Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
DỰ THẢO LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ:
Còn những vấn đề cần được mọi người quan tâm đóng góp
Thứ hai: 22:43 ngày 18/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mới đây, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phản biện “Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” trực tuyến đến điểm cầu của 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Đây là dịp để các địa phương có điều kiện góp ý trực tiếp vào dự án luật, đồng thời cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố học hỏi Trung ương về công tác phản biện xã hội.

Tham dự buổi phản biện, chúng tôi nhận thấy dự thảo luật với 6 chương, 56 điều đã quy định tương đối cụ thể. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu từng điều khoản, vẫn còn những vấn đề cần được mọi người quan tâm tiếp tục đóng góp.

Thứ nhất, về tên gọi, cần xác định tên gọi và nội hàm dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trước tiên cần bàn thêm về việc xác định cơ sở là ở đâu, cấp nào. Trong dự thảo luật, tại Khoản 1, Điều 2 ghi “Cơ sở là xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nơi trực tiếp công khai thông tin, tổ chức lấy ý kiến, thực hiện các quyết định và chịu sự kiểm tra, giám sát của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”.

Nội dung trên có mấy vấn đề cần làm rõ. Cụ thể, cơ sở là xã, phường, thị trấn theo đơn vị hành chính, tương đồng với các luật khác, nhưng dự thảo luật lại ghi thêm “nơi trực tiếp công khai thông tin, tổ chức lấy ý kiến, thực hiện các quyết định và chịu sự kiểm tra, giám sát của công dân”.

Như vậy, đó là nơi nào? Rõ ràng nội dung này cần nghiên cứu và cụ thể hoá vào luật. Vấn đề thứ hai cần quan tâm là đối với doanh nghiệp thì phải cụ thể loại hình doanh nghiệp nào: nhà nước, tư nhân, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn kinh tế của Nhà nước có nhiều doanh nghiệp thành viên đóng khắp cả nước có gọi là cơ sở không? Mặt khác, có phải tất cả những vụ việc diễn ra ở cơ sở, ở trên địa bàn dân cư thì người dân đều được biết, bàn, quyết định và giám sát, kiểm tra hay chỉ là những việc làm của cơ sở dân mới được biết, bàn, quyết định và giám sát, kiểm tra.

Thứ hai, tại Điều 3 dự thảo luật, về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở có 5 nội dung. Tại Điều 4 về “Quyền của công dân… trong thực hiện dân chủ ở cơ sở” có 6 nội dung. Tại Điều 5 về “Nghĩa vụ của công dân… trong thực hiện dân chủ ở cơ sở” có 5 nội dung.

So với Hiến pháp 2013, tại Chương II có 36 điều nói về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” rất đầy đủ. Nếu có, chúng ta cụ thể hoá những điều nào Hiến pháp chỉ nêu chung, còn những nội dung trong Hiến pháp đã có thì không cần đưa vào để tránh trùng lặp, vừa thừa, vừa thiếu.

Cũng trong Chương I, tại Điều 2 về đối tượng áp dụng có 6 khoản mục, nhưng thực chất chỉ tựu trung có 2 nhóm đối tượng. Đối tượng thứ nhất là công dân đang sinh sống, học tập và lao động trên lãnh thổ Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế quyền công dân theo quy định pháp luật.

Đối tượng thứ hai là các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương (nhưng cũng cần xác định loại hình cụ thể như đã góp ý ở phần trên) nên ngắn gọn không cần phải nêu dài dòng như dự thảo.

Xuất phát từ hai nhóm đối tượng như trên thì dự thảo luật cũng phải quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của hai nhóm đối tượng tương ứng. Trong khi Điều 5 và Điều 6 quy định quyền và nghĩa vụ của công dân tương đối cụ thể thì Điều 7 quy định phạm vi và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lại quá chung chung mà đáng lẽ ra nhóm đối tượng này cần phải quy định cụ thể, bởi lẽ chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở tốt hay xấu phụ thuộc vào nhóm đối tượng này.

