BAOTAYNINH.VN trên Google News

Công điện khẩn của Bộ NN&PTNT: Cảnh giác nguy cơ cúm A/H5N1 lây lan cho đàn gia cầm và người

Cập nhật ngày: 08/03/2013 - 06:16

Nghiêm cấm việc di chuyển đàn gia cầm có nguồn gốc từ Campuchia sang lãnh thổ Việt Nam để nuôi, chăn thả trên các cánh đồng và ngược lại

(BTNO) – Bộ NN&PTNT vừa có công điện khẩn yêu cầu Tây Ninh cùng các tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bình Phước tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Bộ NN&PTNT cho biết, theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ đầu năm 2013 tại nước này đã xuất hiện 09 ca bệnh cúm A/H5N1 trên người, trong đó đã có 8 trường hợp tử vong. Đồng thời, ngày 20.2 vừa qua, tổ chức WHO thông báo virus cúm đang gây bệnh cho gia cầm và người Campuchia là H5N1 nhánh 1.1. Kết quả điều tra dịch tễ học cho thấy, tất cả các bệnh nhân đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Trong số các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại một số tỉnh của Campuchia, có tỉnh Takeo, Kampong Cham giáp với Việt Nam. Do đó, nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan cho đàn gia cầm và lây sang người ở Việt Nam rất cao.

Để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch cúm gia cầm hiện nay, chủ động ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan chủng virus cúm từ Campuchia vào Việt Nam, không để lây bệnh cho người, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh biên giới giáp với các Campuchia khẩn trương chỉ đạo nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới với Campuchia, bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Nghiêm cấm việc di chuyển đàn gia cầm có nguồn gốc từ Campuchia sang lãnh thổ Việt Nam để nuôi, chăn thả trên các cánh đồng và ngược lại. Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho toàn bộ đàn gia cầm thuộc diện tiêm phòng trên địa bàn các huyện biên giới và các địa bàn có nguy cơ cao tại địa phương; chủng loại vắc-xin sử dụng tiêm phòng theo hướng dẫn của Cục Thú y.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh biên giới tổ chức chỉ đạo giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, ấp, phát hiện sớm khi đàn gia cầm có biểu hiện khác thường và xử lý triệt để, hạn chế lây lan dịch bệnh gia cầm và lây bệnh cho người. Tăng cường công tác tuyên truyền tác hại của bệnh cúm gia cầm; vận động người chăn nuôi khai báo cho nhân viên thú y, chính quyền cơ sở khi phát hiện gia cầm nghi mắc bệnh cúm hoặc chết bất thường; thực hiện nuôi nhốt gia cầm và áp dụng các biện pháp vệ sinh, khử trùng thường xuyên; chấp hành việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm; không buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chỉ sử dụng các sản phẩm gia cầm đã qua chế biến chín.

HY UYÊN