Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1.3.1923-1.3.2023)
Con người huyền thoại của đường Hồ Chí Minh huyền thoại
Thứ sáu: 19:29 ngày 24/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhắc đến đường Trường Sơn, huyết mạch của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chính là “linh hồn”, là trái tim của huyết mạch ấy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Người con vùng quê cách mạng

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ngày 1.3.1923, là người con của quê hương Quảng Bình, sinh ra ở làng Trung Thôn, xã Quảng Trung nằm bên bờ sông Gianh. Ông là người con trai thứ 5 trong một gia đình có 9 người con, trong đó cả 5 người con trai đều tham gia cách mạng. Sinh ra ở vùng đất cách mạng, nên ông tham gia cách mạng từ thời niên thiếu và giữ nhiều trọng trách cho đến sau này.

Sau ngày thống nhất đất nước, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12.1976), ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng.

Từ năm 1977 đến tháng 2.1982, ông được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, chiến tranh biên giới phía bắc, ông được điều trở lại quân đội làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô.

Tháng 8.1979, ông được điều động trở lại công tác tại Bộ Xây dựng, giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3.1982), ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Linh hồn của con đường huyền thoại

Đầu năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn. Khi được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tình hình cách mạng miền Nam có những chuyển biến quan trọng, đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn và cấp bách cho chiến trường.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ông đề xuất giải tán các tuyến, thành lập các binh trạm nhằm tăng cường sự chỉ huy trực tiếp của bộ tư lệnh, đồng thời đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới. Nhờ giải pháp đó, đến hết năm 1968, Đoàn 559 đã vận chuyển 42.910 tấn hàng, gấp 14,7 lần giai đoạn I (1959 - 1965), bảo đảm hành quân cho 70.456 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường.

Trong giai đoạn 1969 - 1972, để kịp thời đối phó với âm mưu, thủ đoạn đánh phá điên cuồng của Mỹ, Đoàn 559 đã xây dựng 5 trục vượt cửa khẩu và 3 hệ thống trục dọc.

Đầu năm 1971, đế quốc Mỹ và tay sai sau khi thất bại ở nhiều nơi trên chiến trường miền Nam, chúng tìm cách đánh trực tiếp vào các đoàn xe vận tải của ta. Từ chỗ dùng máy bay phản lực oanh tạc bắn phá với thời gian không dài, xác suất thấp, chúng chuyển sang dùng máy bay AC-130 có tốc độ bay chậm, thời gian ở trên không lâu, với những trang thiết bị trinh sát mới có khả năng phát hiện mục tiêu nhanh về ban đêm, tạo thành các pháo đài hiện đại đi động trên bầu trời, đánh trực tiếp vào xe vận tải, khiến ta không sử dụng được đội hình xe vận tải lớn, tốc độ vận chuyển chậm và gây thiệt hại khá nghiêm trọng về người, xe của ta.

Trước thủ đoạn đánh phá ngăn chặn mới của địch và yêu cầu chi viện cho chiến trường lớn hơn, nhanh hơn, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã thực hiện hàng loạt các biện pháp chống ngăn chặn bằng sức mạnh của một binh chủng hợp thành, như: Tập trung cao xạ, tên lửa đánh mạnh máy bay; mở thêm các đường nhánh để phân tán đội hình xe; tổ chức nghi binh thu hút địch vào một số tuyến… Các giải pháp đó đều có tác dụng tốt nhưng hiệu suất vận tải vẫn chưa cao và phải trả giá quá đắt.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại đường Trường Sơn.

Mạng đường “kín” Tây Trường Sơn là một công trình sáng tạo độc đáo, một công trình huyền thoại có ý nghĩa về chiến lược trong tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một quyết định táo bạo, quyết đoán và sáng tạo độc đáo của Bộ tư lệnh Trường Sơn mà đứng đầu là đồng chí Tư lệnh để chống chiến tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa sự đánh phá của địch.

Đường Trường Sơn chính là huyết mạch của chiến thắng mùa xuân năm 1975, là công trình giao thông thế kỷ mà chỉ có những khối óc, niềm tin, tình yêu Tổ quốc bao la mới có thể làm nên nó. Đường Trường Sơn là công trình thế kỷ thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chính là linh hồn của con đường ấy.

Chiến công của Bộ đội Trường Sơn là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn từ đầu năm 1967 đến 30.4.1975, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, hoàn thành xuất sắc 5 nhiệm vụ chiến lược do Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao, có ý nghĩa chiến lược rút ngắn thời gian giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…

Ký ức đẹp qua lời kể của những người từng gặp Trung tướng

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng chia sẻ: “Bộ Tư lệnh Trường Sơn hình thành từ tháng 5.1959 cho đến hết chiến tranh. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên có một tình cảm đặc biệt với tất cả mọi người, trải qua nhiều đời Tư lệnh tuy nhiên Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để lại dấu ấn nhất và nhiều bước ngoặt mang tính lịch sử.

Khi tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào binh đoàn 559 thì 10 ngày đầu tư lệnh đi thị sát các điểm bị đánh phá ác liệt và sau đó rút ra kết luận "Chúng ta không thể chui mãi trong rừng thế này được, tất cả phải ra bám đường. Cả cao xạ, cả công binh, vận tải, quân y... tất cả phải bám đường và tập trung cho vận chuyển".

Đây là bước ngoặt về tư tưởng và hành động mở ra một luồng sinh khí mới mẻ cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn. Những nơi ác liệt nhất tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đều có mặt và đi đến đâu thì giải quyết được việc ở đó, đó là một dấu ấn về tư tưởng tiến công, tác chiến hợp đồng binh chủng về chiến lược. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên từng nói: "Lính Trường Sơn không có quyền nói không thể làm được, mà chỉ có nói làm thế nào để làm được". Đây là câu nói mà tất cả cán bộ chiến sĩ Trường Sơn đều thuộc nằm lòng”.

Trung tướng Nguyễn Hữu Cường- nguyên Tư lệnh Quân khu 4 là cháu của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhớ rất rõ từng lời căn dặn của chú Đồng Sỹ Nguyên đối với mình: “Làm cán bộ lãnh đạo của Quân khu phải tự đi bằng đôi chân của mình, cháu không được dựa dẫm vào chú mà phải tự mình phấn đấu và rèn luyện. Phải đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu 4, đối xử đúng mực với cán bộ, chiến sĩ và luôn đi cơ sở, sâu sát nhân dân, từ các phong trào thực tiễn để đúc rút, đề ra các chủ trương lãnh đạo sát đúng”.

Chú Đồng Sỹ Nguyên là người rất gần gũi, cứ mỗi lần chú cháu gặp nhau thì rất chân tình, luôn có những cử chỉ ân cần và luôn động viên con cháu.

Năm 1973, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ còn chưa kết thúc thì Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã nung nấu ý tưởng tìm kiếm và quy tập hài cốt các cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống về một nghĩa trang. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị cho các lực lượng tìm kiếm, cất bốc và quy tập các hài cốt liệt sĩ. Nếu không có sự chủ động như vậy, sau khi giải phóng các lực lượng rút dần thì với hơn 20.000 liệt sĩ hy sinh nằm rải rác trên núi rừng Trường Sơn sẽ gặp biết bao khó khăn và không thể có hơn 10.000 hài cốt liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Đây là một việc làm trọn nghĩa trọn tình với bộ đội Trường Sơn, là sự tri ân sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ và cả đường Hồ Chí Minh hôm nay, nối từ Pác Bó (Cao Bằng) cho đến Cà Mau- biên giới phía Nam của Tổ quốc là minh chứng sống cho sự tài ba của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Nguyễn Thế -Thành Long

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục