Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi:
Còn nhiều băn khoăn
Thứ ba: 23:47 ngày 15/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Văn bản pháp lý chỉ đứng sau Hiếp pháp này tác động trực tiếp đến từng người lao động cũng như điều chỉnh các chính sách khác. Chính vì vậy, nhiều ý kiến của chính người trong cuộc tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với bộ luật này.

Công nhân nữ làm việc tại một công ty. Ảnh: Châu Pha

Vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức lấy ý kiến của giới công nhân, đại diện Công đoàn cấp cơ sở về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua ngay trong kỳ họp cuối năm nay. Văn bản pháp lý chỉ đứng sau Hiếp pháp này tác động trực tiếp đến từng người lao động cũng như điều chỉnh các chính sách khác. Chính vì vậy, nhiều ý kiến của chính người trong cuộc tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với bộ luật này.

Tăng 400 giờ làm thêm sẽ vắt kiệt sức người lao động

Một quy định dù đã được bàn luận nhiều, nhưng vẫn chưa “giảm nhiệt”, đó là tuổi nghỉ hưu. Bà Nguyễn Thị Kim Liên- Uỷ viên Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Tây Ninh bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động. Bà Kim Liên nhìn nhận, tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và các cơ quan chức năng đã có phương án cho quyết định này. Bà phân tích, những vị trí lao động cần nhiều chất xám thì về hưu ở tuổi 55 đối với nữ và 60 đối với nam như hiện nay là có phần lãng phí.

“Vừa rồi có ý kiến nói bác sĩ nữ làm việc đến 60 tuổi sợ không bảo đảm sức khoẻ nhưng theo tôi được biết, có nhiều bác sĩ sau khi về hưu vẫn tiếp tục làm việc cho các doanh nghiệp. Họ đi làm nhiều lắm chứ không chỉ một, hai người đâu”- bà Kim Liên cho biết. Riêng những người lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại thì đã có danh mục để người lao động nghỉ sớm hơn, ví dụ các ngành may mặc, chế biến sản phẩm từ mủ cao su thì cần quy định rõ tuổi nghỉ hưu.

Đối với quy định về thoả thuận tiền lương, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi nêu 5 yếu tố làm căn cứ trả lương, gồm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa lương tối thiểu và mức lương phổ biến của người lao động trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Theo phân tích của bà Kim Liên- người có 15 năm làm công tác Công đoàn, nếu không bỏ yếu tố thứ năm về “khả năng chi trả của doanh nghiệp” thì không ổn. Vì không ai có thể biết chính xác “khả năng của doanh nghiệp”. “Nếu giữ quy định như trong dự thảo thì rõ ràng là luật có sơ hở, vì doanh nghiệp sẽ trả lời rằng, khả năng của doanh nghiệp tới đâu thì trả lương tới đó, muốn trả cao hơn cũng không được. Nhưng làm sao có thể biết cụ thể doanh nghiệp có thể trả lương cho người lao động ở mức nào”- bà Kim Liên nêu ý kiến.

Về chủ trương tăng thêm giờ làm thêm từ 200 giờ hiện nay lên 300 hoặc 400 giờ, hiện đang có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Nhóm thứ nhất bày tỏ, nên giữ nguyên quy định như hiện hành để bảo đảm sức khoẻ cho người lao động. Lý do cho rằng, làm thêm là nguyên nhân chính dẫn đến sức khoẻ bị suy giảm. Nhóm ý kiến thứ hai nhìn nhận: tăng giờ làm thêm sẽ góp phần tăng thu nhập.

“Quan sát đời sống của người công nhân, tôi biết rằng, chỉ những người công nhân có thu nhập thấp mới có nguyện vọng làm tăng ca. Nhiều công nhân nhắn tin cho tôi, họ nói thời gian tăng ca nhiều, không có thời gian chăm sóc con cái, gia đình. Mỗi khi có phản ánh tăng ca nhiều quá, cán bộ công đoàn lại phải can thiệp với công ty”- bà Kim Liên thông tin.

Vẫn theo phân tích của bà Kim Liên, phía doanh nghiệp thường nại lý do tăng ca để kịp đơn hàng đã ký hợp đồng, “điều đó không sai nhưng lẽ ra doanh nghiệp cần có kế hoạch về sản xuất, kinh doanh”. “Có những trường hợp phụ nữ làm ca đêm đi về đường xa vắng vẻ, không thật an toàn. Trong thực tế đã xảy ra những vụ công nhân đi làm về khuya bị tai nạn”- bà cho hay.

Từ những thực tế đó, không nên tăng số giờ làm thêm lên đến 400 giờ như kế hoạch, vì điều đó có thể vắt kiệt sức người lao động. “Thử hình dung, người lao động, đặc biệt là lao động nữ, sau 8 giờ làm theo quy định, còn làm thêm đến 3 - 4 tiếng đồng hồ nữa thì không thể bảo đảm sức khoẻ- nhất là những lao động làm việc trong tư thế ngồi liên tục”- vị cán bộ công đoàn chỉ rõ.

Cũng liên quan đến lao động nữ, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần này quy định doanh nghiệp không được sa thải lao động nữ khi đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn đề nghị bổ sung nội dung: “Khi lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến khi con đủ 12 tháng tuổi”, và “lao động nữ mang thai hộ được gia hạn hợp đồng lao động đến thời điểm giao đứa trẻ cho người nhờ mang thai hộ, nhưng chỉ tính đến khi con đủ 12 tháng tuổi. 

Người nhờ mang thai hộ được gia hạn hợp đồng lao động từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 12 tháng tuổi”. Theo bà Kim Liên, quy định như trên là hết sức tiến bộ, giàu tính nhân văn.

Thêm 3 ngày nghỉ-vào dịp nào?

Một nội dung khác đáng chú ý của lần sửa đổi này, đó là tăng thêm 3 ngày nghỉ trong một năm. Chủ trương tăng số ngày nghỉ nhận được sự tán thành của giới công nhân nói riêng, người lao động nói chung. Nhưng phương án nghỉ như thế nào thì lại có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề xuất chia ba ngày nghỉ thành ba lần nghỉ khác nhau, ví dụ nghỉ Ngày Gia đình Việt Nam, nghỉ dịp tết dương lịch...

Nhưng cũng có ý kiến đề xuất cho nghỉ ba ngày liên tục trong dịp lễ Quốc khánh 2.9. Lý do, nếu được nghỉ ba ngày liên tục trong dịp này, cộng với số ngày nghỉ lễ sẵn có thì người lao động có thời gian đưa gia đình về quê hoặc đi du lịch. Các bậc cha mẹ cũng có thời gian mua sắm đồ dùng, sách vở chuẩn bị cho con vào năm học mới. “Tôi cho rằng nên nghỉ gộp ba ngày vào dịp Quốc khánh 2.9, không nên nghỉ vào dịp tết dương lịch, vì lúc này cũng cận kề tết cổ truyền của dân tộc”- bà Kim Liên bày tỏ ý kiến.

Cũng liên quan đến chọn ngày nghỉ, trong dịp tiếp xúc lấy ý kiến người lao động do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh bày tỏ, với tư cách cá nhân, ông ủng chọn phương án nghỉ dịp lễ 2.9.

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này có một nội dung hoàn toàn mới, đó là việc có thêm những tổ chức khác đại diện cho người lao động bên cạnh tổ chức Công đoàn như hiện có. Tại các buổi lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, đại diện các tổ chức Công đoàn nêu, nếu một công ty, doanh nghiệp lớn hàng trăm, hàng ngàn công nhân, thì số lượng tổ chức đại diện cho người lao động lớn hơn 1.

Nhưng nếu như doanh nghiệp nhỏ, chỉ vài ba chục công nhân thì việc có nhiều tổ chức là không cần thiết. Về nội dung này, theo bà Kim Liên, nên quy định số lượng tổ chức đại diện cho người lao động vào trong luật, không nên để Chính phủ quy định, vì luật có giá trị pháp lý cao hơn so với nghị định, thông tư.

Công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Trảng Bàng.

“Chúng tôi trở thành người thiếu trách nhiệm với gia đình”

Ngoài đại diện các tổ chức Công đoàn, nhiều công nhân đã lên tiếng kiến nghị Quốc hội cân nhắc kỹ trước khi “bấm nút” thông qua nội dung tăng giờ làm thêm lên đến 300 - 400 giờ mỗi năm. Trong lần tiếp xúc lấy ý kiến cho Bộ luật Lao động sửa đổi do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, đại diện Công ty Trần Hiệp Thành (doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trong nước) dẫn ý kiến của một công nhân (viết trên trang Web của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nguyên văn: “Tăng ca triền miên quá mệt mỏi, về tới nhà hơn 10 giờ đêm, gần như không biết đến gia đình gì cả... Thậm chí sáng đi làm chẳng kịp nhìn mặt con, tối về con đã ngủ từ bao giờ...

Gần 6 tháng tăng ca rồi còn tiếp tục tới bao giờ nữa đây? Chúng tôi cần công việc nhưng trên tất cả chúng tôi rất cần gia đình. Chúng tôi cần tiền để trang trải cuộc sống nhưng cũng cần thời gian và sức khoẻ để tiếp tục làm việc, cống hiến. Người chứ có phải máy đâu. Chúng tôi cần phải là những người bố, người mẹ, người con có trách nhiệm với gia đình. Tăng ca triền miên đã khiến chúng tôi trở thành những con người vô trách nhiêm với gia đình, với vợ (chồng), con cái…”.

Đại diện công đoàn Công ty Trần Hiệp Thành nói: “Vấn đề cốt lõi ở đây không phải là chúng ta bàn về việc có nên hay không việc giảm giờ làm bình thường cho người lao động. Cái gốc là bàn về việc làm sao để năng suất lao động tăng, vì chỉ khi năng suất lao động tăng, doanh nghiệp mới có được những điều kiện cần thiết để tăng mức độ cạnh tranh, từ đó có cơ sở giảm giờ làm nhưng vẫn có thể tăng thu nhập cho người lao động”, ý kiến này rất đáng quan tâm.

Việt Đông

“Bộ luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành ngày 23 tháng 6 năm 1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1995, đã qua bốn lần sửa đổi bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012; trong đó lần sửa đổi năm 2012 là lần sửa đổi cơ bản, toàn diện. Trong hệ thống pháp luật lao động của nước ta, sau Hiến pháp, Bộ luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ lao động có tính kinh tế - xã hội sâu rộng, tác động tất cả các thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và người lao động. Bộ luật Lao động đã tạo lập các chuẩn mực pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động, đưa ra các quy tắc ứng xử cho các chủ thể trong tuyển dụng và sử dụng lao động và thiết lập các hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà.

Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng thực thi trên thực tế, trước áp lực của hội nhập thương mại và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây, đã xuất hiện các đòi hỏi lớn đặt ra cho Bộ luật Lao động và yêu cầu Bộ luật Lao động cần phải được tiếp tục hoàn thiện”- theo duthaoonline.quochoi.vn.
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh