào lòng, hôn lên má con, áp tay con... thì bất cứ người cha nào cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng thanh thản và hạnh phúc dâng lên. Bài thơ đã chia sẻ được sự xúc cảm về tấm lòng người cha trong cuộc sống vốn khắc nghiệt và bộn bề hôm nay.

CHÍNH VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục