BAOTAYNINH.VN trên Google News

Còn nhiều bất cập trong hoạt động bảo hiểm y tế (*)

Cập nhật ngày: 10/11/2013 - 04:34

Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương phát biểu ý kiến

(BTN) - Đại biểu Phương cũng cho rằng trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập. Cụ thể như Luật BHYT quy định người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được ngân sách Nhà nước đóng BHYT, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định này.

Ngày 8.11.2013, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 - 2012. Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận định công tác khám, chữa bệnh BHYT thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực; các cơ sở y tế đã không ngừng nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, triển khai áp dụng nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến nhằm đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, đại biểu Phương cũng cho rằng trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập. Cụ thể như Luật BHYT quy định người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được ngân sách Nhà nước đóng BHYT, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định này.

Việc xếp hạng cho bệnh viện ngoài công lập chưa được Bộ Y tế hướng dẫn, trong khi BHXH Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn tạm thời, dẫn đến chồng chéo trong công tác giám định, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho các bệnh viện ngoài công lập.

Tình trạng chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng chưa cần thiết vẫn còn tồn tại ở một số cơ sở y tế (cần xem xét lại việc hướng dẫn chung trong toàn ngành). Đồng thời còn có tình trạng kê chi phí thuốc, vật tư y tế trong dịch vụ kỹ thuật; thống kê sai giá thuốc vật tư, dịch vụ kỹ thuật, thống kê chi phí trùng lắp một bệnh nhân nhiều lần. Số lượng và năng lực đội ngũ giám định viên chưa đáp ứng yêu cầu.

Thực tế qua giám sát chỉ có 1 giám định viên phụ trách 1 huyện và hầu hết đều có trình độ trung cấp y, dược, trong khi đó tỷ lệ tham gia BHYT ngày càng tăng. Việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT chỉ mới được định hướng xây dựng tập trung vào 2 nội dung về người tham gia BHXH, BHYT. Do chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT; chưa có quy định thống nhất về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan BHYT và các bệnh viện nên hiện vẫn tồn tại những khó khăn nhất định trong việc ứng dụng CNTT vào trong quá trình quản lý BHYT.

Khi ngành BHYT triển khai phần mềm dùng chung thì có một số bệnh viện không kết nối được phần mềm quản lý bệnh viện (đã có trước) với phần mềm dùng chung, dẫn đến khó khăn trong thực hiện các biểu mẫu thống kê, báo cáo và thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, việc đầu tư cho ứng dụng CNTT cũng đòi hỏi chi phí khá lớn nên các bệnh viện cũng gặp khó khăn trong đầu tư.

Từ những khó khăn vướng mắc trên, đại biểu Trịnh Ngọc Phương kiến nghị, Quốc hội có đánh giá toàn diện về việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân; có chính sách khuyến khích phát triển mạng lưới đại lý BHYT ở địa bàn cơ sở gắn với việc mở rộng thu hút các đối tượng không bắt buộc tham gia BHYT; có biện pháp khắc phục tình trạng một số đối tượng chỉ tham gia BHYT khi có bệnh để được hưởng lợi từ quỹ BHYT; có chính sách tiếp tục hỗ trợ ngành y tế trong giải quyết các khó khăn trước mắt để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tiếp tục điều chỉnh chính sách viện phí; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa), đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ y tế thiếu trách nhiệm, y đức không tốt gây bức xúc trong nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi quỹ BHYT.

DUY QUANG

(Lược ghi)

 (*) Tựa đề do Toà soạn đặt

 

 


 
Liên kết hữu ích