Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo kết quả khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tổng số công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh là 843 người. Trong số này, trình độ chuyên môn về nông nghiệp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thuỷ sản là 231 người, trong đó có 181 người có bằng đại học trở lên.
Hội đồng nhân dân tỉnh khảo sát tình hình đào tạo nghề tại Trường trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh.
CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ
Giai đoạn 2011-2017, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã quan tâm tạo điều kiện cho công chức, viên chức được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ.
Cụ thể, đã có 62 lượt người tham gia các lớp đại học, sau đại học và hàng trăm lượt người học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng lãnh đạo. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức, viên chức ngành nông nghiệp ngày càng được nâng cao.
Phần lớn công chức, viên chức có ý thức học tập nâng cao, chuẩn hoá trình độ theo yêu cầu vị trí việc làm. Theo đánh giá của đoàn khảo sát, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp được các đơn vị tổ chức quan tâm thực hiện.
Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đào tạo được triển khai. Nhận thức của người lao động về học tập được nâng lên, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được cải thiện. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo, chương trình bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đã có tác động tích cực, thu hút số lượng cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập nâng cao trình độ, qua đó từng bước củng cố số lượng và chất lượng về nhân lực quản lý của địa phương.
Nhiều chương trình tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác được triển khai như chương trình đào tạo kế toán, tín dụng, giao thông vận tải... Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, trang trại được đào tạo căn bản thông qua các chương trình đào tạo của doanh nghiệp, chương trình đào tạo nghề nông thôn, dự án khuyến nông…
Số công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa đạt chuẩn (tỷ lệ có bằng cao đẳng trở xuống hiện vẫn chiếm hơn 28%). Một số địa phương mặc dù cán bộ có bằng đại học, nhưng năng lực quản lý về nông nghiệp còn rất hạn chế, hiện vẫn còn thiếu đội ngũ trí thức có năng lực ứng dụng công nghệ cao.
Ngành Nông nghiệp chưa có chính sách thu hút riêng, cơ chế và môi trường làm việc chưa phù hợp, thiếu sức hút nên số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực nông nghiệp về tỉnh công tác còn rất ít.
Về nguồn nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có khoảng 234.000 người, tương đương 33% lao động trong toàn tỉnh. Trong đó, lao động qua đào tạo đạt khoảng 59%, phần lớn trong số này có trình độ sơ cấp trở xuống.
Số nhân lực được đào tạo, dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 18%; trình độ sơ cấp nghề 46%; trình độ trung cấp 19%, cao đẳng 9%, đại học và sau đại học hơn 7%. Về lao động tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 127 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng nguồn lao động trong tỉnh.
Ðoàn khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh đã đến khảo sát tại 3 doanh nghiệp, kết quả cho thấy tỷ lệ lao động trong tỉnh chiếm trên 84%. Phần lớn lao động tại các doanh nghiệp này là lao động phổ thông. Tại các hợp tác xã nông nghiệp, số người làm công tác quản lý, điều hành là 320 người, trong số này phần lớn chưa qua đào tạo, chỉ được tập huấn.
Hiện nay, tại doanh nghiệp thiếu một số lao động có trình độ chuyên môn về các ngành nghề liên quan đến kỹ thuật, cơ khí, hàn, tiện, điện, tự động… Nhưng việc tiếp cận với nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Ngành chức năng chưa nắm được nhân lực thuộc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (không có số liệu), do đó, chưa chủ động nắm nhu cầu để định hướng đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Việc tuyển dụng, sử dụng nhân lực của doanh nghiệp đều do chính các doanh nghiệp chủ động tìm nguồn, và tổ chức đào tạo.
Ðánh giá về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đoàn khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh cho rằng, công tác này còn nhiều hạn chế, thời gian đào tạo quá ngắn nên chất lượng đào tạo thấp. Số lao động sau khi đào tạo chủ yếu tự tạo việc làm. Số lao động được tuyển dụng còn rất ít (chủ yếu là nghề cạo mủ cao su).
Ðoàn khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh nhận định, nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua cơ bản có đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, định hướng phát triển nông nghiệp cho tương lai là nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, cần phải có giải pháp, cơ chế chính sách đào tạo để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho lĩnh vực nông nghiệp.
HỌC NHƯNG KHÔNG HÀNH
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được coi là một chính sách lớn. Tháng 7.2017, Ban Văn hoá - Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh đã có đợt khảo sát về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng hiệu quả chương trình này cũng còn nhiều hạn chế. Theo đó, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, việc thống kê đánh giá nhu cầu thị trường lao động chưa tốt, chưa định hướng cho người dân chọn lựa cho con em đi học đại học hay tham gia các chương trình đào tạo nghề.
Một số quy định về đào tạo đối với hệ trung cấp nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp đang mâu thuẫn với các quy định khác của Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh hệ trung cấp. Về phía cơ sở đào tạo nghề, cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị dạy nghề đã lạc hậu, chưa theo kịp với sự phát triển công nghệ và thiết bị máy móc của doanh nghiệp.
Quy mô đào tạo nghề, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tỷ lệ học sinh, học viên chính quy tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề bỏ học còn nhiều. Tình trạng các cơ sở đào tạo nghề hệ trung cấp và cao đẳng còn thiếu người học, hoặc không mở được lớp đào tạo theo chuyên ngành đang diễn ra phổ biến nhưng chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Những thay đổi về chính sách pháp luật cũng khiến cho các cơ sở đào tạo nghề gặp không ít khó khăn. Ví dụ, Trường cao đẳng nghề Tây Ninh vừa ổn định hoạt động theo mô hình trường cao đẳng nghề, nay lại chuyển sang mô hình giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, nhà trường cùng lúc quản lý 4 hệ đào tạo khác nhau là cao đẳng nghề, trung cấp nghề, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, tức là cùng một lúc phải có 4 bộ chương trình khác nhau…
Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã có 27.000 lao động nông thôn đã được đào tạo nghề, hầu hết trong số này đã được cấp chứng chỉ, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt 80%. Trong tổng số hơn 27.000 người được đào tạo nghề, số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng là gần 2.200 người, còn lại tự tạo việc làm.
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã trang bị tay nghề cho người lao động, điều này góp phần cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, chỉ có 5/20 ngành nghề nông nghiệp được đào tạo là có hiệu quả. Các ngành nghề nông nghiệp còn lại, đối tượng học nghề không sử dụng nghề đã học.
Những khó khăn bất cập trong việc đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân khách quan được xác định là nhiều gia đình không muốn cho con em mình theo học nghề. Ðiều này dẫn đến việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở không đạt được kết quả đã đề ra.
Nguyên nhân chủ quan được chỉ rõ, đó là sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường lao động và dự báo nhu cầu học nghề của người dân còn hạn chế. Các cơ sở đào tạo nghề công lập chưa chủ động đổi mới về công tác tuyển sinh; một số danh mục ngành nghề và trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề đã lạc hậu.
Hồi đầu tháng 6.2018, UBND tỉnh tổ chức sơ kết hai năm (2016 - 2017) về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn những mặt hạn chế nhất định.
Trong quá trình thực hiện, các địa phương chưa thực hiện đúng theo tinh thần Quyết định 971 là chỉ tổ chức đào tạo nghề khi xác định được nơi làm việc; không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi không dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập cho người lao động sau học nghề.
Công tác điều tra khảo sát và lập kế hoạch dạy nghề ở một số địa phương chưa sát nhu cầu học nghề của người lao động. Công tác triển khai, tổ chức lớp học chưa hợp lý, thời điểm lập danh sách đến khi tổ chức lớp học còn kéo dài dẫn đến một số học viên có sự thay đổi về nhu cầu học nghề, số lượng học viên theo đó cũng giảm xuống.
Công tác chiêu sinh cũng gặp khó khăn, nhất là đối tượng thuộc nhóm 1 và 2 (nhóm đối tượng ưu tiên hàng đầu về học nghề). Việc huy động các nguồn lực để tham gia hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn cũng chưa được bao nhiêu, phần lớn kinh phí vẫn do Nhà nước bảo đảm. Học viên sau khi được đào tạo chủ yếu tự tạo việc làm là chính.
Hầu hết các cơ sở đào tạo chưa thật sự gắn kết với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người học nghề sau đào tạo, doanh nghiệp vẫn sử dụng công nhân do doanh nghiệp tự đào tạo. Một bộ phận người lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề nông nghiệp như trồng mì, trồng ớt, do không có đất sản xuất và vốn để thuê đất đã bỏ nghề đi làm việc khác.
Ðối tượng ưu tiên thuộc nhóm 1 như hộ nghèo, hộ chính sách, hộ bị thu hồi đất, người khuyết tật tham gia học nghề quá ít. Một số xã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn thiếu định hướng lâu dài, việc xác định được nơi làm việc và mức thu nhập cho người lao động sau học nghề vẫn còn nhiều hạn chế.
Công tác triển khai đào tạo các nghề phi nông nghiệp còn khó khăn. Tỷ lệ lao động học các ngành nghề phi nông nghiệp có việc làm ổn định chưa cao, một bộ phận học viên không gắn bó với nghề đã được đào tạo.
VIỆT ÐÔNG