Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vừa qua, Sở Nội vụ tây Ninh đã chủ trì, phối hợp các Sở Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ thành lập Tổ thẩm định để tiến hành thẩm định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 của 17 sở, ban, ngành và 9 huyện, thành phố.
Việc thẩm định được thực hiện theo Quyết định số 3136/QĐ-UBND ngày 8.12.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quy định về xác định Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Năm 2016 tỉnh không đánh giá, xếp loại 2 đơn vị là Văn phòng UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh, do các cơ quan này không có thủ tục hành chính (TTHC), không thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Dương Minh Châu- Ảnh minh hoạ |
Trên cơ sở kết quả chấm điểm của Tổ thẩm định, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố Chỉ số CCHC năm 2016. Theo đó, đối với các sở, ban, ngành tỉnh, có 9 đơn vị xếp loại A, 6 đơn vị xếp loại B và 2 đơn vị xếp loại D (trong đó Sở Thông tin và Truyền thông đạt điểm cao nhất - 98,75 điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường thấp nhất - 60 điểm).
Đối với UBND cấp huyện, có 7 đơn vị xếp loại B và 2 đơn vị xếp loại C (UBND huyện Hòa Thành đạt điểm cao nhất - 81,75 điểm, UBND huyện Tân Châu thấp nhất - 71 điểm).
Theo đánh giá của Tổ thẩm định, năm 2016 một số cơ quan đã quan tâm chỉ đạo khắc phục những hạn chế trong thực hiện công tác CCHC, như UBND huyện Châu Thành (năm 2015 là đơn vị đạt điểm số thấp nhất với 65,75 điểm, đến năm 2016 đạt điểm 80,25 điểm - xếp thứ 4). Tuy nhiên, một số cơ quan lại thực hiện chưa tốt công tác CCHC như Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tân Châu, UBND huyện Gò Dầu.
Qua chấm điểm Chỉ số CCHC năm 2016, một số cơ quan vẫn còn những hạn chế như: thụ động, chưa quan tâm sâu sát đến công tác rà soát rút ngắn thời gian, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; chưa thực hiện tập huấn, hướng dẫn cho công chức thực hiện các TTHC này để hiểu rõ cách thức đơn giản hóa TTHC.
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn hạn chế, nhất là khâu phối hợp giữa các cơ quan, các phòng ban và việc kiểm soát, quản lý của lãnh đạo cơ quan đối với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin (sử dụng Hệ thống quản lý văn bản vào quản lý, điều hành theo đúng quy định tại Quyết định 59/2014/QĐ-UBND ngày 22.10.2014 của UBND tỉnh; một cửa điện tử,...) vẫn chưa thực hiện tốt; một số nơi còn lúng túng, cách hiểu và thực hiện đối với một số quy trình, thao tác khi xử lý các phần mềm còn nhiều hạn chế.
Lý giải nguyên nhân của những hạn chế, Sở Nội vụ cho biết do không có sự ổn định về nhân sự phụ trách công tác CCHC của các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố; đội ngũ tham mưu, thực hiện công tác CCHC tại các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố còn kém, lúng túng trong quản lý thực hiện về cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và quản lý Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, áp dụng công nghệ thông tin; chất lượng, hiệu quả việc thực thi công vụ của nhân sự phụ trách công nghệ thông tin còn kém; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác CCHC, quản lý chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát khi giao nhiệm vụ.
Việc chấm điểm Chỉ số CCHC hằng năm giúp UBND tỉnh nhìn nhận, đánh giá thực chất kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để có chỉ đạo kịp thời, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC của tỉnh nói chung và của các cơ quan, đơn vị nói riêng.
D.P