BAOTAYNINH.VN trên Google News

Triển khai thực hiện Luật Thể dục Thể thao:

Còn nhiều cái khó 

Cập nhật ngày: 12/03/2017 - 08:55

BTNO - Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL nhận xét, về kinh phí, Tây Ninh phân bổ cho hoạt động TDTT hoàn toàn không thua kém so với các tỉnh lân cận, nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Một phần do cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT không được nâng cấp, nằm rải rác, gây khó khăn cho việc đào tạo, huấn luyện.

Đội thể dục dưỡng sinh biểu diễn tại Trung tâm Thi đấu thể thao tỉnh.

Trong những năm qua, việc thực hiện các quy định pháp luật về thể dục thể thao (TDTT) được triển khai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt những hiệu quả nhất định, phong trào TDTT quần chúng được duy trì và phát triển rộng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Cụ thể, tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đến năm 2016 là 29,6%; số hộ gia đình thể thao là 22,66%.

Hằng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hơn 15 - 17 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh, thu hút hàng ngàn lượt vận động viên tham gia. Đối với thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, lực lượng vận động viên các môn thể thao thành tích cao đã đạt trên 200 huy chương các loại, trên 15 vận động viên đạt kiện tướng và 20 vận động viên đạt cấp I quốc gia.

Nhiều khó khăn, lắm hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động TDTT vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến việc suy giảm về thành tích thể thao của tỉnh trong những năm gần đây. Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL nhận xét, về kinh phí, Tây Ninh phân bổ cho hoạt động TDTT hoàn toàn không thua kém so với các tỉnh lân cận, nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Một phần do cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT không được nâng cấp, nằm rải rác, gây khó khăn cho việc đào tạo, huấn luyện.

Với chức năng tuyển chọn và đào tạo lực lượng vận động viên tham gia thi đấu tại các giải khu vực và toàn quốc, thời gian qua, Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao tỉnh đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong điều kiện khó khăn. Cơ sở vật chất tiếp quản từ Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh bàn giao năm 1993 đã cũ kỹ, xuống cấp nên chưa bảo đảm tốt cho yêu cầu sinh hoạt, học tập, tập luyện của vận động viên.

Đối với Trung tâm Thi đấu Thể thao Tây Ninh, công trình nhà thi đấu đã xuống cấp trầm trọng, hệ thống chiếu sáng không bảo đảm ánh sáng đúng chuẩn nên ảnh hưởng đến các hoạt động và nguồn thu của đơn vị. Sân vận động cũng chỉ chắp vá tạm thời để tổ chức các giải thi đấu, nhất là đường chạy hiện tại đã bị hư hỏng.

Cuối năm 2016, công trình nhà thi đấu được tiến hành sửa chữa, cải tạo và nâng cấp để đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải cấp quốc gia và quốc tế, nhưng hiện vẫn đang thiếu nhà kho để chứa các dụng cụ chuyên dụng cồng kềnh (như sàn đài thép và một số thiết bị khác). Nhà kho hiện tại nằm trong phương án cải tạo nên những dụng cụ để bên ngoài dễ bị hư hỏng.

Về cơ bản, các hoạt động tổ chức thi đấu của Trung tâm được bảo đảm, tuy nhiên, hoạt động dịch vụ còn hạn chế. Công tác thực hiện xã hội hoá xây dựng nhà tập, phòng tập ở những khu đất trống trong khuôn viên đơn vị vẫn chưa thực hiện được. Từ nhiều năm qua, Trung tâm vẫn thiếu phòng tập để mở các CLB như: Aerobic, Yoga, thể dục thẩm mỹ, Billiards, nhà tập luyện cầu lông…

Theo ông Phan Văn Việt Nga- Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao, chế độ khen thưởng vẫn chưa phù hợp. Hiện nay, các đơn vị thực hiện chế độ tiền thưởng cho các giải thể thao của tỉnh theo quyết định 83/2008/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh, được ban hành cách đây gần 10 năm. Như huy chương vàng Giải vô địch võ cổ truyền được tổ chức đợt vừa rồi là 400.000 đồng, giải Nhì 300.000 đồng, giải Ba 200.000 đồng. Một số môn cá nhân giải Nhất chỉ có 300.000 đồng, lần lượt Nhì, Ba là: 200.000 đồng và 150.000 đồng. Đối với vận động viên thể thao, tuổi thọ thể thao rất ngắn, có những môn từ 3-5 năm, có môn được 10 năm. Việc vừa luyện tập, vừa thi đấu với chế độ khen thưởng hiện tại không tương xứng với công sức bỏ ra của vận động viên.