Nhiều nội dung quy định còn trùng lặp, chồng chéo cần nghiên cứu gom lại. Ví dụ, Điều 10 về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện nên gộp chung với Điều 5 quy định về quyền của công dân. Điều 12 về áp dụng pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được thể hiện ở Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, áp dụng…

Thứ ba, về các điều khoản cụ thể đối với chính quyền cấp xã cũng phải nghiên cứu đưa vào luật. Cụ thể như, Điều 10, những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai, tại Khoản 1 nêu “Kế hoạch phát triển KT-XH, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hàng năm của cấp xã”.

Vậy các phương án, dự án của huyện, tỉnh, của Trung ương trên địa bàn cấp xã có công khai không? Nếu công khai thì cấp nào công khai, trong khi ta chỉ quy định chính quyền địa phương cấp xã phải công khai.

Chính quyền địa phương cấp xã có đủ khả năng để công khai các dự án của cấp trên không? Tại Khoản 10 “Về kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ tiêu cực, tham nhũng của cán bộ CCVC cấp xã”, vậy cán bộ nơi khác về có tham nhũng, tiêu cực bị dân địa phương phản ánh, tố cáo rồi cơ quan chức năng vào cuộc có kết luận, có cần công khai cho dân tại nơi diễn ra tham nhũng, tiêu cực biết không? Đặc biệt, có công khai thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội không? Dự thảo luật không đề cập. Trong khi đây là các tổ chức đại diện cho dân.

Thứ tư, Nghị định số 145 của Chính phủ, ngày 14.12.2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động đã cụ thể hoá quyền làm chủ của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Vậy trong dự thảo này lại quy định nữa, vậy có chồng chéo không?

Về hình thức nhân dân bàn và quyết định (Điều 19) nên bỏ khoản 4 “Chính phủ quy định chi tiết nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục nhân dân bàn và quyết định”. Bởi vì các nội dung, hình thức, trình tự đã được quy định ở trên rồi, không cần phải hướng dẫn, chỉ cần làm rõ thêm một số ý như trên.

Về việc ra nghị quyết của cộng đồng dân cư theo Điều 17, 18, 19, 20 của dự thảo luật cũng cần quan tâm mấy điểm sau: có nội dung ở phạm vi ấp, khu phố, tổ dân phố, có nội dung ở phạm vi cấp xã, vậy thì cấp xã ra nghị quyết như thế nào, trong khi ở cấp ấp, tổ dân phố họp dân đã khó rồi, do người trẻ, người trong độ tuổi lao động phải đi tìm kiếm công ăn, việc làm, tăng ca, tăng kíp nên việc họp, việc lấy ý kiến là khó khăn, thực tế ở cơ sở nhiều năm qua không làm được.

Mặt khác, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã ngày càng nhiều việc, quy định như vậy là tạo thêm gánh nặng, vừa hình thức, máy móc. Do đó, quy định thành phần lấy ý kiến cộng đồng dân cư có thể bao gồm cấp uỷ, trưởng ấp, khu phố, tổ dân phố, tổ trưởng, tổ phó tổ dân cư tự quản, đại diện các chi hội quần chúng địa phương là đủ, vừa dễ thực hiện, vừa thực chất, tránh hình thức? Sau khi các nội dung lấy ý kiến nhân dân xong, trên cơ sở đó, cấp uỷ chỉ đạo chính quyền, MTTQ, đoàn thể cấp xã đưa vào nghị quyết của mình và triển khai thực hiện.

Điều 24 về “Những nội dung được nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định” cần thêm chữ “phải” trước chữ được nhân dân tham gia… để khẳng định và mang tính bắt buộc. Trong Điều 35 “Những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến” cần thêm các nội dung như: tham gia ý kiến trong đánh giá, xếp loại cán bộ công chức, viên chức hàng năm, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm, bãi nhiệm cán bộ, công chức, viên chức…

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bao hàm nhiều nội dung khó và rộng. Để luật ban hành và đi vào được cuộc sống sẽ là một bước tiến lớn trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở địa bàn dân cư, ở cơ sở, nhằm cụ thể hoá phương châm chỉ đạo của Đảng là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, kiểm tra”.

Nguyễn Văn Nhiếm

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục