Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 14.4, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến đến các tỉnh, thành phố, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam phối hợp Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tổ chức.
Người dân tham gia giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công thị xã Hoà Thành- Ảnh minh hoạ
Tại điểm cầu Hà Nội, đến dự có ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN. Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị.
Theo báo cáo Chỉ số PAPI ở Việt Nam năm 2020, tỉnh Tây Ninh có 2/8 chỉ số ở nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao (là trách nhiệm giải trình với người dân- đạt 4,9 điểm và cung ứng dịch vụ công - đạt 7.0 điểm).
Kết quả, năm 2020, Tây Ninh đạt 41.34 điểm, xếp hạng 51/63 tỉnh thành. So với năm 2019, Tây Ninh tụt 10 bậc.
PAPI là công cụ phản ánh hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến người dân, với sự tham gia của người dân trong giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, được thực hiện từ bên ngoài khu vực Nhà nước lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Từ năm 2009 đến năm 2020, có tới 146.233 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công ở nhiều lĩnh vực cụ thể.
Dịch vụ bưu chính công ích nhận, trả hồ sơ tại nhà- Ảnh minh hoạ
PAPI bao gồm 8 chỉ số về tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.
Chỉ số PAPI là công cụ đo lường trải nghiệm và cảm nhận của người dân thường niên nhằm mục đích so sánh hiệu quả, chất lượng quản trị, điều hành của bộ máy Nhà nước, cung cấp dịch vụ công của chính quyền 63 tỉnh, thành phố, thúc đẩy quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đây là nỗ lực hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu phát triển-hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và UNDP tại Việt Nam từ năm 2009 và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQVN tại Trung ương cùng các địa phương.
N.D