Tìm được các VĐV có năng khiếu đã khó, tìm được những em có năng khiếu và sẵn sàng gắn bó với thể thao lại càng khó hơn, bởi nhiều em và gia đình không hứng thú với việc trở thành VĐV chuyên nghiệp.  Có nhiều nguyên nhân, trong đó, tuổi nghề ngắn và nhiều rủi ro trong quá trình tập luyện, thi đấu là nguyên nhân khiến nhiều người không mặn mà. Trên thực tế, nhiều em có tố chất thể thao, nhưng sau một thời gian huấn luyện đã bỏ dở vì gia đình mong muốn các em tập trung học văn hoá. Từ đó, dẫn đến việc lãng phí công sức, tiền bạc, mà không đem lại kết quả. 

Trước đây, tỉnh có mở các lớp năng khiếu ở các bộ môn bóng đá, cầu lông, bóng bàn… không những cung cấp nhiều VĐV năng khiếu cho tỉnh mà còn giúp phong trào tập luyện các môn này trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Tuy nhiên, từ khi các lớp này không còn, phong trào cũng lắng xuống. Hiện nay, việc tuyển chọn vận động viên năng khiếu chủ yếu từ các giải phong trào, trường học truyền thống như Hội khoẻ Phù Đổng. Công tác tuyển chọn còn nhiều hạn chế, hệ thống đào tạo năng khiếu thể thao chỉ mới tập trung ở tuyến tỉnh, tuyến huyện vẫn còn bỏ ngỏ, nên không ít tài năng thể thao trẻ bị bỏ sót.

Cơ sở mới của Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao đang được đầu tư, xây dựng trên diện tích hơn 5 ha tại huyện Châu Thành, dự kiến đưa vào sử dụng vào đầu năm 2018. Cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất mới là việc sáp nhập Trung tâm Đào tạo & Huấn luyện thể thao và Trung tâm Thi đấu, đây là thách thức đối với các đơn vị trong việc tìm hướng quản lý phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng- Trưởng Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh, ngành thể dục thể thao dường như đang bỏ sót một bộ phận lực lượng công nhân lao động ở các khu công nghiệp. Hiện, số lượng công nhân gần 200.000 người, trong đó, lực lượng thanh niên chiếm số đông, với nhu cầu về văn hoá thể thao rất lớn nhưng chưa được đáp ứng. Chỉ có Khu công nghiệp Trảng Bàng có sân bóng đá, các khu còn lại vẫn chưa bố trí. Đa phần các doanh nghiệp đều có sự quan tâm đến đời sống văn hoá, tinh thần người lao động, sẵn sàng tạo điều kiện đầu tư hỗ trợ, nhưng do chưa có thiết chế văn hoá để tổ chức các hoạt động TDTT cho người lao động nên không thể triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Liên đoàn Lao động và ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch vẫn chưa chặt chẽ, khiến cho việc tổ chức các hoạt động TDTT cho đối tượng công nhân còn nhiều hạn chế.

Khu nhà nghỉ của vận động viên tại Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao.

Cần đẩy mạnh xã hội hoá TDTT

Trên địa bàn Tây Ninh hiện có trên 500 cơ sở kinh doanh TDTT do tư nhân đầu tư xây dựng như: 28 sân quần vợt, 3 sân bóng đá 11 người, 101 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 24 hồ bơi, 2 nhà tập thể thao, 7 phòng tập bóng bàn, 6 nhà tập cầu lông, 330 bàn billiards, 40 phòng tập thể hình, 2 sân bóng chuyền, 40 phòng tập khiêu vũ thể thao và thể dục thẩm mỹ. Ngoài ra, còn có 131 điểm tập các môn võ thuật với trên 4.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên.

Trên địa bàn có 6 Liên đoàn, Hội, CLB cấp tỉnh là Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Quần vợt, Hội Vovinam, Hội Thể dục dưỡng sinh, CLB Mô tô thể thao. Dự kiến thành lập mới Liên đoàn Lân Sư Rồng vào quý I.2017. Công tác quản lý các bộ môn TDTT được san sẻ phần nào cho các tổ chức Liên đoàn, Hội, CLB nhằm tăng thêm sức mạnh về chuyên môn và tài chính cho ngành TDTT. Hằng năm, mỗi Liên đoàn, Hội, CLB của tỉnh vận động nguồn tài chính từ các tổ chức xã hội để tổ chức ít nhất 1 giải thi đấu với kinh phí từ 30 - 150 triệu đồng/giải.

Ngoài các Liên đoàn, Hội, CLB trên, Công ty cổ phần Bóng đá Tây Ninh cũng là một trong những đơn vị xã hội nghề nghiệp làm công tác xã hội hoá TDTT. Hằng năm, công ty vận động nguồn tài trợ cho đội bóng đá Tây Ninh với số tiền từ 15 - 20 tỷ đồng. Kết thúc giải hạng Nhất quốc gia năm 2016, đội Bóng đá Xi măng Fico Tây Ninh xếp thứ 5 trên tổng số 10 đội tham gia. Đây là xu hướng xã hội hoá thành công nhất về thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp của tỉnh Tây Ninh.

Ước tính tổng số tiền dành cho cơ sở vật chất về TDTT do tư nhân đầu tư đến nay đã trên 70 tỷ đồng. Trong năm 2015, các doanh nghiệp đã đầu tư trên 19 tỷ đồng xây dựng mới cơ sở vật chất bao gồm chủ yếu là sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, quần vợt, hồ bơi, phòng tập các môn: thể dục thẩm mỹ, thể hình, Taekwondo và trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động TDTT ở các cơ sở, đáp ứng nhu cầu tập luyện của mọi tầng lớp nhân dân.

Điển hình trong công tác xã hội hoá, cơ sở vật chất là khu thể thao bao gồm hồ bơi, sân quần vợt và phòng tập thể hình thuộc Trung tâm thương mại giải trí Cà Na có số vốn đầu tư 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở cũng đã đầu tư trên 1 tỷ đồng cho việc kinh doanh các hoạt động TDTT ở mỗi cơ sở.

Hiện, một số doanh nghiệp của tỉnh đang tiếp tục đầu tư cho các hoạt động về văn hoá, thể thao, giải trí với số tiền từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng như: Dự án của Công ty TNHH TM & SX Bình Đức xây dựng Khu liên hợp văn hoá, thể thao Bình Đức - thị trấn Trảng Bàng, Trung tâm văn hoá, thể thao tổng hợp huyện Gò Dầu, dự án đầu tư cải tạo hồ bơi Thiên Ngân ở thành phố Tây Ninh.

Có thể nói, những điểm tập luyện TDTT được đầu tư từ nguồn xã hội hoá đã góp phần mở rộng sân chơi, nơi tập luyện TDTT cho người dân. Tuy nhiên, công tác xã hội hoá vẫn chưa đạt được như mong đợi, chưa xứng với tiềm năng. Vẫn chưa có nhiều cá nhân, đơn vị hưởng ứng, tài trợ cho các hoạt động giải trí TDTT và tài trợ cho các đội tuyển từ tuyến tỉnh đến cơ sở. 

Để công tác vận động xã hội hoá TDTT được thực hiện tốt, ngành Thể thao cần phải nâng cao hiệu quả đào tạo, nâng cao thành tích, quy mô tầm cỡ các giải đấu. Phong trào thể thao quần chúng phải phát triển mạnh  mới thu hút được nhiều người quan tâm theo dõi các giải đấu, tạo cơ sở để vận động, thu hút được nhiều nhà tài trợ ủng hộ giải để quảng bá thương hiệu.

K.K