Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) vừa công bố danh mục sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) của 95 doanh nghiệp (DN) thuộc 12 tỉnh, thành phố bị đưa vào danh mục trái quy định.
Ảnh minh họa
Các địa phương có lưu hành các sản phẩm này gồm: TPHCM, Hà Nội, Bình Định, Long An, An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang và Khánh Hòa.
Trong đó, TPHCM có số DN có sản phẩm lưu hành trái phép nhiều nhất với 71 DN, tiếp đến là Đồng Nai và Sóc Trăng cùng có 5 DN, Long An có 4 DN, Hà Nội 3 DN, còn lại mỗi địa phương khác có 1 DN.
Trong số 95 DN có sản phẩm bị lưu hành trái phép do Tổng cục Thủy sản công bố, Công ty TNHH BZT USA dẫn đầu với 112 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm cho đến nay chưa được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam gồm: Doctor, Super Yucca (sản phẩm xử lý cải tạo môi trường NTTS thuộc Văn bản số 1382/TCTS-VP ngày 3/5/2013 của Tổng cục Thủy sản đã có quyết định bị thu hồi), DRT 999 (nằm trong phụ lục Văn bản số 758/TCTS-TTKN ngày 1/4/2013 đã có quyết định bị thu hồi).
Tiếp đến là Công ty TNHH Thủy sản An Khang có 38 sản phẩm hiện đang trong tình trạng sản xuất thử. Đáng chú ý, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Xuyên Việt có 22 sản phẩm bị thu hồi thì đều nằm trong nhóm sản phẩm chưa được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
TP. Hà Nội có 3 DN có sản phẩm lưu hành trái phép gồm: Công ty CP Công nghệ sinh học Thế hệ mới NGBIOTECH với 3 sản phẩm (Neofish, Neprawn-3, Neprawn-4), Công ty CP Thú y xanh Việt Nam với 2 sản phẩm (Clo-Aqua, Medi-B.K.C 80), Công ty TNHH Bio-Floc với 4 sản phẩm (Bio-Floc Protic, Bio-Floc 01, Bio-Floc 02 và Bio-Floc EM). Trong đó, các sản phẩm của 2 DN là Công ty CP Công nghệ sinh học Thế hệ mới NGBIOTECH, Công ty TNHH Bio-Floc hiện chưa xác định được tình trạng lưu hành.
Tổng cục Thủy sản đã công bố, trong số 802 sản phẩm được kiểm nghiệm “khống”, đưa vào danh mục lưu hành trái phép có 347 sản phẩm đã được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam để lưu hành trên thị trường. Ngoài ra, có 367 sản phẩm đã bị đưa vào danh mục nhưng chưa được sản xuất, chưa được lưu hành và 88 sản phẩm đến ngày 3/8/2016 chưa xác định được tình trạng lưu hành.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát tổng thể toàn bộ danh mục được phép lưu hành đối với thức ăn thủy sản và chất xử lý cải tạo môi trường trên toàn quốc để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh về việc làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản tại Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản (thuộc Tổng cục Thủy sản). Đồng thời, công bố công khai các sản phẩm không bảo đảm chất lượng và có biện pháp xử lý kiên quyết không để lưu hành các sản phẩm sai quy định, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2016.
Xem danh mục 802 sản phẩm thủy sản lưu hành trái phép tại đây
Nguồn VGP News